Khởi nguồn của ba vụ án đều có "công thức" xuất phát từ cuộc gặp của doanh nghiệp với ba lãnh đạo cơ quan công quyền tại trụ sở làm việc, dù thời gian cách nhau tới 12 năm.
Đầu năm 2007, ở phía Nam, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Đình Thành gặp người bạn lâu năm Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch Công ty AIC.
Năm 2016, phía Đông Bắc, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh Vũ Liên Oanh gặp người quen Hoàng Thị Thúy Nga, Chủ tịch NSJ group.
Năm 2019, ở phía Tây Bắc, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Kiên gặp Đinh Văn Hữu, Công ty Sách Điện Biên.
Ba cuộc gặp ở "ba đầu đất nước" có nhiều điểm chung: đều diễn ra khi các địa phương này rục rịch có những dự án đầu tư công. Đồng Nai sắp xây Bệnh viện đa khoa quy mô 1.400 giường với vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng. Quảng Ninh sắp đấu thầu 6 gói mua sắm thiết bị giảng dạy hơn 630 tỷ đồng. Điện Biên cũng sắp chi 20 tỷ đồng cho hai gói thầu thiết bị giáo dục.
Ba cuộc gặp đem lại lợi ích vật chất cho cả cán bộ và doanh nghiệp nhưng làm thiệt hại cho tài sản Nhà nước. Hiện, "nhân vật chính" của những cuộc gặp này đều đã bị đề nghị truy tố, đang hầu tòa hoặc vừa nhận án tù.
Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2022, cơ quan điều tra phát hiện hơn 5.100 vụ án quản lý kinh tế, trong đó đặc biệt phức tạp là các vụ án thuộc lĩnh vực đấu thầu, đấu giá, mua sắm công. Qua các vụ án đã bị khởi tố, xét xử, nhiều chiêu thức giống nhau đã "không hẹn" lại cùng được áp dụng. Những cuộc gặp gỡ, "mời cơm" thiết lập quan hệ là bước mở màn.
Nhưng dù mới quen hay thân thiết, việc doanh nghiệp chi "hoa hồng" là bắt buộc.
Những món "quà Tết" hàng tỷ đồng
Trong đại án AIC liên quan nhiều quan chức tỉnh Đồng Nai, người nhận được nhiều "hoa hồng" nhất là cựu Giám đốc Bệnh viện Đồng Nai kiêm Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ. Tại phiên sơ thẩm mở cuối năm 2022 tại TAND Hà Nội, ông Vũ khai không bao giờ "đặt vấn đề" tiền nong với doanh nghiệp tham gia đấu thầu. 14,8 tỷ đồng AIC đưa là "quà cảm ơn dịp Tết".
"Nhân dịp Tết" để đưa quà cũng là chiêu thức được sử dụng trong cả hai vụ thông thầu còn lại tại Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh và Điện Biên.
Bà Vũ Liên Oanh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh, bị cáo buộc 4 năm liền (2016-2019) nhận quà của Công ty NSJ. Bà Oanh không nhớ chính xác thời gian nhưng đều nhận sau 23 tháng Chạp âm lịch, mỗi lần 1-5 tỷ đồng, tổng 14 tỷ đồng, theo kết luận điều tra. Các cán bộ dưới quyền của bà cũng được NSJ "cảm ơn" 16 tỷ đồng.
Người đồng cấp của bà Oanh tại Điện Biên, ông Nguyễn Văn Kiên, hai năm liền được Công ty Sách Điện Biên biếu mỗi lần 300 triệu đồng dịp Tết, tổng 600 triệu đồng.
Dù khẳng định động cơ "lấy quà trong sáng", các ông, bà trên đều đã nộp lại toàn bộ số "quà Tết". Ông Kiên thậm chí nộp tới 2 tỷ đồng dù "được biếu 600 triệu".
So với tổng giá trị gói thầu, số tiền mà các lãnh đạo được doanh nghiệp "lại quả" trong 3 vụ án là 3-7%.
Báo cáo đấu thầu mua sắm công từ góc nhìn của doanh nghiệp của VCCI năm 2022 gọi khoản này là "chi phí không chính thức". Tình trạng doanh nghiệp trả "phí ngoài" để tăng khả năng trúng thầu khá phổ biến.
Khảo sát trên hơn 9.200 doanh nghiệp, 26% doanh nghiệp chủ động trả "phí" này, 10% do cán bộ phụ trách đấu thầu gợi ý và tới 59% doanh nghiệp coi việc này là "luật bất thành văn" phải tự hiểu khi tham gia đấu thầu.
"Luật bất thành văn" trong vụ án AIC là trường hợp điển hình. Công tố viên khi buộc tội tại toà đã gọi đây là "cơ chế ngầm". Việc chi cho lãnh đạo nào, mức bao nhiêu tiền còn được AIC ghi lại.
"Bảng kê chi tiền cho các quan chức do nhân viên AIC giao nộp có ghi dòng chữ 'Co Che', được hiểu là 'cơ chế'. Đây là lý do AIC tham gia gói thầu nào trúng ngay gói đấy", công tố viên nói.
Nâng khống giá gói thầu
Để có tiền biếu "quà Tết" các lãnh đạo ban ngành, các doanh nghiệp gian lận thầu sẽ phải tìm cách nâng khống giá gói thầu để bù lại. Ở vụ án tại Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh, Công ty NSJ bị cáo buộc đã "vẽ" ra các chi phí không hợp lệ, thực chất là "tiền lại quả các quan chức Sở". Trước mỗi gói thầu, NSJ tính toán mức giá sẽ khống để đảm bảo lợi nhuận cuối cùng 8-12%.
Để đạt mốc này, NSJ nhập khẩu hàng trước khi chủ đầu tư đấu thầu, ký hợp đồng với công ty trung gian nước ngoài để nâng khống giá sản phẩm nhiều lần trước khi hàng về Việt Nam, các công ty sân sau của NSJ tiếp tục mua, bán lòng vòng, nâng giá một lần nữa.
Sự phối hợp của cán bộ Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh và nhân viên NSJ chỉ được hai lãnh đạo nói một lần đầu. Từ năm 2017 trở đi, đôi bên "cứ thế thực hiện", giám đốc Sở và Chủ tịch NSJ "không cần nhắc lại", kết luận điều tra nêu.
Do các chứng cứ, tài liệu đã bị Chủ tịch NSJ chỉ đạo tiêu huỷ, thiệt hại vụ án chỉ được xác định ở vụ cuối cùng, năm 2019. Giá gốc sản phẩm 63 tỷ đồng, bị NSJ nâng thành 143 tỷ đồng. Thiệt hại được tính là số tiền bị khống, 80 tỷ đồng.
Ở hai vụ án còn lại, người liên quan tại AIC và Công ty Sách Điện Biên đều khai đã chủ động móc ngoặc với phía thẩm định giá, khiến giá sản phẩm bị nâng 1,3-2 lần.
Lập "liên minh" quân xanh quân đỏ
Trong phiên thảo luận ngày 8/11/2022 tại Quốc hội, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy chỉ ra đây là chiêu trò thông thầu điển hình tại các dự án công. "Có nhà thầu chuyên dự thầu chỉ để trượt, nhằm lót đường cho nhà thầu đã định sẵn trúng thầu. Có cuộc đấu thầu trở thành "vở kịch" với sự tham gia của rất đông quân xanh, quân đổ để cuối cùng, quân đỏ trúng thầu", bà Thủy nhìn nhận.
Năm 2013-2019, AIC nhắm tới 16 gói thầu mua sắm thiết bị y tế, tổng trị giá 665 tỷ đồng, cho Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Bí thư Tỉnh ủy khi đó chỉ thị cấp dưới "giúp AIC như giúp người nhà". 12 quan chức lãnh đạo tỉnh, sở ngành do đó hết mình hậu thuẫn. 16 gói thầu này đều đấu thầu rộng rãi và AIC vẫn phải nhờ 8 công ty khác đóng vài "vở kịch".
8 công ty này liên tục dự cả 16 gói thầu nhưng đều không trúng thầu ("quân xanh"), hoặc trúng thầu rồi trả lại cho AIC thực hiện ("quân đỏ"). Các "diễn viên đóng thế" sau đó được AIC "trả ơn" bằng việc mua máy móc, hoặc giao thực hiện một số hạng mục của gói thầu.
Tại vụ án ở Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh, NSJ cũng nhờ 7 công ty "quân xanh"; vụ án ở tỉnh Điện Biên là 3 công ty. Giám đốc Công ty Sách Điện Biên tự tin đến mức, gom mua thiết bị giáo dục, sẵn sàng bàn giao cho chủ đầu tư 10 ngày trước khi công bố kết quả thầu, theo buộc tội của nhà chức trách.
16 năm sau "cuộc gặp định mệnh" với Chủ tịch AIC, hôm 30/12/2022, cựu bí thư Đồng Nai Trần Đình Thành khóc khi nói lời sau cùng trước tòa, khuyên cán bộ đương chức "giữ mình xa cạm bẫy". Ông nhận mình là vết nhơ của Đảng bộ tỉnh khi là Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên trong lịch sử 80 năm Đảng bộ Đồng Nai vướng lao lý. Ông Thành bị phạt 11 năm tù song không kháng cáo.
Liên quan vụ án, 12 cựu cán bộ tỉnh Đồng Nai gồm cựu Chủ tịch tỉnh, cựu giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Y tế... bị phạt từ 30 tháng tù treo đến 19 năm tù giam. Kẻ chủ mưu, Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn, bị phạt 30 năm tù dù vẫn đang bỏ trốn.
Bà Vũ Liên Oanh, cựu Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh, đang bị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Vụ án 15 bị can, ngoài bà Oanh còn có 3 cựu cán bộ dưới quyền.
Cựu giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên Nguyễn Văn Kiên hôm nay dự kiến ra tòa cùng cựu Giám đốc Công ty Sách Điện Biên Đinh Văn Hữu và 6 người khác, cùng tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Thanh Lam