Ngày 24/2, bà Oanh cùng ba cấp dưới Ngô Vui (cựu trưởng phòng Kế hoạch tài chính), Hà Huy Long (cựu phó phòng Kế hoạch tài chính), Phạm Thị Hạnh (Phó phòng Kế hoạch tài chính) bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đề nghị truy tố về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, theo khoản 3 Điều 222 Bộ luật Hình sự.
Cùng tội danh, C03 đề nghị truy tố 11 người khác là: Hoàng Thị Thuý Nga (Chủ tịch NSJ group), Trần Ngọc Thắng (Tổng giám đốc Công ty MQF)...
Từ 2016 đến 2019, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Quảng Ninh là chủ đầu tư 6 dự án mua sắm trang thiết bị giáo dục cho các trường mầm non, tiểu học. Bà Oanh với cương vị Giám đốc Sở là đại diện chủ đầu tư.
Do có mối quan hệ từ trước, bà Oanh đã đồng ý cho Nga cung cấp thiết bị giáo dục trong gói thầu mua sắm, sau đó giao ông Ngô Vui phối hợp lập dự án, thực hiện thủ tục đấu thầu.
Theo kết luận điều tra, dù chưa thực hiện thủ tục chỉ định thầu, chưa thương thảo, ký hợp đồng với đơn vị tư vấn nhưng Sở GD&ĐT Quảng Ninh đã liên hệ để "thông thầu" 6 gói, trị giá hơn 636 tỷ đồng. Việc này gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 80 tỷ đồng.
Bà Oanh khai đã tạo điều kiện cho Công ty NSJ và các công ty có quan hệ mật thiết với NSJ trúng các gói thầu từ năm 2016 đến 2019. Sau khi thực hiện các dự án, Nga đưa cho bà Oanh 14 tỷ đồng.
Lần đầu tiên vào dịp gần Tết nguyên đán năm 2017, bà Oanh nhận của bà Nga một tỷ đồng tại cơ quan. Ba lần sau cũng vào dịp cuối năm từ 2017 đến 2020, bà Oanh nhận lần lượt 3,5 tỷ, 5 tỷ và 4,5 tỷ đồng. Hiện, bà Oanh mong muốn và tự nguyện trả lại số tiền trên để hưởng khoan hồng.
Cấp dưới của bà Oanh là Ngô Vui khai không đòi hỏi hoặc thoả thuận trước nhưng sau khi Công ty NSJ trúng thầu (từ 2016 đến 2018) bà Nga 3 lần đến phòng làm việc đưa "tiền cảm ơn". Ông Vui nhận tổng cộng của Nga 14,8 tỷ đồng và đã nộp lại toàn bộ số tiền trên để khắc phục hậu quả.
Cựu phó Phòng Kế hoạch và tài chính Hà Huy Long cũng được bà Nga cảm ơn 4 lần, tổng cộng 1,3 tỷ đồng và 20.000 USD.
Trích 30% giá trị gói thầu để 'lại quả' cho quan chức
Sau khi được chủ đầu tư "mở đường", bà Nga đã chỉ đạo nhân viên thực hiện "thông thầu" theo quy trình 93 bước. Nga giao cho khối giáo dục thực hiện toàn bộ công việc từ khâu lập dự án, tính toán giá sản phẩm đến lập hồ sơ dự thầu, quân xanh.
Bà chỉ đạo nhân viên tính toán chi phí hợp lệ và không hợp lệ một cách cụ thể. Trong đó chi phí không hợp lệ chiếm khoảng 30%, chủ yếu dùng "lại quả" cho các cá nhân tại Sở GD&ĐT Quảng Ninh. Nga giao cho nhân viên phải tính toán hợp lý, để sau khi trừ hai loại chi phí trên thì mỗi gói thầu, công ty phải đạt lợi nhuận 8-12%.
C03 xác định, toàn bộ 6 gói thầu do Sở GD&ĐT Quảng Ninh làm chủ đầu tư đều sai phạm. Các loại hàng hoá, thiết bị mà công ty của Nga bán vào dự án đều là loại không thông dụng trên thị trường.
Bà Nga từng là Phó tổng giám đốc Công ty AIC, sau đó làm Chủ tịch Hội đồng sáng lập NSJ Group và lập 7 công ty giao cho cấp dưới đứng tên pháp nhân. Dù giấy phép kinh doanh là các công ty độc lập nhưng thực chất đều do bà Nga bỏ vốn thành lập và điều hành mọi hoạt động.
Đầu tháng 1, trong vụ án vi phạm đấu thầu, đưa nhận hối lộ xảy ra tại AIC và Đồng Nai, bà Nga bị TAND Hà Nội tuyên phạt 12 năm tù về tội Vi phạm quy định đầu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Ngày 17/2, trong một vụ án xảy ra ở Sở Y tế Cần Thơ, bà Nga bị TAND TP HCM phạt 8 năm tù cùng vì vi phạm đấu thầu.