Ngày 21/12, TAND Hà Nội sẽ khai mạc phiên xét xử kéo dài 20 ngày với 36 người trong vụ đại án liên quan gian lận đấu thầu tại dự án Bệnh viện tỉnh Đồng Nai, gây thiệt hại hơn 150 tỷ đồng.
Trong bị cáo, 13 người là cựu lãnh đạo, cán bộ thuộc UBND và các sở ban ngành tỉnh Đồng Nai, 11 người của công ty AIC, 4 người thuộc các công ty tư vấn thẩm định và 8 lãnh đạo của 8 công ty tư nhân đóng vai trò "quân xanh", "quân đỏ" khi thông thầu.
Tuy nhiên, 7 người gồm Nguyễn Thị Thanh Nhàn, 53 tuổi, cựu Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty AIC cùng cấp phó Trần Mạnh Hà, kế toán trưởng Đỗ Văn Sơn và 5 giám đốc các công ty "quân xanh" đứng sau AIC đang trốn truy nã. Tất cả sẽ bị xét xử vắng mặt.
Bốn nhóm bị cáo bị VKSND Tối cao cáo buộc các vi phạm khác nhau, vì các động cơ và nhận các lợi ích vật chất khác nhau, song tất cả cùng chịu chi phối từ bà Nhàn cho kế hoạch "thông thầu".
Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai có vốn đầu tư gần 2.000 tỷ đồng là dự án nhóm A, được Thủ tướng cho phép UBND tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư, năm 2006. Sở hữu doanh nghiệp kinh doanh nhiều ngành nghề, trong đó có thiết bị, dụng cụ y tế, Chủ tịch AIC đã dùng mối quan hệ với Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Đình Thành, tham vọng có được 16 gói thầu trị giá hơn 665 tỷ đồng.
Trong một bữa ăn trưa năm 2007, ông Thành, theo nhờ vả của bà Nhàn, đã mời một loạt lãnh đạo UBND tỉnh, sở, ngành Đồng Nai tới để giới thiệu về AIC và nhờ họ "quan tâm, tạo điều kiện" cho công ty tham gia các dự án của tỉnh, cáo trạng nêu.
Cuộc gặp diễn ra ngay trước khi UBND tỉnh ban hành quyết định chính thức đầu tiên về dự án. Ngay sau đó, bà Nhàn nhiều lần gặp ông Thành, Phó chủ tịch tỉnh Đinh Quốc Thái và Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bồ Ngọc Thu đưa ra các đề nghị rõ ràng hơn: "Tạo điều kiện để AIC đấu thầu và trúng thầu" các gói thiết bị y tế.
Năm 2010, khi dự án gặp khó khăn về nguồn vốn, bà Nhàn có dịp "báo đáp" ông Thành khi nhận lời giúp tỉnh Đồng Nai xin thêm vốn trung ương. Dự án sau đó được tăng 30% tổng mức đầu tư, lên hơn 1.000 tỷ đồng, tháng 7/2010.
Sau việc này, ông Thành tổ chức "bữa cơm" thứ hai tại một nhà hàng ở TP Biên Hòa. Qua đây, Bí thư Đồng Nai giao Giám đốc Bệnh viện Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ tạo điều kiện để AIC trúng thầu và giải thích do "AIC có khả năng, có nhiều mối quan hệ với trung ương và có công xin vốn cho tỉnh", VKSND Tối cao cáo buộc.
Sau lần này, nhiều cán bộ của Đồng Nai đều tự giác "làm nhanh" các thủ tục cho AIC. Động thái này được cựu Chủ tịch tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái lý giải tại cơ quan điều tra do biết bà Nhàn quen thân với Bí thư Thành nên "phải tạo điều kiện".
"Nhàn là ruột thịt của Bí thư. Đừng để Bí thư phật ý", cáo trạng nêu lời khai của ông Thái.
Cáo trạng xác định, 21/7/2010, ông Thái phê duyệt lại dự án, bổ sung phần đầu tư thiết bị y tế khi không có tài liệu, thẩm định của các cơ quan chuyên môn về danh mục và giá. Thậm chí, ông không thông qua HĐND tỉnh trước khi phê duyệt.
Cơ quan điều tra xác định ông Thái đã được AIC "lót tay" tới 14 lần từ năm 2009 đến năm 2020, trong đó 9 lần nhận tại phòng làm việc tại UBND tỉnh Đồng Nai và một lần tại nhà riêng. Tổng số tiền là 14,5 tỷ đồng, bằng với Bí thư Thành.
Trong phiên tòa ngày 21/12 sắp tới, cả cựu Bí thư Đồng Nai Trần Đình Thành và cựu Chủ tịch tỉnh Đinh Quốc Thái đều bị xét xử về tội Nhận hối lộ. Ông Phan Huy Anh Vũ, cựu Giám đốc Bệnh viện kiêm Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, bị cáo buộc nhận 14,8 tỷ đồng.
Ông Vũ bị cáo buộc can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu qua 7 sai phạm. Đó là chỉ đạo Phan Minh Trí, cấp dưới tại Ban quản lý dự án, phải tạo điều kiện cho AIC trúng thầu; ban hành chứng thư thẩm định giá dựa theo báo giá của AIC tự xây dựng với hệ số nâng khống giá 1,3-2 lần; tác động để Trung tâm Tư vấn xây dựng Đồng Nai phê duyệt giá gói thầu, nâng giá trái luật....
Do đó, ông Vũ ngoài tội Nhận hối lộ, còn bị truy tố tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, theo Điều 222 Bộ luật Hình sự.
Bị can Trí khai được AIC lót tay 20 triệu đồng song không bị truy tố Nhận hối lộ.
Là một trong những cán bộ đầu tiên của Đồng Nai tiếp xúc với bà Nhàn AIC, cựu Giám đốc sở Kế hoạch và Đầu tư Bồ Ngọc Thu cũng tích cực dọn đường cho AIC thông thầu vì lý do "sợ Bí thư phật ý", theo cáo trạng. Bà Thu bị cáo buộc bỏ qua các bước thẩm định, ký tờ trình cho Chủ tịch tỉnh Thái ký phê duyệt lại dự án, bổ sung 754 tỷ đồng cho hạng mục thiết bị y tế.
Bà cũng không lập hồ sơ thuyết minh điều chỉnh tổng mức đầu tư, không đưa ra cơ sở để xác định danh mục thiết bị, số lượng, đơn giá, theo quy định. Bà được bà Nhàn nhiều lần tặng tiền, mỗi lần 50-300 triệu đồng, tổng một tỷ đồng, song không bị truy tố về tội Nhận hối lộ. Bà Thu sẽ bị xét xử về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo Điều 365 Bộ luật Hình sự.
Trong nhóm 13 cựu cán bộ tỉnh Đồng Nai sắp hầu tòa, chỉ 5 bị can trên được xác định có nhận lợi ích vật chất từ AIC. 8 người còn lại là cựu cán bộ Sở Công thương và Sở Xây dựng bị truy tố về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Sở Xây dựng có 5 bị can thuộc Trung tâm Tư vấn xây dựng gồm: phó Giám đốc trung tâm, Nguyễn Thị Nhung, hai Trưởng phòng Cao Thị Tám, Ngô Quang Vinh và nhân viên Nguyễn Thành Thái. Đây là trung tâm được Chủ đầu tư (UBND tỉnh Đồng Nai) giao nhiệm vụ tư vấn thẩm định Hồ sơ mời thầu và đánh giá Hồ sơ của các bên dự thầu.
Trong các gói thầu thuộc phụ trách của 5 bị can này, gói thầu số 52 gồm: một bộ chụp mạch máu số hóa nền DAS, một bộ máy siêu âm màu tim mạch và 3 đầu dò kèm máy in. AIC "không đủ năng lực vấn trúng thầu", không cung cấp hợp đồng, không gồm máy DSA nhưng vẫn được nhóm cán bộ này chấp thuận, cáo trạng nêu.
Trong 16 gói thầu, có một gói phát sinh tại Trung tâm tư vấn Công nghiệp, thuộc Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai. Ông Chu Văn Hiếu khi đó là Phó giám đốc Trung tâm, được phân công lập hồ sơ mời thầu gửi chủ đầu tư, song bị cáo buộc bỏ qua quy định về năng lực kinh nghiệm của nhà thầu.
AIC nộp hồ sơ dự thầu, ra giá hợp đồng chỉ bằng 19% giá trị trúng thầu (trong khi theo quy định, giá trị hợp đồng tối thiểu là 70%) nhưng vẫn được ông Hiếu chấm là đơn vị duy nhất đạt yêu cầu.
Ông Hiếu thừa nhận, nếu mình làm đúng quy định, AIC không đủ điều kiện dự thầu. Nhưng ông để doanh nghiệp này trúng là do "được phân công" làm vậy.
Nhà chức trách chỉ ra, các sai phạm trên của ông Hiếu, có thể được phát hiện và khắc phục ở bước tiếp theo là đánh giá kết quả đấu thầu. Đây là trách nhiệm của Trung tâm Kiểm định và Tư vấn Xây dựng (Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai). Nhưng ba bị can là Phó giám đốc Trung tâm Trịnh Huy Cường và cấp dưới Phan Thành An, Lê Lâm Đồng "biết nhưng không chỉ ra sai phạm". Họ do đó không yêu cầu chủ đầu tư làm rõ mà vẫn duyệt kết quả đấu thầu gian lận.
Thanh Lam