Các tàu thương mại đã bắt đầu xuất phát từ cảng chính Odessa ở miền nam Ukraine để chở hàng xuất khẩu men theo bờ Biển Đen mà không cần đảm bảo an ninh từ Nga, cho thấy tình thế đang thay đổi ở Biển Đen. Bằng cách liên tiếp tiến hành các cuộc tập kích bằng tên lửa và xuồng tự sát không người lái nội địa, Ukraine đang đẩy Nga từ phong tỏa Biển Đen sang thế phòng thủ.
"Để đảm bảo an ninh hiện tại và tương lai, chúng tôi phải giành lại bờ biển. Đây là chiến thuật mà chúng tôi đang nỗ lực thực hiện từng chút một", tư lệnh hải quân Ukraine Oleksiy Neizhpapa nói.
Khi Nga phát động chiến sự hồi cuối tháng 2/2022, hải quân Ukraine hoàn toàn bị áp đảo về lực lượng và để mất hoàn toàn thế trận ở Biển Đen. Ukraine được cho đã tự đánh chìm soái hạm tại cảng để nó không rơi vào tay lực lượng Nga.
Nga triển khai các tàu chiến của Hạm đội Biển Đen áp sát bờ biển Ukraine, đến mức người dân Odessa có thể nhìn thấy chúng bằng mắt thường. Tàu chiến Nga liên tục nã pháo vào thành phố, phong tỏa hoàn toàn mọi hoạt động ra vào bằng đường biển, khiến cảng Odessa tê liệt.
Nhưng đến nay, tàu chiến Nga không còn mạo hiểm tiến vào khu vực phía tây bắc Biển Đen, do mối đe dọa từ tên lửa và thủy lôi Ukraine. Hạm đội Biển Đen cũng chịu tổn thất nặng nề sau loạt cuộc tập kích tầm xa của Ukraine.
Không chỉ nhắm mục tiêu vào tàu chiến Nga trên Biển Đen, Ukraine gần đây còn tăng cường tập kích các cảng Sevastopol trên bán đảo Crimea và Novorossiysk của Nga.
Cuộc tập kích bằng tên lửa hành trình của Ukraine vào xưởng sửa chữa tàu ở Sevastopol tuần trước đã phá hủy tàu ngầm lớp Kilo mang tên Rostov-on-Don, một trong 6 tàu ngầm Nga đang hoạt động ở Biển Đen, cũng như tàu đổ bộ Minsk thuộc lớp Ropucha mà Nga từng định sử dụng để đổ quân lên bờ biển Odessa.
Thiệt hại của vụ tập kích chắc chắn sẽ gây khó khăn thêm cho các hoạt động của hải quân Nga trong những tháng tới, theo giới phân tích quân sự. Ngoài hải quân, không quân và lực lượng đặc nhiệm của cơ quan tình báo Ukraine đã tham gia vào rất nhiều đợt tập kích ở Biển Đen.
Một số loại xuồng không người lái tầm xa do Ukraine sản xuất cung cấp phương án tấn công mới vào thời điểm Kiev không thể triển khai tàu chiến thông thường. "Rõ ràng xuồng không người lái đã khiến đối thủ cảm thấy căng thẳng và không an toàn ngay tại chính cảng của họ, chưa nói tới trên biển", Neizhpapa nói.
Cuộc chiến ở Biển Đen bước sang giai đoạn mới hồi tháng 7, sau khi Nga rút khỏi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen mà Liên Hợp Quốc làm trung gian. Thỏa thuận từng cho phép Ukraine xuất khẩu 33 triệu tấn ngũ cốc bằng tàu dưới sự kiểm soát của Nga, song cũng hạn chế khả năng hoạt động của quân đội Ukraine trên biển.
Để tạo lợi thế, Ukraine hồi tháng 8 sử dụng xuồng không người lái tập kích tàu chở dầu Nga trên eo biển Kerch và tuyên bố tất cả cảng lớn của Nga ở Biển Đen đều là "khu vực có nguy cơ xung đột". Danh sách này gồm cả Novorossiysk, cảng thương mại lớn nhất của Nga, cửa ngõ quan trọng cho hoạt động xuất khẩu dầu quan trọng của Moskva.
Neizhpapa nói lực lượng Ukraine không có ý định can thiệp hoạt động vận tải dân sự ở Biển Đen. Tuy nhiên, ông thêm rằng thỏa thuận San Remo năm 1994 về chiến tranh hải quân cho phép lực lượng của ông nhắm mục tiêu tàu thương mại hỗ trợ quân đội Nga hoặc được hộ tống bằng tàu chiến, máy bay.
"Tất cả đều là mục tiêu hợp pháp", ông nói.
Khi thỏa thuận ngũ cốc kết thúc, quân đội Ukraine tháng trước đơn phương công bố hành lang mới cho tàu hàng dân sự đến và đi từ Odessa, men theo lãnh hải Romania và Bulgaria để tới eo biển Bosphorus của Thổ Nhĩ Kỳ. 6 tàu đã rời cảng Odessa qua hành lang này, trong đó có tàu treo cờ Palau tới lấy ngũ cốc vào cuối tuần trước.
Giới chức Ukraine cho rằng hoạt động xuất khẩu được nối lại ở Odessa là nhờ vào năng lực tấn công cảng Nga của họ.
"Người Nga phải nhận ra rằng Biển Đen giờ không còn là thế trận một chiều, mà là hai chiều. Nếu bạn không động vào chúng tôi, chúng tôi cũng sẽ không động tới bạn", Dmytro Barinov, phó giám đốc điều hành Cơ quan quản lý Cảng biển Ukraine, nói.
Ngoài tấn công bằng xuồng không người lái, lực lượng đặc nhiệm Ukraine còn sử dụng xuồng cao tốc cỡ nhỏ để tiến hành loạt cuộc tập kích trong những tuần gần đây. Họ loại bỏ các thiết bị giám sát điện tử quan trọng mà Nga triển khai trên các giàn khoan khí đốt ở phía tây bán đảo Crimea. Một nhóm khác cũng tiến hành cuộc đổ bộ chớp nhoáng vào bờ tây Crimea trong nỗ lực phá hủy các hệ thống phòng không của Nga.
"Rõ ràng người Nga không còn thế chủ động ở Biển Đen vì chiến thuật tấn công đa dạng của hải quân và đặc nhiệm Ukraine. Đó là thay đổi rất quan trọng. Người Ukraine dần lấy lại thế chủ động và loạt chiến thắng nhỏ đã bắt đầu góp phần vào thành công mang tính chiến lược", Michael Petersen, giám đốc Viện nghiên cứu Hàng hải Nga tại Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ, nhận định.
Dù là quốc gia có lực lượng hải quân mạnh, Nga không thể đưa thêm tàu tới Biển Đen để bù đắp thiệt hại, do Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia kiểm soát eo biển giữa Biển Đen và Địa Trung Hải, đã cấm tàu chiến đi qua từ tháng 2/2022, theo quy định trong Công ước Montreux năm 1936.
Vùng biển rộng khoảng 25.000 km2 ở tây bắc Biển Đen đã trở thành nơi không bị kiểm soát, theo Neizhpapa. Tuy nhiên, Nga vẫn duy trì ưu thế trên không ở đó, điều mà Neizhpapa tin sẽ chấm dứt khi Kiev nhận được tiêm kích F-16 trong những tháng tới.
"Tôi có thể đảm bảo chỉ cần F-16 xuất hiện trên khu vực Odessa, không máy bay Nga nào có thể hoạt động ở phía tây bắc Biển Đen", ông nói.
Tháng 4 năm ngoái, lực lượng Ukraine đã tấn công soái hạm Moskva của Hạm đội Biển Đen bằng tên lửa Neptune mà Kiev tự sản xuất, biến nó thành một trong những tàu chiến lớn nhất bị đánh chìm kể từ Thế chiến II.
Ban đầu, Ukraine định nhắm mục tiêu vào tàu khu trục Đô đốc Essen của Nga, song hệ thống tác chiến điện tử của tàu đã ngăn chặn vụ tấn công, Neizhpapa cho biết. Tàu Đô đốc Essen chỉ bị hư hại nhỏ và một số thủy thủ bị thương.
"Dù vậy, Nga vẫn không thực sự tin chúng tôi có tên lửa Neptune", Neizhpapa nói và thêm rằng soái hạm Moskva sau đó đã nằm trong tầm ngắm của loại tên lửa nội địa này.
Ngoài Odessa, Ukraine cũng phát triển các tuyến thương mại với các cảng dọc sông Danube, biên giới tự nhiên giữa Ukraine và Romania. Trong những tháng gần đây, ba cảng gồm Izmail, Reni và Kiliya liên tục bị tập kích bằng máy bay không người lái (UAV) của Nga, theo quan chức Ukraine.
Tuy nhiên, cảng sông Danube tiếp tục vận hành. Hồi tháng 8, các cảng Danube xử lý 3,2 triệu tấn ngũ cốc. Trong khi đó, các cảng ở Odessa xuất khẩu khoảng 4,2 triệu tấn mỗi tháng khi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen còn hiệu lực.
Vận tải đường sông chỉ phù hợp với những tàu dưới 10.000 tấn, nhỏ hơn rất nhiều so với các tàu hàng cập cảng Odessa. Điều đó khiến lượng hàng vận chuyển ít hơn nhưng chi phí cao hơn.
"Chi phí hậu cần chiếm hết lợi nhuận", Borys Yureskul, chủ trang trại ở Ukraine, nói.
Đó là lý do việc nối lại hoạt động ở cảng Odessa là ưu tiên hàng đầu với Ukraine. Giới chức Kiev nói rằng họ không thể đảm bảo 100% tàu hàng sẽ an toàn trước các cuộc tấn công của Nga, song đang đàm phán với chủ tàu để tăng số lượng phương tiện cập cảng.
"Chúng tôi sẽ đảm bảo an toàn cho họ bằng mọi giá", Neizhpapa tuyên bố.
Thanh Tâm (Theo WSJ)