Nga ngày 17/7 thông báo dừng gia hạn Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen. Sáng kiến được Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian đàm phán và ký tại Istanbul vào tháng 7/2022, cho phép Ukraine xuất khẩu hàng triệu tấn ngô, lúa mì và các loại nông sản bằng đường biển ra thị trường thế giới.
Nga sau đó tiến hành các cuộc không kích liên tiếp nhằm vào Odessa, một trong ba cảng ở Biển Đen rất quan trọng đối với hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine. Chiến hạm Nga cũng diễn tập phóng tên lửa diệt mục tiêu, thực hành nội dung phong tỏa các khu vực ở Biển Đen và biện pháp bắt tàu thuyền vi phạm.
Trước đó, cả Nga và Ukraine đều tuyên bố bất cứ tàu nào đến cảng của đối phương đều bị coi là phương tiện vận chuyển hàng quân sự và có thể trở thành mục tiêu tấn công hợp pháp. Nhà Trắng cho biết họ có thông tin về việc Nga đã rải thêm thủy lôi trên các lối tiếp cận cảng Ukraine.
Ukraine được mệnh danh là "vựa lúa mì của châu Âu", cung cấp khoảng 10% thị phần xuất khẩu lúa mì toàn cầu và gần một nửa sản lượng dầu hướng dương của thế giới. Trước khi chiến sự bùng phát, Ukraine xuất khẩu khoảng 5 triệu tấn ngũ cốc mỗi tháng, trong đó gần 90% xuất đi từ các cảng ở Biển Đen.
Chiến dịch quân sự của Nga hồi tháng 2/2022 đã bóp nghẹt tuyến đường này. Ukraine đã chuyển một số ngũ cốc về phía tây, xuất khẩu bằng đường bộ và đường sắt qua châu Âu, nhưng cơ sở hạ tầng không đồng bộ và giao tranh ác liệt khiến việc vận chuyển trở nên tốn kém và chậm chạp, không thể thay thế cho thương mại đường biển. Mùa xuân năm 2022, hàng triệu tấn ngũ cốc đã bị kẹt trong những kho chứa ở các cảng của Ukraine.
Cuộc khủng hoảng khi đó đã gây áp lực rất lớn lên nguồn cung lương thực toàn cầu, vốn đã căng thẳng do Covid-19 và hạn hạn ở nhiều khu vực. Lo ngại về nguy cơ mất an ninh lương thực, nhiều nước đã hạn chế xuất khẩu lúa gạo cũng như phân bón, đẩy giá lên cao, khiến các nước nghèo khó tiếp cận lương thực hơn.
Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen đã ngăn chặn được thảm họa tồi tệ nhất xảy ra. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres ca ngợi nó như một "ngọn hải đăng hy vọng" khi Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc làm trung gian cho thỏa thuận vào tháng 7/2022.
Tính đến 7/2023, Chương trình Lương thực Thế giới đã mua khoảng 80% lúa mì thông qua sáng kiến này và chuyển khoảng 725.000 tấn đến những nơi thiếu lương thực nhất trên thế giới, như Afghanistan, Yemen hay Somalia.
Murithi Mutiga, giám đốc Chương trình châu Phi tại Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, cho hay trên thực tế, không có nhiều ngũ cốc Ukraine đến được tay các nước nghèo như Liên Hợp Quốc đã hình dung ban đầu. Trung Quốc là bên nhập khẩu lớn nhất, mua khoảng 25% lượng ngũ cốc xuất khẩu của Ukraine.
Nhưng thỏa thuận Biển Đen đã giúp ổn định phần nào giá lương thực toàn cầu và ngăn nguy cơ mất an ninh lương thực trở nên trầm trọng hơn. "Với thỏa thuận, giá lương thực toàn cầu đã giảm xuống, đây là điều rất tích cực", Glauber nói.
Giải thích về quyết định của mình, Nga cho rằng những điều khoản liên quan đến Moskva trong thỏa thuận đã không được thực thi. Ngoại trưởng Sergei Lavrov trước đó nhấn mạnh "không có tiến triển nào trong việc đưa nông sản và phân bón của Moskva ra khỏi các lệnh trừng phạt đơn phương phi pháp từ phương Tây". Bộ Ngoại giao Nga cho hay Moskva sẵn sàng xem xét quay lại thỏa thuận nếu "thấy những kết quả chắc chắn, thay vì những lời hứa hẹn".
Theo giới chuyên gia, việc Nga rút khỏi thỏa thuận chắc chắn sẽ khiến ngũ cốc xuất khẩu của Ukraine gặp nhiều trở ngại hơn, từ đó có thể làm mất ổn định giá lương thực toàn cầu và đe dọa các quốc gia đang lâm vào cảnh thiếu lương thực.
Tổng thư ký LHQ Guterres cho biết quyết định từ bỏ thỏa thuận của Nga "sẽ giáng một đòn mạnh vào những người có nhu cầu lương thực ở khắp mọi nơi".
Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) ước tính khoảng 345 triệu người sẽ rơi vào cảnh mất an ninh lương thực ở mức độ cao vào năm 2023, với khoảng 129.000 người phải đương đầu với nạn đói ở những nơi như Burkina Faso, Mali, Somalia và Nam Sudan.
Theo công ty phân tích Smartcube, khi dòng chảy xuất khẩu qua Biển Đen bị chặn, lượng lương thực mắc kẹt trong các kho chứa ở Ukraine sẽ tăng lên đáng kể, buộc nông dân giảm gieo trồng trong niên vụ 2023-2024.
Trong khi đó, nông dân trên thế giới có thể chịu cảnh thiếu phân bón, do Nga và Belarus là hai nước cung cấp phân bón hàng đầu thế giới. Cả hai quốc gia chiếm khoảng 14% sản lượng và xuất khẩu phân bón toàn cầu.
Joseph Glauber, chuyên gia cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế (IFPRI), trụ sở ở Washington, nhận định Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen "chưa bao giờ là thần dược cho nền nông nghiệp Ukraine", bởi chi phí đầu vào cao và xung đột đã khiến sản xuất và xuất khẩu nông sản của Ukraine sụt giảm nghiêm trọng.
Nhưng đưa được dù chỉ một lượng ngũ cốc nhỏ của Ukraine ra khỏi Biển Đen vẫn tốt hơn là không có gì cả. Caitlin Welsh, giám đốc Chương trình An ninh Nước và Lương thực Toàn cầu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho biết thỏa thuận đã đóng vai trò như một "chiếc van cứu trợ" cho xuất khẩu của Ukraine. Và ngay khi van cứu trợ bị tắt, giá lương thực toàn cầu sẽ lại biến động.
Hôm 20/7, Nga không kích thành phố cảng chiến lược Odessa ngày thứ ba liên tiếp. Thị trưởng Odessa Gennadiy Trukhanov cho biết thành phố chưa từng hứng chịu "đợt tấn công nào với quy mô như vậy kể từ khi xung đột bùng phát đến nay".
Theo người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby, các cuộc tấn công của Nga đã phá hủy khoảng 60.000 tấn ngũ cốc tại các kho chứa ở cảng Odessa.
Điện Kremlin tuyên bố những cuộc tập kích trên là nhằm trả đũa cuộc tấn công của Ukraine vào cầu Kerch ở Crimea hôm 17/7.
Giới quan sát nhận định sau khi rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc, Nga có thể tăng cường hoạt động phong tỏa các cảng ở Biển Đen nhằm bóp nghẹt nền kinh tế Ukraine, từ đó gia tăng chi phí cuộc chiến đối với Kiev.
Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc đang cố gắng hối thúc Moskva quay trở lại thỏa thuận, nhưng hiện rất khó đoán Nga sẽ làm gì tiếp theo. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuần qua cho biết ông tin rằng Tổng thống Putin "vẫn muốn cây cầu nhân đạo này được tiếp nối".
Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga gần đây vấp phải một số trở ngại, vì vậy, không rõ Ankara có thể tác động tới Moskva ở mức độ nào.
Câu hỏi lớn hơn là điều gì sẽ xảy ra nếu Nga đình chỉ thỏa thuận ngũ cốc vô thời hạn. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố rằng thỏa thuận này nên được duy trì dù có Nga hay không. "Chúng tôi đang đấu tranh cho cả an ninh toàn cầu và nông dân Ukraine", ông Zelensky viết trên Telegram tuần qua.
Tuy nhiên, cảnh báo của Nga đối với tàu hướng đến cảng Ukraine giáp Biển Đen sẽ tạo ra tác động nghiêm trọng. Lý do thỏa thuận ngũ cốc Ukraine phát huy hiệu quả là nó mang đến bảo đảm cho các con tàu để thủy thủ đoàn có thể yên tâm đi qua Biển Đen mà không lo bị tấn công hay trúng thủy lôi.
Nếu không đủ điều kiện an toàn, các chủ hàng và công ty bảo hiểm có thể coi việc đưa tàu vào Biển Đen là một hoạt động quá mạo hiểm, từ đó làm tăng đáng kể chi phí xuất khẩu lương thực.
Ngay cả khi Nga tham gia lại thỏa thuận, điều này vẫn sẽ chỉ là một giải pháp không hoàn hảo để khắc phục nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp của Ukraine và giảm bớt áp lực giá lương thực toàn cầu.
Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine vẫn tiếp diễn, đồng nghĩa nhân loại sẽ không thể biết cuộc khủng hoảng hoặc những gián đoạn tiếp theo sẽ đến từ đâu, Kate Phillips-Barrasso, phó chủ tịch phụ trách chính sách và vận động chính sách toàn cầu tại tổ chức viện trợ nhân đạo phi chính phủ Mercy Corps, lưu ý. Những gì đang diễn ra ở Ukraine "giống như đổ dầu vào ngọn lửa vốn đã bùng cháy dữ dội", bà nói.
Vũ Hoàng (Theo Vox, Guardian)