Trong hơn 5 thập kỷ làm chính trị ở Washington, ông Joe Biden đã quen với phong cách "can thiệp sâu để gây ảnh hưởng". Nhưng trong năm thứ hai nhiệm kỳ Tổng thống, ông Biden nhận ra rằng để có thể đạt được những thành tựu lớn trong lĩnh vực lập pháp, ông nhiều lúc phải làm ngược lại với phong cách đó.
Một nỗ lực chớp nhoáng vào mùa hè đã đưa các dự luật lưỡng đảng về bạo lực súng đạn và thúc đẩy lĩnh vực công nghệ cao của Mỹ đến bàn làm việc để ông Biden ký thành luật. Và Tổng thống Mỹ cũng đang dần đạt tới "phần cuối cùng" trong chương trình nghị sự kinh tế của mình, khi Thượng viện thông qua dự luật chi tiêu về y tế và khí hậu trị giá 430 tỷ USD, mà đảng Dân chủ tưởng như đã hết hy vọng.
Dự luật nhiều khả năng sẽ dễ dàng được thông qua tại Hạ viện vào ngày 12/8, giúp định hình di sản kinh tế của ông Biden. Tuy nhiên, trong quá trình đàm phán các dự luật trên, thay vì tham gia trực tiếp, Tổng thống Biden đã "đứng ngoài cuộc", chỉ đóng vai trò cổ vũ.
Thượng nghị sĩ Dân chủ Chris Murphy cho rằng đây là động thái có chủ đích của ông Biden trong tình thế phe Dân chủ và Cộng hòa đều nắm 50 ghế tại Thượng viện. "Trong hoàn cảnh đó, nếu Nhà Trắng dẫn dắt một cuộc tranh luận, rất nhiều thượng nghị sĩ Cộng hòa sẽ phản ứng", Murphy nói.
"Nếu ông Biden lùi lại và để quốc hội tự thảo luận vấn đề, trong khi Tổng thống tạo áp lực từ phía sau và có những động thái hỗ trợ đúng lúc, đó có thể là chiến lược hiệu quả hơn nhiều", thượng nghị sĩ này nói thêm.
Đảng Dân chủ và Nhà Trắng hy vọng nỗ lực ghi điểm lập pháp với những thành quả cụ thể như vậy sẽ tạo động lực cho đảng trong cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ, khi cho cử tri thấy những gì họ có thể đạt được ngay cả khi chỉ chiếm thế đa số mong manh tại Thượng viện.
Tổng thống Biden mở màn năm 2022 với chương trình nghị sự lập pháp bế tắc cùng các kết quả thăm dò không khả quan. "Công chúng không muốn tôi trở thành 'tổng thống kiêm thượng nghị sĩ'. Họ muốn tôi trở thành tổng thống và để các thượng nghị sĩ đảm đương vai trò của họ", ông nói, thừa nhận sai lầm của mình.
Tuy nhiên, để các thượng nghị sĩ làm công việc của mình không phải nhiệm vụ dễ dàng với ông Biden, người đã xây dựng bản sắc chính trị từ những năm tháng làm việc tại Thượng viện. Ông đã làm thượng nghị sĩ đại diện cho bang Delaware 36 năm, trước khi trở thành chủ tịch Thượng viện trong 8 năm làm "phó tướng" của tổng thống Barack Obama.
Khi chấp nhận "đứng ngoài cuộc", Tổng thống Biden để cho các trợ lý thực hiện phần lớn các cuộc đàm phán trực tiếp với nghị sĩ quốc hội. Chiến lược lập pháp của ông tập trung nhiều hơn vào sử dụng vai trò Tổng thống để tạo ra những cú hích cho chương trình nghị sự với các nghị sĩ và cử tri.
Các trợ lý và cố vấn cho rằng rũ bỏ vai trò của một thượng nghị sĩ là chìa khóa cho những thành công lập pháp tiếp theo của ông Biden.
Năm 2021, ông Biden từng đàm phán trực tiếp với thượng nghị sĩ Cộng hòa Shelley Moore Capito về dự luật cơ sở hạ tầng, nhưng thất bại vì quy mô gói ngân sách quá lớn. Trong khi đó, một nhóm thượng nghị sĩ lưỡng đảng âm thầm thảo luận với nhau về nỗ lực cải tổ hệ thống giao thông, hạ tầng nước và Internet băng thông rộng của Mỹ.
Sau khi Nhà Trắng chấp thuận dự luật đã qua chỉnh sửa, nó đã được quốc hội thông qua và trình lên Tổng thống Biden ký thành luật, trở thành thắng lợi lập pháp quan trọng đầu tiên trong nhiệm kỳ của ông.
Tổng thống Biden sau đó tìm cách đàm phán với thượng nghị sĩ Joe Manchin để đạt thỏa thuận về gói chi tiêu xã hội và khí hậu, thậm chí mời ông đến nhà riêng ở Wilmington, Delaware để trao đổi, nhưng không thành công. Chỉ sau khi Manchin tiếp tục các cuộc đàm phán riêng với thượng nghị sĩ Chuck Schumer, lãnh đạo phe đa số Thượng viện, hai người đã đạt được thỏa thuận và dự luật được Thượng viện thông qua sau hơn một năm tranh cãi.
Cuối năm 2021, các trợ lý Nhà Trắng đã thuyết phục Tổng thống Biden ngừng trao đổi riêng với các nghị sĩ. Chiến lược mới từng vấp chỉ trích từ báo giới, nhưng Nhà Trắng tin rằng công chúng sẽ tập trung hơn vào kết quả hơn là quá trình.
Ông Biden đồng ý để các trợ lý cấp cao của mình tham gia thảo luận thường xuyên với các nhà lập pháp để đạt được những dự luật hiệu quả nhất, người phát ngôn Nhà Trắng Andrew Bates cho biết.
Thay đổi chiến lược này không lập tức mang lại kết quả, khi tỷ lệ ủng hộ ông Biden tiếp tục sụt giảm, giữa lúc lạm phát ở Mỹ tăng. Tuy nhiên, quyết định chấp nhận giữ vai trò người hỗ trợ hơn là lãnh đạo đàm phán của ông Biden đã dần được đền đáp. Luật kiểm soát súng đạn đầu tiên đã được thông qua sau gần 3 thập kỷ, cùng với các biện pháp thúc đẩy sản xuất chíp máy tính bán dẫn và chăm sóc cho các cựu chiến binh.
Các nhà lập pháp Cộng hòa và Dân chủ đều thừa nhận rằng sự rút lui của ông Biden khỏi các cuộc đàm phán đã giúp các thượng nghị sĩ đạt đồng thuận khi không chịu áp lực từ Nhà Trắng.
"Tôi nghĩ điều đó rất hữu ích", thượng nghị sĩ Cộng hòa Rob Portman nói.
Tuy nhiên, đứng ngoài cuộc không có nghĩa chính quyền ông Biden hoàn toàn vắng mặt trong toàn bộ quá trình. Quan chức Nhà Trắng vẫn thường xuyên trao đổi với các thượng nghị sĩ về vấn đề đang được đàm phán, giải thích về quan điểm của chính quyền và đưa ra những điều chỉnh cần thiết.
Khi thượng nghị sĩ Murphy gặp ông Biden vào đầu tháng 6 để cập nhật tình hình, Tổng thống không đưa ra tối hậu thư nào về những điều kiện mà ông sẵn sàng chấp nhận. Tổng thống tiếp tục nhường vai trò đó cho các thượng nghị sĩ.
Khi các thượng nghị sĩ thảo luận về dự luật kiểm soát súng đạn, có tin đồn rằng chính quyền ông Biden đang xem xét ban hành lệnh cấm Lầu Năm Góc bán một số loại đạn dư thừa cho các đại lý súng.
Thông tin lập tức vấp phải phản ứng từ các thành viên đảng Cộng hòa tại Thượng viện, những người kêu gọi Nhà Trắng từ bỏ kế hoạch đó vì nó đi ngược lại với tiến trình đàm phán. Nhà Trắng lập tức ra tuyên bố rằng họ không xem xét ban hành lệnh cấm nào như vậy.
"Trong đáy tâm can, ông Biden là một thượng nghị sĩ. Vì vậy, ông giờ đây hiểu rằng đứng sang một bên và để Thượng viện hành động là cách để ông giành được thành quả", thượng nghị sĩ Dân chủ Jon Tester nhận định về chiến lược lập pháp của Tổng thống Mỹ.
Thanh Tâm (Theo AP)