Sau khi đạt mức đỉnh 5 USD một gallon (hơn 3,78 lít) hồi tháng 6, giá xăng trung bình ở Mỹ đã giảm trong hơn một tháng qua. Tổng thống Mỹ Joe Biden từ đó đến nay luôn nhắc đến thành công này như cách để chứng minh năng lực điều hành của mình.
Ông chủ Nhà Trắng đề cập đến chuỗi 38 ngày giá xăng giảm đó trong một cuộc họp báo ở Arab Saudi hồi tuần trước và dùng nó để mở đầu một bài phát biểu về quyền phá thai. Các trợ lý Nhà Trắng cũng nhiều lần đưa ra những biểu đồ cho thấy quỹ đạo đi xuống của giá xăng, đồng thời trách móc các phóng viên vì không dành nhiều thời gian hơn cho chủ đề này.
Khi Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador nói với ông Biden trong cuộc họp tại Nhà Trắng tháng trước rằng người Mỹ đang băng qua biên giới để mua xăng giá rẻ hơn, ông đã ngắt lời.
"Giá xăng đã giảm liên tục 30 ngày rồi", Tổng thống Mỹ nói.
Theo giới quan sát, những hành động gần đây của ông Biden gợi nhớ hình ảnh của cựu tổng thống Donald Trump, người trước đây cũng liên tục khoe thành tích làm cho thị trường chứng khoán Mỹ bùng nổ, dường như nhằm hướng công chúng vào một chỉ số kinh tế duy nhất để lôi kéo sự ủng hộ của cử tri và người tiêu dùng.
Giá xăng cao khiến cử tri chán nản trước cách Tổng thống quản lý nền kinh tế cũng như hiệu suất tổng thể của ông trong cả nhiệm kỳ. Vì thế, Tổng thống Biden trong nhiều tháng đã cố gắng trấn an người Mỹ rằng ông đang làm bất cứ điều gì có thể để hạ giá xăng.
Nhưng ván cược này cũng đi kèm những rủi ro đáng kể đối với ông Biden. Giá xăng lên xuống thất thường tùy thuộc vào nhiều yếu tố trên toàn cầu và những sự kiện nằm ngoài tầm kiểm soát của ông có thể dễ dàng khiến giá tăng thêm một lần nữa.
Khi giá xăng vượt 3 USD/gallon hồi mùa thu do nhu cầu dầu toàn cầu tăng lên trong bối cảnh hoạt động kinh tế phục hồi hậu đại dịch, Tổng thống Biden đã xả kho Dự trữ Dầu Chiến lược. Vào mùa xuân, khi giá lên đến 4 USD/gallon, ông tuyên bố cho phép bán xăng có hàm lượng ethanol cao hơn trong mùa hè. Loại xăng này có giá thấp hơn một chút, nhưng thải ra nhiều khí nhà kính hơn.
Khi giá đạt đỉnh trên 5 USD/gallon vào mùa hè do những hệ lụy từ cuộc xung đột Nga - Ukraine, Tổng thống Mỹ đề xuất đình chỉ thuế xăng dầu liên bang, song chưa được quốc hội thông qua, đồng thời kêu gọi các nước xuất khẩu dầu mỏ ở Trung Đông bơm thêm dầu thô ra thị trường toàn cầu.
Giới phân tích nhận định những nỗ lực của Tổng thống Mỹ có thể đã giúp giảm một phần giá xăng. Tuy nhiên, các nhà kinh tế đều cho rằng các chính sách của chính quyền Biden không phải là nguyên nhân khiến giá dầu toàn cầu bắt đầu sụt giảm mạnh từ đầu tháng 6.
Họ chỉ ra nguyên nhân chính bắt nguồn từ các yếu tố thị trường như nhu cầu dầu giảm ở Trung Quốc, nước đang đối mặt với một làn sóng Covid-19, và hoạt động kinh tế suy yếu ở châu Âu cùng các quốc gia giàu có khác. Dầu Nga vẫn tiếp tục chảy ra thị trường thế giới bất chấp các lệnh trừng phạt từ phương Tây.
Giá xăng trung bình trên toàn nước Mỹ ngày 22/7 là 4,41 USD/gallon. Đà giảm giá trong tháng qua tạo ra những tín hiệu tích cực đối với lạm phát, vốn tăng ở mức kỷ lục 9,1% hồi tháng 6. Các nhà phân tích dự đoán thị trường xăng dầu Mỹ những tuần tới có thể "dễ thở hơn".
Chính quyền Tổng thống Biden đang tận dụng tối đa những biến chuyển thuận lợi về giá xăng. Hôm 22/7, trong sự kiện trực tuyến đầu tiên của mình sau khi mắc Covid-19, ông đã triệu tập các cố vấn kinh tế để thảo luận về giá xăng giảm.
"Người Mỹ giờ đây có thể mua xăng với giá dưới 3,99 USD tại hơn 30.000 trạm nhiên liệu ở ít nhất 35 bang", ông nói. "Ở một số nơi, giá xăng giảm gần một USD so với tháng trước".
"Có rất nhiều yếu tố liên quan đến giá xăng dầu toàn cầu, nhưng các hành động lịch sử của Tổng thống Biden nhằm đối phó với những tác động từ xung đột Nga - Ukraine đã và sẽ giúp tăng nguồn cung dầu thế giới và góp phần khiến giá xăng giảm", Jared Bernstein, thành viên Hội đồng Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng, nói trong một cuộc họp báo hồi đầu tuần.
Tuy nhiên, các thành viên đảng Cộng hòa tỏ ra ngạc nhiên trước nỗi vui mừng này, bởi giá xăng vẫn cao hơn 2 USD một gallon so với thời điểm ông Biden nhậm chức.
Nó cũng tạo ra cảm giác mâu thuẫn rằng Tổng thống đang vui mừng vì giá xăng dầu thấp hơn, trong khi ông đang theo đuổi chương trình nghị sự chống biến đổi khí hậu đầy tham vọng nhằm cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Giá xăng tăng đã tạo ra một số tác động ngắn hạn, buộc người Mỹ phải lái xe ít hơn, giảm tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch, tác nhân gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu. Bộ Năng lượng Mỹ hôm 20/4 báo cáo lượng xăng sử dụng ở Mỹ đã giảm gần 8% trong 4 tuần qua so với cùng kỳ năm trước. Xu hướng này cũng được thể hiện trong cả quý II năm nay, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng.
Các nhà kinh tế đồng tình rằng việc nhiên liệu hóa thạch như than và xăng tăng giá là một cách để khiến người tiêu dùng sử dụng chúng ít hơn, từ đó khuyến khích họ chuyển sang các lựa chọn thay thế ít phát thải hơn như xe điện.
Nhưng các trợ lý Nhà Trắng nói rằng giá xăng cao không giúp ích cho nỗ lực của Tổng thống Biden nhằm đưa đất nước tới một tương lai ít khí thải hơn. Thay vào đó, chúng có thể làm suy yếu các mục tiêu khí hậu dài hạn mà ông theo đuổi khi làm tăng làn sóng ủng hộ đối với các hoạt động khoan dầu hay những dự án khai thác nhiên liệu hóa thạch khác nhằm kéo giá giảm xuống.
Các trợ lý của Tổng thống Biden liên tục nhấn mạnh trong nhiều tháng rằng để giữ cho người Mỹ tiếp tục đồng lòng với mục tiêu chuyển đổi năng lượng, giá xăng chắc chắn phải giảm dưới 4 USD/gallon và tốt nhất là dưới 3 USD, mức trung bình quốc gia vào đầu mùa hè năm ngoái.
Nếu đà giảm tiếp tục với tốc độ như trong tháng qua, giá xăng trung bình trên toàn quốc sẽ xuống dưới 3 USD/gallon trong những tuần cuối cùng trước cuộc bầu cử giữa kỳ nghĩa vào tháng 11.
Tuy nhiên, không nhiều chuyên gia lạc quan vào kịch bản giá xăng sẽ liên tục giảm trong hơn ba tháng tới. Theo Bob McNally, chuyên gia phân tích năng lượng tại Rapidan Energy Group ở Washington, cho rằng giá xăng có thể tăng trong thời gian tới vì một số yếu tố mà ông Biden không thể kiểm soát được.
Trong nửa cuối năm nay, châu Âu sẽ tăng cường siết chặt các lệnh cấm vận nhắm vào Nga cũng như nỗ lực cắt giảm xuất khẩu năng lượng của Moskva, điều có thể làm giảm đáng kể nguồn cung dầu ra thị trường.
Ngoài ra, mùa mưa bão năm nay ở Mỹ được dự báo sẽ diễn biến phức tạp, với nhiều cơn bão mạnh tấn công vùng duyên hải Vịnh Mexico, ảnh hưởng tới các cơ sở lọc dầu ở khu vực này.
"Vẫn còn quá sớm để kết luận rằng giá xăng ở Mỹ đã qua đỉnh và sẽ giảm xuống từ nay trở đi", McNally cảnh báo.
Vũ Hoàng (Theo NY Times, Axios)