Tổng thống Vladimir Putin ngày 15/2 cho biết Nga bắt đầu rút một phần lực lượng được triển khai gần Ukraine và đang tìm kiếm "con đường ngoại giao" để giải quyết bế tắc với phương Tây. Đây là ngày thứ hai liên tiếp Moskva dịu giọng về cuộc khủng hoảng Ukraine, sau tuyên bố hôm 14/2 rằng "sẽ tăng cường nỗ lực ngoại giao".
"Chúng tôi dự định và sẽ nỗ lực đạt được thỏa thuận với các đối tác về những vấn đề mà chúng tôi đặt ra, nhằm giải quyết chúng bằng con đường ngoại giao", Tổng thống Putin nói hôm qua, khi tiếp Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Điện Kremlin.
Vài giờ sau, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố từ Nhà Trắng rằng sẽ "trao mọi cơ hội cho con đường ngoại giao" và hoan nghênh nỗ lực đàm phán. "Miễn là còn hy vọng về một giải pháp ngoại giao giúp ngăn chặn vũ lực và tránh những thiệt hại nhân mạng khủng khiếp, chúng tôi sẽ theo đuổi nó", ông nói.
Nhưng Biden tiếp tục nhắc lại thông điệp mà Mỹ đã liên tục phát đi nhiều ngày qua, cảnh báo rằng các lực lượng Nga "vẫn ở vị thế có thể gây đe dọa", cho rằng nguy cơ Nga động binh với quốc gia láng giềng "vẫn còn rất lớn". Đánh giá này không khác nhiều nhận định mà Lầu Năm Góc đưa ra 4 ngày trước đó, rằng Nga có thể động binh tấn công Ukraine sớm nhất vào ngày 16/2.
Bình luận viên Anton Troianovski và Michael D. Shear của NY Times cho rằng những diễn biến này phản ánh "nghệ thuật chơi cờ" khác nhau giữa lãnh đạo Nga và Mỹ.
Biden dường như áp dụng chiến thuật "cây gậy và củ cà rốt", vừa đe dọa áp lệnh trừng phạt kinh tế nặng nề nếu Nga tấn công, song vẫn đề nghị đàm phán về các lo ngại an ninh Moskva nêu ra.
Chính quyền Biden cũng liên tục tung ra những cảnh báo nghiêm trọng, dẫn thông tin do giới tình báo cung cấp, về "động thái quân sự tiềm năng" của Nga. Giới chức Mỹ mô tả cách tung thông tin tình báo, kể cả những tin không thể kiểm chứng, là một cách "đi trước một bước" nhằm ngăn Nga động binh.
Tổng thống Putin, ngược lại, luôn giấu kín ý định thực sự của mình, phối hợp giữa những tuyên bố cứng rắn và động thái quân sự bằng các đánh giá lạc quan về tiềm năng ngoại giao. Trao đổi với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 15/2, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết phương Tây "phản ứng tích cực" với những sáng kiến Moskva đưa ra.
Cùng lúc, các quan chức cấp cao khác của Nga hôm qua cũng nói họ coi đe dọa quân sự là một công cụ để buộc phương Tây công nhận phạm vi ảnh hưởng của Nga ở Đông Âu và rằng họ sẵn sàng tiếp tục duy trì áp lực trong lúc các cuộc đàm phán tiếp diễn.
Ngoại trưởng Lavrov cho hay ông rất cởi mở trước các đề xuất của Mỹ như đàm phán về bố trí tên lửa ở châu Âu, kết quả có thể "tốt đẹp và toàn diện", ông nói.
Khi được hỏi Nga sẽ hành động như thế nào tiếp theo sau tuyên bố rút quân, Tổng thống Putin trả lời với một nụ cười nhẹ: "Vẫn theo kế hoạch".
Mục tiêu chính của Nga vẫn là tập trung ngăn chặn NATO mở rộng và buộc liên minh này giảm bớt hiện diện quân sự ở Đông Âu. Putin nhấn mạnh Moskva sẽ tìm cách đạt được chúng một cách hòa bình, nhưng lưu ý kết quả của quá trình trên "không chỉ phụ thuộc vào chúng tôi".
Giới chức Mỹ đã bác bỏ những yêu cầu đó, cho rằng chúng "không thể nhân nhượng". Phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Biden cũng hứa sẽ không "hy sinh những nguyên tắc cơ bản" là để các nước có quyền lựa chọn liên minh của riêng mình.
Tổng thống Mỹ cũng gửi thông điệp tới người dân Nga sau khi cảnh báo một cuộc chiến tranh sẽ gây đau khổ lớn cho con người. "Mỹ và NATO không phải mối đe dọa với Nga. Các bạn không phải kẻ thù của chúng tôi", ông nói.
Bất chấp những tín hiệu lạc quan, con đường ngoại giao phía trước vẫn chưa rõ ràng. Bộ Ngoại giao Nga cho biết họ sẽ sớm gửi và công khai văn bản 10 trang với phản hồi mà Mỹ và NATO đưa ra với các đề xuất an ninh của Nga.
Nhưng sau một loạt cuộc điện đàm hay gặp mặt cấp cao giữa các quan chức Nga và phương Tây, lịch trình ngoại giao chủ yếu vẫn để trống. Nga thông báo sẽ không tham dự Hội nghị An ninh Munich vào cuối tuần này, vốn là sự kiện thường niên để các quan chức an ninh phương Tây và Nga ngồi lại với nhau.
"Chúng tôi không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo và mọi thứ sẽ tiếp diễn như thế nào", Thủ tướng Đức Scholz nói sau cuộc gặp ba giờ với Tổng thống Putin. "Nhưng chúng tôi chắc chắn có thể nói rằng: Có đủ điểm khởi đầu để mọi thứ phát triển tốt đẹp".
Các quan chức phương Tây nói rằng vẫn còn quá sớm để xác định tuyên bố rút quân của Nga có làm giảm nguy cơ nổ ra chiến tranh ở biên giới Ukraine hay không, nhưng tại Brussels, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết các tín hiệu từ Moskva là cơ sở để "lạc quan thận trọng".
Một điều rõ ràng là Putin hoàn toàn có thể duy trì sức ép đối với phương Tây và Ukraine mà không cần nổ súng, có thể bằng các động thái quân sự mới hay những biện pháp kỹ thuật, công nghệ khác.
Tại Moskva, Hạ viện Nga đã trao cho Tổng thống Putin một quân bài mặc cả khác thông qua cuộc bỏ phiếu yêu cầu ông công nhận độc lập cho hai vùng lãnh thổ ly khai được Nga hậu thuẫn ở miền đông Ukraine.
Động thái như vậy sẽ mở ra cánh cửa để Nga "đường đường chính chính" đưa quân vào khu vực, nhưng có thể châm ngòi cho các cuộc giao tranh mới với quân đội Ukraine.
Trong cuộc họp báo với Thủ tướng Đức, Tổng thống Putin cáo buộc Ukraine đang đe dọa những người nói tiếng Nga ở vùng Donbas, nhưng thêm rằng ông sẽ không lập tức công nhận nền độc lập của hai vùng lãnh thổ ly khai tại đây. Thay vào đó, Putin cho hay sẽ tiếp tục thúc đẩy thực hiện Thỏa thuận Minsk do Nga, Ukraine, Đức và Pháp đàm phán vào năm 2015.
Theo bình luận viên Troianovski và Shear, đây có thể là một phần quan trọng trong tính toán chiến lược của Putin trên bàn cờ Ukraine. "Nga cho rằng Thỏa thuận Minsk sẽ khiến Ukraine không thể gia nhập NATO, bằng cách để đại diện phe ly khai ở miền đông Ukraine phủ quyết các vấn đề liên quan đến chính sách đối ngoại", hai bình luận viên nhận định.
Xem thêm:
- 5 câu hỏi về khủng hoảng Ukraine
- Bốn tháng khủng hoảng Nga - Ukraine sục sôi
- Vì sao Nga không động binh với Ukraine?
- Mỹ muốn gì trong khủng hoảng Ukraine?
Vũ Hoàng (Theo NY Times)