Trong khi châu Âu nỗ lực chuẩn bị để chấm dứt nhập khẩu dầu Nga vào cuối năm nay, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đang thực hiện một nhiệm vụ khó khăn nhằm giữ cho nguồn cung năng lượng không bị gián đoạn.
Theo kế hoạch, tại cuộc họp của các bộ trưởng tài chính G20 ở Indonesia vào tuần này, bà Yellen sẽ cố gắng thuyết phục các nền kinh tế lớn nhất thế giới ủng hộ một đề xuất bất thường nhằm áp đặt giá trần với dầu Nga. Mục tiêu của ý tưởng này là vừa bóp nghẹt nguồn doanh thu quan trọng của Điện Kremlin, vừa ngăn một cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu có khả năng gây ra thảm họa.
4 tháng sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, giá năng lượng tăng vọt đã giảm nhẹ tác động của loạt lệnh trừng phạt phương Tây nhằm vào nước này. Dù lượng dầu xuất khẩu đến châu Âu giảm mạnh, giá bán cao cho các khách hàng khác vẫn giúp Moskva thu về hàng triệu USD mỗi ngày.
Do đó, châu Âu đã quyết định áp dụng các hạn chế mới vào cuối năm nay, cấm toàn bộ nguồn dầu nhập khẩu qua đường biển của Nga. Nhưng giới chức Mỹ lo ngại điều này sẽ khiến nguồn cung dầu thế giới bị sụt giảm mạnh, khiến giá tăng vọt, tạo ra cú sốc làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lạm phát ở Mỹ và châu Âu.
Nỗi lo này thúc đẩy Mỹ xây dựng một chiến thuật mới, cho phép miễn trừ trừng phạt đối với những nhà nhập khẩu đồng ý mua dầu Nga với mức giá trần được phương Tây áp đặt ở mức 40-60 USD/thùng, thấp hơn nhiều so với giá 80 USD/thùng mà Nga đang bán.
"Những gì chúng tôi mong muốn là duy trì dòng chảy dầu Nga vào thị trường toàn cầu để ổn định giá và cố gắng tránh một cú sốc có khả năng gây suy thoái kinh tế toàn cầu", Bộ trưởng Tài chính Mỹ nói với các nhà lập pháp hồi tháng trước.
Đề xuất áp trần giá dầu Nga đã thu hút nhiều quan tâm trong những tuần gần đây, khi các lãnh đạo G7 đã đồng ý tìm hiểu thêm về nó sau hội nghị thượng đỉnh ở Đức hồi cuối tháng 6.
Bà Yellen ngày 13/7 cho biết đã trao đổi về ý tưởng áp trần giá dầu Nga với Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc trong cuộc họp trực tuyến tuần trước. "Họ đã lắng nghe và sẵn sàng thảo luận thêm với chúng tôi về vấn đề này", Bộ trưởng Tài chính Mỹ nói.
Trung Quốc chưa phản hồi về thông tin trên.
Nỗ lực vận động cho chiến thuật áp trần giá dầu Nga của bà Yellen được thúc đẩy trong lúc Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Trung Đông vào tuần này, nơi ông dự kiến thuyết phục Arab Saudi và các quốc gia OPEC khác tăng sản lượng dầu mỏ nhằm giúp bù đắp nguồn cung thiếu hụt do xung đột Nga - Ukraine.
Tuy nhiên, các quan chức Mỹ thừa nhận bóp nghẹt nguồn thu của Nga bằng chiến thuật áp đặt trần giá dầu là một mục tiêu dài hơi, khó có thể đạt được trong một sớm một chiều.
Việc thúc đẩy ý tưởng áp giá trần dầu Nga được coi là một phép thử ngoại giao quan trọng đối với bà Yellen, người đang thực hiện chuyến công du đầu tiên đến châu Á với tư cách Bộ trưởng Tài chính Mỹ.
Nếu thành công, chiến thuật của bà có thể giúp giảm bớt tác động của cuộc xung đột ở Ukraine đối với giá năng lượng toàn cầu, đồng thời giảm đáng kể nguồn thu từ dầu mỏ của Moskva. "Chúng tôi càng trao đổi nhiều với các nước về vấn đề này, họ càng hiểu rõ thêm về khái niệm mà chúng tôi đang đưa ra cũng như cơ sở thực tiễn của nó", một quan chức cấp cao Bộ Tài chính Mỹ cho hay.
Tuy nhiên, một số nhà kinh tế và chuyên gia năng lượng lại tỏ ra hoài nghi về tính hiệu quả của đề xuất, không hiểu các cơ quan tài phán phương Tây có thể thực thi quy định áp trần giá dầu Nga như thế nào và Tổng thống Putin sẽ phản ứng ra sao.
Theo ý tưởng mà Mỹ đưa ra, nếu các nhà nhập khẩu mua dầu Nga với giá cao hơn giá trần đã được áp đặt, họ sẽ phải đối mặt với những hạn chế về dịch vụ liên quan đến vận tải biển như tài chính và bảo hiểm hàng hải, vốn được kiểm soát phần lớn bởi những công ty thuộc Liên minh châu Âu (EU) và Anh. Nếu không có những dịch vụ này, việc vận chuyển dầu Nga bằng đường biển sẽ trở nên vô cùng khó khăn.
Tuy nhiên, thị trường quốc tế, nơi xử lý hàng triệu thùng dầu tới hàng chục quốc gia mỗi ngày, là quá lớn, nằm ngoài khả năng xử lý của chính phủ một vài nước, nhà phân tích năng lượng cấp cao từ ngân hàng đầu tư đa quốc gia Raymond James đánh giá.
"Trên thực tế, ý tưởng này không thể thực hiện được", ông nói.
Mặt khác, với mức giá chiết khấu hấp dẫn, Trung Quốc và Ấn Độ đang tăng cường mua dầu Nga và họ không bao giờ muốn dòng chảy này bị chặn lại, Andy Lipow, lãnh đạo công ty tư vấn thị trường dầu mỏ Lipow Oil Associates, nhận định.
"Chúng ta phải thực thi nó như thế nào? Chúng ta cần Trung Quốc và Ấn Độ đồng ý với ý tưởng đó", Lipow nói.
Ông thêm rằng Nga hoàn toàn có thể tránh bị áp giá trần bằng cách quy định một khoản thuế hoặc phí xuất khẩu dầu mỏ được thanh toán riêng. "Ví dụ, bạn có thể mua một thùng dầu Nga với giá 40 USD, sau đó viết một tờ séc riêng để thanh toán thuế phí cho chính phủ Nga sau khi dầu được giao", Lipow giải thích.
Một câu hỏi khác được đặt ra là liệu các nhà nhập khẩu dầu Nga không tuân thủ mức giá trần phương Tây đặt ra, có thể mua được bảo hiểm hàng hải ở những nơi khác nhằm giữ cho các tàu chở dầu của họ tiếp tục hoạt động hay không.
Theo Robin Brooks, nhà kinh tế trưởng tại Viện Tài chính Quốc tế, trụ sở ở Washington, Mỹ, đã có những dấu hiệu cho thấy hoạt động bảo hiểm đang bắt đầu được mở rộng, nhưng những nỗ lực đó mới ở giai đoạn sơ khai.
Brooks cho rằng việc áp dụng mức giá trần đối với dầu Nga có thể phát huy tác dụng, song cần thực hiện nó "càng sớm càng tốt".
Một rủi ro lớn địa chính trị lớn khác đối với đề xuất của Mỹ là liệu Nga có đáp trả hay không và bằng cách nào.
Phát biểu trên truyền hình tuần trước, Tổng thống Vladimir Putin đã cảnh báo về những "hậu quả thảm khốc" đối với thị trường năng lượng toàn cầu nếu phương Tây áp đặt thêm biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga.
Gerard DiPippo, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho biết với việc Nga xuất khẩu 3,9 triệu thùng dầu thô mỗi ngày qua đường biển, việc cắt giảm chỉ 25% số này cũng sẽ đẩy giá dầu lên cao lên cao đáng kể.
Tổng thống Putin cũng là người luôn sẵn sàng chấp nhận rủi ro, DiPippo lưu ý. "Mục tiêu của Tổng thống Putin là phá vỡ liên minh phương Tây và giá năng lượng là công cụ tốt nhất để ông ấy làm điều đó. Tôi nghĩ Nga hoàn toàn có khả năng đáp trả phương Tây trong vấn đề này và rủi ro sẽ rất lớn khi họ có phản ứng như vậy".
Các nhà phân tích tại JPMorgan Chase ước tính trong trường hợp xấu nhất, Nga có thể cắt giảm 5 triệu thùng dầu thô mỗi ngày mà không làm tổn hại đến nền kinh tế. Trong khi đó, động thái này có thể đẩy giá dầu toàn cầu lên đến 380 USD/thùng từ mức 100 USD hiện tại.
Brooks và các chuyên gia khác không tin vào khả năng Tổng thống Putin ngừng mọi hoạt động xuất khẩu dầu để đáp trả phương Tây. Động thái như vậy sẽ rất tốn kém và gây ra thiệt hại lâu dài cho các giếng dầu của Nga.
Nhìn chung, theo Brooks, ngay cả khi một lệnh cấm vận hoàn toàn dầu Nga được thực hiện, nó có khả năng sẽ chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và tác động cũng không chắc chắn.
"Điều chúng tôi đang tranh luận là phương Tây có thể chịu đựng đau đớn đến đâu và trong bao lâu", ông nói. "Một số nhà hoạch định chính sách phương Tây đang phân vân giữa hai lựa chọn, chịu đựng rất nhiều đau đớn trong một thời gian ngắn, hay không làm gì cả và hy vọng mọi thứ sẽ ổn".
Vũ Hoàng (Theo Politico)