Châu Âu và Mỹ đã cấm nhập dầu Nga để cắt nguồn thu quan trọng của nước này. Nhưng kế hoạch sử dụng đòn trừng phạt năng lượng để gây áp lực lên Tổng thống Vladimir Putin nhằm buộc ông phải xem xét lại chiến dịch quân sự ở Ukraine đã không thành công, giới quan sát đánh giá.
Nga vẫn thu lợi từ xuất khẩu năng lượng như trước khi xung đột nổ ra hồi cuối tháng hai. Trong khi đó, lạm phát đang gia tăng trên toàn cầu, gây thêm sức ép lên các lãnh đạo như Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Anh Boris Johnson hay Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Tại hội nghị thượng đỉnh G7 đang diễn ra ở Đức, lãnh đạo các nền kinh tế hàng đầu thế giới nỗ lực thảo luận để đạt đồng thuận về những bước đi tiếp theo nhằm tăng sức ép với Nga. Tuy nhiên, liên quan đến dầu mỏ, họ có rất ít lựa chọn khả thi.
Một số biện pháp đang được xem xét, từ áp mức trần giá nhập khẩu năng lượng từ Nga, cấm bảo hiểm đối với tàu chở dầu Nga đến trừng phạt các quốc gia vẫn tiếp tục mua dầu của Moskva. Tuy nhiên, tất cả chúng đều có mặt trái và một số biện pháp thậm chí còn có thể đẩy giá năng lượng lên cao hơn nữa, nguy cơ làm suy yếu ủng hộ của công chúng đối với quyết tâm trừng phạt Nga.
Mỹ, Anh và Canada đã công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga. Liên minh châu Âu (EU) cũng sẽ cấm dầu Nga nhập qua đường biển, tiến tới áp dụng lệnh cấm với 90% lượng dầu nhập từ Nga vào cuối năm nay. Đây được cho là một bước tiến lớn khi châu Âu lâu nay vẫn phụ thuộc rất lớn vào nhiên liệu của Moskva.
Trong vài tháng qua, khách hàng châu Âu đã dè dặt hơn với năng lượng Nga. Xuất khẩu dầu của Nga sang châu Âu giảm xuống 3,3 triệu thùng/ngày trong tháng 5, giảm 170.000 thùng/ngày so với tháng trước, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).
Nhưng lượng mua lớn từ châu Á đã giúp Nga bù đắp phần lớn những thiệt hại đó. Trung Quốc, tận dụng các đợt giảm giá lớn của dầu Nga, lần đầu tiên ghi nhận mức nhập khẩu đạt 2 triệu thùng/ngày. Nhập khẩu dầu của Ấn Độ cũng tăng đột biến, lên tới gần 900.000 thùng/ngày vào tháng trước.
"Chúng tôi đang tích cực điều chỉnh dòng chảy thương mại và các mối quan hệ kinh tế đối ngoại của mình, hướng tới những đối tác quốc tế đáng tin cậy, chủ yếu là các thành viên khối BRICS", Tổng thống Putin tuần trước nói, đề cập đến khối các nền kinh tế đang phát triển gồm Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.
Nga đang bán dầu thô Urals của mình với giá rẻ hơn khoảng 35 USD so với mức chuẩn toàn cầu của dầu Brent, loại dầu được giao dịch gần đây nhất với giá gần 113 USD/thùng. Nhưng do giá dầu đã tăng mạnh trong năm nay vì hệ lụy của đại dịch Covid-19 và xung đột Ukraine, Moskva vẫn thu về nguồn lợi nhuận khổng lồ.
Doanh thu xuất khẩu dầu mỏ của Nga đã tăng 1,7 tỷ USD trong tháng 5, lên khoảng 20 tỷ USD, theo IEA. Con số này cao hơn nhiều so với mức trung bình năm 2021 là khoảng 15 tỷ USD.
"Người Nga vẫn bán được dầu với mức giá khá tốt", Robert Johnston, học giả tại Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu Columbia, Mỹ, nói.
Các quan chức cấp cao Mỹ cho biết đối phó với thực tế này sẽ là một ưu tiên tại hội nghị thượng đỉnh G7, bên cạnh những mục tiêu khác như gia tăng tối đa áp lực lên chính quyền Tổng thống Putin, đồng thời giảm thiểu tác động lan tỏa đối với phần còn lại của thế giới.
"Chúng tôi mong đợi các lãnh đạo G7 sẽ thảo luận về việc làm thế nào để hạn chế hơn nữa nguồn thu từ dầu khí của Nga, trong khi vẫn ổn định được thị trường năng lượng toàn cầu", một quan chức Mỹ giấu tên cho hay.
Để gây khó khăn hơn cho Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia khác vẫn nhập dầu Nga, châu Âu có ý định ban hành lệnh cấm bảo hiểm đối với các tàu chở dầu thô từ Nga. Nếu ông lớn ngành bảo hiểm Lloyd của Anh tham gia kế hoạch này như dự kiến, điều đó sẽ giáng một đòn mạnh vào hệ thống vận chuyển nhiên liệu toàn cầu.
Nhưng chính quyền Tổng thống Biden lo ngại biện pháp này sẽ khiến giá cả tiếp tục tăng cao. Trong khi đó, một giám đốc ngành dầu khí Ấn Độ cho biết 4 tàu dầu xuất bến vào tháng 7 sẽ được thu xếp mua bảo hiểm của Ấn Độ và tái bảo hiểm thông qua một bên trung gian ở Hong Kong. Ấn Độ cũng đang thảo luận về biện pháp lâu dài, trong đó chính phủ nước này có thể đứng ra đảm bảo về bảo hiểm cho tàu biển nhằm duy trì nguồn cung dầu thô từ Nga.
Mai Rosner, nhà vận động tại tổ chức phi lợi nhuận Global Witness, cho rằng các nước phương Tây cần phải quyết liệt hơn nữa trong nỗ lực loại dầu Nga ra khỏi thị trường một cách nhanh chóng để ngăn Moskva và các đối tác tìm ra cách lách lệnh trừng phạt.
"Các biện pháp trừng phạt từng phần này vẫn tạo ra nhiều kẽ hở để ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch khai thác", bà nói.
Mỹ, với hậu thuẫn của châu Âu, cũng có thể ban hành cái gọi là biện pháp trừng phạt thứ cấp nhắm vào những nước thứ ba vẫn tiếp tục làm ăn với Nga, như đã làm với Iran và Venezuela. Chính phủ Mỹ không loại trừ khả năng áp dụng biện pháp cứng rắn này.
Nhưng một động thái như vậy sẽ tạo ra nhiều xáo trộn đến mức giới chuyên gia cho rằng rất khó xảy ra, đặc biệt là trong bối cảnh các lãnh đạo chính trị ở phương Tây đang phải chịu áp lực nặng nề khi đối mặt với giá xăng dầu tăng nhanh chưa từng có suốt nhiều thập kỷ qua, làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát kỷ lục.
Theo Darwei Kung, chuyên gia cấp cao tại công ty quản lý tài sản DWS, nếu Trung Quốc và Ấn Độ bị cắt khỏi nguồn cung dầu Nga và phải đi tìm nguồn năng lượng thay thế, cạnh tranh trên thị trường dầu mỏ thế giới sẽ khốc liệt hơn nhiều và giá dầu có thể tăng tới 200 USD/thùng.
"Trong một thế giới mà Mỹ cùng lúc áp đặt các biện pháp trừng phạt thứ cấp như vậy với các quốc gia xuất khẩu dầu lớn gồm Iran, Venezuela và Nga, tình hình sẽ rất khó khăn", Kung cho hay. "Thế giới vẫn cầu dầu, và dầu rốt cuộc phải đến từ nơi nào đó".
Tổng thống Biden đang cho thấy chống lạm phát là ưu tiên hàng đầu của ông trước thềm cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ vào tháng 11, khi cử tri Mỹ ngày càng bất mãn vì giá xăng tăng và có thể khiến đảng Dân chủ hứng chịu hậu quả.
Tổng thống Pháp Macron cũng cam kết giải quyết cuộc khủng hoảng vật giá leo thang, trong khi Thủ tướng Anh Boris Johnson đang đẩy mạnh hợp tác với khu vực tư nhân nhằm tìm ra giải pháp cho vấn đề lạm phát.
Một biện pháp khác đang được các lãnh đạo G7 cân nhắc là áp giá trần với dầu Nga. Biện pháp này có nghĩa là dầu Nga sẽ không bị cắt hoàn toàn khỏi thị trường, nhưng Moskva bị buộc phải bán với giá rẻ đến mức không thể thu được lợi nhuận.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen gần đây cho biết Washington muốn thảo luận về biện pháp áp giá trần nhằm "đẩy giá dầu Nga xuống và làm giảm doanh thu của họ, trong khi vẫn cho phép nhiều nguồn cung dầu hơn tiếp cận thị trường toàn cầu".
Các quốc gia như Đức cho biết họ sẵn sàng xem xét lựa chọn này. Nhưng đây là một cơ chế rất phức tạp mà chưa rõ phương Tây sẽ thực thi bằng cách nào hoặc làm sao để các nước như Trung Quốc hay Ấn Độ tham gia.
"Nó sẽ làm méo mó thị trường vào thời điểm thị trường cần phải hoạt động thật tốt, trong khi có quá nhiều cách lách luật", chuyên gia Johnson cảnh báo.
"Tôi nghĩ hệ thống càng phức tạp thì càng nảy sinh nhiều thách thức", chuyên gia Kung đồng tình. "Hệ thống thị trường hoạt động hiệu quả bởi nó rất đơn giản".
Các chính phủ ở phương Tây cũng có thể cố gắng giảm bớt khó khăn bằng cách thúc đẩy nguồn cung hoặc để giá xăng dầu tăng cao đến mức làm giảm nhu cầu. Nhưng đây không phải một phép tính đơn giản, bình luận viên kỳ cựu Julia Horowitz từ CNN đánh giá.
Một số quốc gia thuộc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đang để ngỏ khả năng tăng sản lượng và Tổng thống Biden tháng tới có kế hoạch thăm Arab Saudi để củng cố mối quan hệ và thúc giục nước này bơm thêm dầu ra thị trường. Tuy nhiên, OPEC đã vận hành phần lớn công suất khai thác của mình và lượng dầu bổ sung có thể không mang đến tác động đáng kể.
"Phương Tây vẫn có những công cụ để gây khó khăn hơn nữa cho Nga, nhưng chúng sẽ trực tiếp đẩy chi phí của người tiêu dùng Mỹ và châu Âu tăng đáng kể", chuyên gia Johnston tại Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu Columbia cho hay.
Horowitz nhận định trong trường hợp suy thoái toàn cầu diễn ra một phần do giá nhiên liệu quá cao, nhu cầu năng lượng sẽ giảm và giá dầu có thể bắt đầu đi xuống. "Nhưng kịch bản đó sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng đến kinh tế và việc làm, đặc biệt là với các gia đình có thu nhập thấp", bình luận viên này cảnh báo.
Vũ Hoàng (Theo CNN)