Vài ngày sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, Thủ tướng Đức Olaf Scholz công bố những thay đổi lớn trong chính sách quân sự, đối ngoại và kinh tế của đất nước: đầu tư 107 tỷ USD cho quân đội, chuyển vũ khí đến Kiev và thoát phụ thuộc năng lượng Nga.
Gần một năm sau, nước Đức đã thành công trong một số mục tiêu lớn, nhưng Thủ tướng Scholz cũng đang phải vật lộn để hiện thực hóa những kế hoạch đầy tham vọng, đồng thời làm hài lòng người dân trong nước.
Trong giai đoạn đầu chiến sự Nga - Ukraine, chính sách năng lượng của Đức bị ảnh hưởng nặng nề, bởi nước này phụ thuộc 55% nguồn cung khí đốt và 35% nguồn cung dầu mỏ từ Nga.
Nguồn cung dầu, khí đốt giá rẻ từ Nga trong hàng chục năm qua đã được các ngành công nghiệp Đức hoan nghênh, bởi chúng giúp hàng hóa xuất khẩu của họ có chi phí thấp, nâng cao khả năng cạnh tranh.
Sau khi phương Tây áp đặt loạt lệnh trừng phạt chưa từng có, Nga đáp trả bằng cách cắt giảm nguồn cung khí đốt đến châu Âu, khiến ngành công nghiệp Đức, đầu tàu kinh tế của châu Âu, rơi vào hỗn loạn.
Nước Đức khi đó đối mặt nguy cơ khủng hoảng năng lượng, trong đó khí đốt là vấn đề đặc biệt nan giải, bởi Berlin cần nguồn nhiên liệu ít gây ô nhiễm để bù đắp khoảng trống từ kế hoạch đóng cửa các nhà máy hạt nhân.
"Tôi nghĩ đây là sự phụ thuộc đôi bên, chúng tôi phụ thuộc vào Nga giao hàng, những chúng tôi cũng cho rằng Nga, với tư cách là bên bán, cũng phụ thuộc vào Đức", Rolf Nikel, phó chủ tịch của tổ chức nghiên cứu DGAP, trụ sở Berlin, nhận định.
Để bù đắp cho khoảng trống năng lượng từ Nga, giới chức Đức đã phải kéo dài thời gian vận hành của các nhà máy điện hạt nhân, tái kích hoạt các nhà máy nhiệt điện và mở các kho cảng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) để tăng nhập khẩu khí đốt từ các nhà cung cấp khác, đặc biệt là Mỹ.
Sau nhiều tháng tìm kiếm các nguồn cung mới, Thủ tướng Scholz gần đây tuyên bố Đức "không còn phụ thuộc vào khí đốt Nga".
Cùng với quá trình chuyển đổi năng lượng diễn ra tốt hơn dự kiến, Đức cũng ngày càng tăng ảnh hưởng của mình trong khủng hoảng Ukraine.
Thủ tướng Scholz trong giai đoạn đầu xung đột đã liên tục từ chối chuyển vũ khí sát thương cho Ukraine. Khi Đức thông báo viện trợ 5.000 mũ sắt cho Ukraine, Thị trưởng Kiev đã gọi đây là một "trò đùa".
Sau Thế Chiến II, Berlin luôn giữ hòa khí ngoại giao, cũng như theo đuổi cách tiếp cận hòa bình mỗi khi xảy ra xung đột trên thế giới. Berlin khi đó hài lòng với vai trò cường quốc kinh tế hàng đầu châu Âu, không phải cường quốc quân sự. Chỉ đến năm 1999, dưới áp lực của NATO, quân đội Đức mới tham gia chiến dịch quân sự ở Kosovo.
Theo Celine Le Prioux, bình luận viên của AFP, các lãnh đạo trước đây của Đức, từ ông Gerhard Schroder theo đường lối chính trị trung tả, cho đến bà Angela Merkel thiên trung hữu, đều theo đuổi con đường đối thoại và ngoại giao với Nga.
"Chúng tôi từng cho rằng Berlin chỉ có thể hợp tác an ninh với Moskva, thay vì chống lại họ", Nikel nói. "Nhưng đó là một sai lầm".
Sau gần một năm chiến sự, Đức dần thay đổi quan điểm và thể hiện vai trò ngày càng tăng trong cuộc khủng hoảng, chấp thuận chuyển xe tăng Leopard 2 cho Ukraine, kêu gọi các đồng minh phương Tây làm điều tương tự.
Từ những chậm trễ ban đầu trong thái độ ủng hộ Kiev, Thủ tướng Scholz, người theo chủ nghĩa thực dụng, cho thấy Đức đang tham gia rất nhiều vào các vấn đề khu vực cũng như toàn cầu và thực sự muốn nắm trong tay quyền kiểm soát, Nic Robertson, bình luận viên kỳ cựu về chính sách đối ngoại của CNN, đánh giá.
Trong khi mục tiêu thoát phụ thuộc năng lượng và tăng ảnh hưởng chính trị của Đức đạt kết quả, Thủ tướng Scholz vẫn gặp nhiều khó khăn trong nỗ lực tăng cường sức mạnh cho quân đội Đức sau nhiều thập kỷ liên tục cắt giảm ngân sách quốc phòng, đồng thời phải tìm cách chuyển thêm khí tài quân sự tới Ukraine.
Ngày 27/2/2022, ba ngày sau khi chiến sự bùng phát, ông Scholz ca ngợi "kỷ nguyên mới của nước Đức" khi công bố quỹ 107 tỷ USD cải tổ quân đội, đồng thời cam kết đáp ứng mục tiêu của NATO là chi 2% GDP cho quốc phòng.
"Bài phát biểu mạnh mẽ này của Thủ tướng về kế hoạch cải tổ quân đội đã không được chú ý nhiều theo thời gian, khi Berlin mất quá nhiều thời gian để đưa ra quyết định hỗ trợ Kiev cả về trang thiết bị quân sự và vũ khí", Marie-Agnes Strack-Zimmermann, đối tác liên minh của ông Scholz thuộc đảng Xanh, nói.
Những quyết định gửi vũ khí hạng nặng cho Ukraine, từ bệ phóng tên lửa đến xe tăng, chỉ được Thủ tướng Scholz đưa ra sau rất nhiều áp lực từ trong nước và quốc tế.
Trong phát biểu thông báo quyết định gửi xe tăng chủ lực Leopard 2 cho Ukraine trước quốc hội, ông Scholz cho biết "có nhiều công dân lo lắng về quyết định này, cũng như quy mô ảnh hưởng mà nó mang lại". Ông kêu gọi người dân tin tưởng mình.
Theo bà Priox, lo ngại xung đột leo thang vẫn phủ bóng Đức. Nhiều người ở miền đông nước Đức vẫn ngần ngại phản đối Moskva. Số khác vẫn hoài nghi về mục tiêu tái vũ trang hoặc trở thành nhà cung cấp vũ khí cho Kiev của chính phủ Đức.
Strack-Zimmermann cho rằng nước Đức phải làm nhiều hơn nữa để thể hiện vai trò đầu tàu châu Âu của mình. "Trong cuộc khủng hoảng như vậy, Berlin cần chủ động thực hiện trách nhiệm của mình, thay vì chỉ phản ứng khi áp lực gia tăng", bà nói.
Đức Trung (Theo AFP, CNN)