Ủy viên Quốc hội và Ngoại trưởng Vương Nghị đã báo hiệu về chiến lược đối đầu Mỹ mới trong buổi họp báo bên lề kỳ họp quốc hội hôm 7/3, sự kiện mà Bắc Kinh thường dùng để thúc đẩy chương trình nghị sự ngoại giao.
Ông Vương Nghị đã dành phần lớn thời gian trong buổi họp báo 90 phút để trả lời các câu hỏi liên quan tới quốc gia và khu vực đang phát triển, từ việc cung cấp vaccine Trung Quốc cho châu Phi, Mỹ Latinh, Đông Nam Á đến đầu tư cơ sở hạ tầng ở Trung Á.
"Trung Quốc kiên quyết cho rằng sự đa dạng là nét riêng biệt trong nền văn minh nhân loại. Những khác biệt về hệ thống chính trị không nên là lý do để đối đầu, mà nên là cơ hội để đối thoại và trao đổi", ông Vương nói.
Trung Quốc hướng trọng tâm vào thế giới đang phát triển, khi Washington đang tìm cách khôi phục liên minh xuyên Đại Tây Dương với Liên minh châu Âu (EU) và nhóm họp lãnh đạo 4 nước Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ (Bộ Tứ) như một phần nỗ lực của chiến lược chống lại ảnh hưởng của Bắc Kinh.
Ngoại trưởng Vương Nghị cho biết Trung Quốc phản đối nỗ lực tập hợp nhóm do Mỹ dẫn đầu. Ông cũng nhấn mạnh Bắc Kinh luôn ủng hộ các nước đang phát triển, khi thông báo Trung Quốc đã gửi vaccine Covid-19 cho hơn 35 quốc gia châu Phi và 12 quốc gia Mỹ Latinh.
Ông Vương ca ngợi quan hệ thương mại ngày càng phát triển của Trung Quốc với Trung Đông và Mỹ Latinh, cũng như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực với 14 nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương. Ông thêm rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục thúc đẩy sáng kiện Vành đai và Con đường, bất chấp nhiều thông tin về một số dự án bị đình trệ do đại dịch.
"Tình hữu nghị sâu sắc giữa Trung Quốc và châu Phi được hình thành trong cuộc đấu tranh gian khổ để giành tự do và độc lập dân tộc. Chúng ta là đồng đội và là anh em", ông Vương trả lời câu hỏi từ phóng viên Ai Cập.
Pang Zhongying, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Hải dương Trung Quốc, cho rằng Ngoại trưởng Vương đã cho thấy mong muốn giành được ủng hộ từ các nước đang phát triển trong bối cảnh Mỹ dẫn đầu nỗ lực ngăn chặn Trung Quốc.
"Chính quyền Biden đang tìm cách củng cố liên minh do Mỹ dẫn đầu để chống lại Trung Quốc. Môi trường quốc tế hiện tại là một thách thức lớn đối với Trung Quốc", Pang nói. "Trong thời Mao Trạch Đông, Trung Quốc nhận được ủng hộ từ 'những người anh em son sắt' trong thế giới đang phát triển như Albania và Campuchia. Nhưng xây dựng được phạm vi ảnh hưởng như vậy trong thế giới hiện nay là một thách thức".
Pang nói rằng cuộc đảo chính ở Myanmar tháng trước là bài kiểm tra giới hạn ảnh hưởng của Trung Quốc ở "sân sau". Khi xung đột ở quốc gia Đông Nam Á này ngày càng nghiêm trọng, Trung Quốc khẳng định đây là việc nội bộ của Myanmar và phủ quyết nỗ lực lên án quân đội của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Ngoại trưởng Vương hôm 7/3 nói Trung Quốc sẽ tiếp tục liên lạc với tất cả các bên ở Myanmar và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đồng thời khẳng định mối quan hệ hữu nghị sẽ không thay đổi "bất kể có đổi thay gì ở Myanmar".
Tuy nhiên, Pang cũng nhận định tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh có thể bị hạn chế. "Tình hình của Myanmar đã cho thấy một thách thức khác khi không rõ Trung Quốc có thể đóng vai trò gì để hòa giải xung đột", ông nói.
Tại sự kiện hôm 7/3, Ngoại trưởng Vương cũng thông báo Trung Quốc và các nước Arab đã nhất trí tổ chức hội nghị thượng đỉnh vào cuối năm nay. Ilaria Carrozza, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Hòa bình Oslo, cho hay các nước đang phát triển luôn là trọng tâm trong chiến lược chính sách ngoại giao của Trung Quốc.
"Trung Đông là một khu vực mới hơn một chút đối với Trung Quốc, bởi tới nay Bắc Kinh vẫn hạn chế can dự vào những khu vực có tình hình chính trị khó khăn hoặc vẫn còn xung đột. Nhưng theo sáng kiến Vành đai và Con đường, Trung Quốc giờ đã có những thỏa thuận quy mô lớn với nhiều nước như Iran, Arab Saudi và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE)", bà Carrozza nói.
Carrozza cho rằng Trung Quốc từ lâu đã tìm cách thúc đẩy quan hệ với các nước "thân thiện", nhằm giành được ủng hộ về lập trường hoặc nghị quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Nhưng Bắc Kinh có thể khó đạt được mục đích này nếu Mỹ lấy lại được lòng tin từ đồng minh EU bị mất dưới thời cựu tổng thống Donald Trump.
"Mỹ từng theo đuổi quan điểm xem Mỹ là trọng tâm và khiến Trung Quốc vài năm qua dễ dàng thúc đẩy các ý tưởng đối trọng với Mỹ. Nhưng nếu Biden thân thiện trở lại với đồng minh, tôi nghĩ sẽ có rất nhiều khó khăn với Trung Quốc kể cả về mặt kinh tế, chiến lược hay ngoại giao", bà nói.
Không chỉ gia tăng ảnh hưởng ở thế giới đang phát triển, Trung Quốc cũng báo hiệu tìm cách xoa dịu quan hệ với hai nước lớn Ấn Độ và Nhật Bản, giữa lúc Mỹ đang xoay trục nhiều hơn về khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Trước lo ngại của Nhật Bản về luật hải cảnh mới, Ngoại trưởng Vương Nghị nói luật không nhắm vào bất kỳ quốc gia cụ thể nào. Ông thêm rằng hai nước có thể hỗ trợ nhau để tổ chức các sự kiện thể thao như Olympic.
"Quan hệ Trung - Nhật được cải thiện sẽ có lợi cho người dân hai nước, cùng hòa bình và ổn định khu vực. Nó không nên được xem là điều hiển nhiên mà chúng ta cần trân trọng nó", ông Vương nói.
Giới phân tích Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh lo ngại bất ổn trong quan hệ với Nhật Bản khi chính quyền Biden thúc đẩy quan hệ với Tokyo. "Quan hệ Trung - Nhật ổn định rất quan trọng với Trung Quốc", Wang Ping, nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nói.
Nhà Trắng sẽ tìm kiếm ủng hộ của Nhật Bản trong nhiều vấn đề như nhân quyền, Hong Kong và Đài Loan, theo Lian Degui, chuyên gia về Nhật Bản tại Đại học Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải. "Điều này sẽ gây ra nhiều khó khăn cho quan hệ Trung - Nhật và mang đến nhiều thách thức trong thời gian tới", Lian nói.
Ngoài Nhật Bản, Ngoại trưởng Trung Quốc cũng bày tỏ hy vọng giải quyết căng thẳng với Ấn Độ khi hai nước láng giềng cố gắng đàm phán để thoát khỏi tình trạng xung đột dọc biên giới chung.
"Trung Quốc và Ấn Độ nên là bạn bè và đối tác thay vì đe dọa và cạnh tranh. Chúng ta nên giúp đỡ nhau phát triển", ông nói.
Brahma Chellaney, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Trung tâm Nghiên cứu chính sách ở New Delhi, nói bình luận của nhà ngoại giao Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh muốn giảm thiểu đối đầu trực tiếp với Ấn Độ.
"Trung Quốc muốn giảm đối đầu quân sự với Ấn Độ ở biên giới, bởi họ đã có quá nhiều mặt trận căng thẳng với khu vực láng giềng sau các hành động gây hấn", ông nói.
Tuy nhiên, Madhav Das Nalapat, giám đốc khoa địa chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học Manipal, nói quan hệ hai nước sẽ khó có tiến triển bền vững nếu vấn đề biên giới không được giải quyết.
"Trung Quốc từ đầu đã muốn một chính sách tách rời biên giới khỏi vấn đề thương mại và hợp tác trong Tổ chức Thương mại Thế giới hay bất kỳ vấn đề quốc tế nào. Ấn Độ có cùng quan điểm nhưng hiểu rằng quan hệ hai nước chỉ thực sự được tái thiết nếu có một giải pháp chấp thuận được về vấn đề biên giới", ông nói.
Thanh Tâm (Theo SCMP)