Cơ hội đến với Trung Quốc khi Mỹ trải qua quá trình chuyển giao quyền lực sau cuộc bầu cử tổng thống nhiều hỗn loạn, cũng như chật vật đối phó với Covid-19. Nhiều chuyên gia Trung Quốc cho rằng đây là thời cơ để Bắc Kinh hoạch định các bước đi tiếp theo, thậm chí chiếm thế thượng phong trong mối quan hệ với Washington, nhưng nó chỉ kéo dài trong khoảng hai năm tới.
Nhận định về "đại chiến lược" của Trung Quốc được đưa ra khi quan chức chính quyền Joe Biden gửi nhiều tín hiệu rõ ràng rằng họ sẽ tiếp tục lập trường cứng rắn với Bắc Kinh của cựu tổng thống Donald Trump, đồng thời tìm cách lôi kéo sự ủng hộ từ đồng minh. Nhà Trắng dường như cũng đặt cạnh tranh công nghệ là vấn đề trọng tâm trong chiến lược đối phó Trung Quốc.
Tổng thống Biden hôm 3/3 công bố tài liệu hướng dẫn chiến lược an ninh quốc gia sơ bộ, cảnh báo Trung Quốc là "đối thủ cạnh tranh duy nhất có khả năng kết hợp sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ để tạo ra thách thức lâu dài với một hệ thống quốc tế mở và ổn định".
Liu Yuanchun, phó hiệu trưởng Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, hy vọng Biden chỉ sửa đổi một số yếu tố không ổn định trong chính sách Trung Quốc của Trump và triển khai một chiến lược ngăn chặn dài hoặc trung hạn ở một số lĩnh vực.
Dưới thời Biden, "nỗ lực ngăn chặn về công nghệ của Mỹ có thể sẽ khắc nghiệt hơn thời Trump", Liu cảnh báo trong một hội thảo trực tuyến do Diễn đàn Kinh tế Vĩ mô Trung Quốc tổ chức hôm 3/3.
Zhang Ming, phó giám đốc Viện tài chính thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, đồng tình với quan điểm của Liu, nói rằng Biden nhiều khả năng sẽ áp dụng chiến lược "tách rời có chọn lọc" khỏi Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ cao, đồng thời hợp tác với các quốc gia có cùng chí hướng.
Zhang tin Mỹ sẽ triển khai chiến lược lớn kết hợp các con bài chính trị và kinh tế để ngăn chặn Bắc Kinh, trong khi chính phủ Trung Quốc đến nay vẫn chưa có biện pháp ứng phó bài bản. "Chúng ta cần xây dựng đại chiến lược cho cuộc chơi với Mỹ, sử dụng nó để đối phó với một đại chiến lược khác", ông nói.
Theo Zhang, đại chiến lược của Trung Quốc cần có tính minh bạch cao, hướng tới thị trường và dễ hiểu đối với cộng đồng quốc tế. Trung Quốc cũng phải phát triển mối quan hệ hữu nghị đối với các lực lượng chính trị ở Mỹ để quan điểm của Bắc Kinh được nắm bắt rõ ràng hơn.
Nhưng với rất nhiều thách thức phía trước, Trung Quốc cũng phải cải thiện mối quan hệ với Nhật Bản, châu Âu và các yếu tố thân thiện với Mỹ, gồm tăng khả năng để các đối tác này tiếp cận thị trường nội địa khổng lồ của mình.
Liu Qing, phó hiệu trưởng Học viện Chiến lược và Phát triển Quốc gia tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, cho rằng xây dựng mối quan hệ mạnh mẽ hơn với Tokyo và Brussels là cách "phản công Mỹ" mạnh mẽ mà Trung Quốc cần hướng tới.
Ông lập luận rằng Trung Quốc có "cánh cửa cơ hội" trong hai năm tới để có thể chiếm thế thượng phong trong mối quan hệ kinh tế song phương với Mỹ, khi Washington bị chia rẽ chính trị nội bộ và bị tổn hại kinh tế vì Covid-19.
"Nguyên tắc cơ bản của cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa Mỹ và Trung Quốc không thay đổi", Liu nói.
Các tuyên bố mà chính quyền Biden đưa ra trong hai tuần qua đã nhấn mạnh mức độ cạnh tranh giữa hai nước thời gian tới. Tuần trước, Tổng thống Mỹ yêu cầu dành 100 ngày kiểm tra các lỗ hổng trong chuỗi cung ứng sản phẩm quan trọng, như chất bán dẫn, dược phẩm, pin ô tô và đất hiếm, nhằm giảm sự phụ thuộc vào nhà cung cấp bên ngoài như Trung Quốc.
Yêu cầu của Biden được đưa ra sau bài phát biểu của ông tại Hội nghị An ninh Munich, trong đó ông nói Mỹ và đồng minh phải chống lại "sự lạm dụng và chèn ép của Bắc Kinh đã làm suy yếu nền tảng của hệ thống kinh tế quốc tế".
Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ hôm 1/3 nói trong chương trình nghị sự 2021 rằng Washington sẽ sử dụng "mọi công cụ sẵn có" để giải quyết vấn đề thương mại với Trung Quốc, xem vấn đề nhân quyền ở Tân Cương là ưu tiên hàng đầu.
Tại phiên điều trần phê chuẩn tại Thượng viện tuần trước, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai nhấn mạnh Trung Quốc phải thực hiện những cam kết có trong thỏa thuận thương mại giai đoạn một đã ký giữa hai nước.
Liu, Phó hiệu trưởng Đại học Nhân dân, tính toán Bắc Kinh phải mua thêm 100 tỷ USD hàng hóa Mỹ để hoàn thành cam kết, nâng tổng lượng nhập khẩu hàng năm từ Mỹ lên hơn 200 tỷ USD trong năm nay.
"Mặc dù số lượng này không quá lớn so với tổng hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc, chúng tôi phải đánh giá mức độ ảnh hưởng của nó đối với các lĩnh vực cụ thể", ông nói.
Zhang cho biết gói cứu trợ đại dịch 1.900 tỷ USD của Biden sẽ thúc đẩy nhu cầu của Mỹ và khiến thâm hụt thương mại với Trung Quốc tiếp tục tăng. Ngoài ra, thanh khoản tăng thêm trên thị trường toàn cầu sẽ làm tăng dòng vốn chảy vào Trung Quốc, gia tăng áp lực cho Bắc Kinh để chống lại áp lực tăng giá đồng nhân dân tệ. Điều đó có thể khiến Washington tiếp tục công kích Bắc Kinh về vấn đề thao túng tiền tệ.
Ông thêm rằng mâu thuẫn tài chính song phương cũng có thể tăng lên khi Mỹ cố loại công ty Trung Quốc khỏi các sàn giao dịch của Mỹ và nhiều công ty đại lục sẽ khó có thể mua lại công ty công nghệ Mỹ.
"Chúng ta phải chuẩn bị kế hoạch dự phòng. Đừng quá lạc quan", Zhang nói.
Li Xunlei, nhà kinh tế trưởng tại công ty Zhongtai Securities, nhận định điều quan trọng với Bắc Kinh là đánh giá rủi ro từ gói kích thích kinh tế bổ sung của Mỹ và hành động để giảm tác động lên hệ thống tài chính Trung Quốc.
Để cải thiện quan hệ hợp tác với Nhật Bản và châu Âu, Trung Quốc phải mở cửa thị trường nhiều hơn và có hành vi quốc tế tốt, theo Liu.
Mao Zhenhua, người sáng lập công ty đánh giá xếp hạng China Chengxin Credit Rating Group, nói Trung Quốc không nên đánh giá quá cao vai trò của thị trường tiêu dùng trong nước, khi doanh số bán lẻ nội địa đã giảm vào năm ngoái.
"Chìa khóa kinh doanh của chúng tôi là tăng nhu cầu nội địa và đẩy mạnh nỗ lực để cải thiện những mắt xích yếu kém trong lĩnh vực công nghệ", Mao nói.
Thanh Tâm (Theo SCMP)