Lực lượng chuyên trách ứng phó Covid-19 của chính phủ Singapore hồi đầu tháng 9 vạch kế hoạch chuyển đổi sang cuộc sống bình thường mới, theo đó họ muốn coi Covid-19 giống như bệnh cúm thông thường, khi phần lớn dân số đều được tiêm phòng đầy đủ. Kế hoạch này là một phần trong chiến lược "sống chung với Covid-19" để tái mở cửa của Singapore, khi nước này đạt tỷ lệ tiêm chủng cao.
Tuy nhiên, Singapore tuần trước bất ngờ thông báo tạm dừng kế hoạch mở cửa và kêu gọi người dân hạn chế các hoạt động xã hội, khi nước này ghi nhận số ca nhiễm mới tăng mạnh. Số ca nhiễm mới trung bình 7 ngày tính tới 15/9 đã vượt 600 người. Singapore đã báo cáo gần 75.000 ca nhiễm và 59 ca tử vong kể từ khi dịch bùng phát.
Quyết định này lập tức gây tranh cãi, khi nhiều người cho rằng chính phủ Singapore đã quá cẩn trọng, trong bối cảnh số ca nhập viện thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia khác đang phải chống chọi với biến chủng Delta.
"Nền tảng trong chiến lược ứng phó Covid-19 của Singapore là kiềm chế và làm chậm chuỗi lây nhiễm, để đảm bảo hệ thống chăm sóc sức khỏe không bị quá tải. Điều này giúp chúng tôi ngăn ngừa những ca tử vong có thể tránh được và đảm bảo các bệnh nhân có cơ hội phục hồi tốt hơn", Đại sứ Singapore tại Việt Nam Jaya Ratnam chia sẻ với VnExpress, giải thích về tiêu chí "sống chung với Covid-19" của nước này.
Ông Ratnam thêm rằng chính phủ Singapore đang theo đuổi cách tiếp cận "có tính toán và liên tục điều chỉnh" để đối phó với Covid-19, với mục tiêu giảm thiểu gián đoạn kinh tế xã hội, đảm bảo an toàn cho người dân, cũng như bảo vệ thống y tế.
"Đôi khi chúng tôi có thể phải tạm dừng mở cửa, đặc biệt là khi xu hướng ca nhiễm, số ca điều trị tích cực (ICU) hoặc tử vong tăng", ông nói, nhưng thêm rằng chính phủ Singapore sẽ không muốn đảo ngược kế hoạch mở cửa.
Giới chức Sinagpore cho biết sẽ tạm dừng kế hoạch mở cửa trong ít nhất vài tuần để theo dõi xu hướng dịch và so sánh dữ liệu với các nước như Anh hay Israel, nơi có tỷ lệ nhiễm tăng mạnh sau khi nới hạn chế. Mục tiêu là giữ tỷ lệ ca bệnh nặng và tử vong ở mức thấp và tránh phải tái áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt như phong tỏa.
"Chúng tôi sẽ có sự điều chỉnh liên tục về chính sách khi từng bước mở cửa, nhưng nếu có bất kỳ biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nào được đưa ra, nó sẽ dựa trên tiêu chí tỷ lệ sử dụng giường ICU hơn là số ca nhiễm", bà Clapham Hannah, phó giáo sư tại Trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS), chia sẻ.
Bà Hannah thêm rằng số ca nhiễm tăng khi đất nước từng bước mở cửa là điều mà chính phủ Singapore đã lường trước. Tuy nhiên, với phần lớn dân số đã tiêm chủng, số ca nhiễm mới ở nước này đa số là ca bệnh nhẹ.
"Mối liên hệ giữa ca nhiễm và ca bệnh nặng đã thay đổi nhờ tiêm chủng, bởi vaccine giúp chống lại nguy cơ bệnh diễn tiến nghiêm trọng", bà nói.
Singapore bắt đầu chiến dịch tiêm chủng từ cuối tháng 12 năm ngoái và tới ngày 13/9, 81% dân số nước này đã được tiêm chủng đầy đủ. Đại sứ Ratnam xác nhận tỷ lệ tiêm chủng cao là một trong những tiêu chí quan trọng cho kế hoạch sống chung với Covid-19 của Singapore.
"Chúng tôi đang nỗ lực hết sức để tiếp cận bộ phận dân số chưa tiêm chủng còn lại, thông qua các điểm tiêm lưu động hoặc tiêm chủng tận nhà cho người không thể đi lại. Chúng tôi cũng sẽ khởi động chương trình tiêm tăng cường cho những người suy giảm miễn dịch từ trung bình đến nghiêm trọng, người trên 60 tuổi và những cư dân tại các cơ sở chăm sóc người cao tuổi", Đại sứ nói.
Ngoài tiêm chủng, tăng cường xét nghiệm Covid-19 cũng được xem là một trong những yếu tố quan trọng trong kế hoạch mở cửa từng bước của Singapore. Người dân được gửi bộ kit về tận nhà để khuyến khích tự xét nghiệm, đồng thời các khu vực có nguy cơ cao như nhà hàng, phòng gym, siêu thị cũng được tăng cường xét nghiệm hàng tuần.
"Thông qua các biện pháp này, chúng tôi có thể kịp thời phát hiện các ca nhiễm để cách ly và khoanh vùng", ông Ratnam cho biết.
Phó giáo sư Hannah thêm rằng với biện pháp khoanh vùng, những nơi ghi nhận ca lây nhiễm cộng đồng tăng sẽ được tăng cường xét nghiệm và phải áp một số hạn chế hoặc đóng cửa để ngăn nguy cơ dịch lây lan sang khu vực khác.
Theo quy định có hiệu lực từ ngày 10/8, Singapore cấm những người trên 13 tuổi chưa tiêm vaccine dùng bữa tại nhà hàng. Người chưa tiêm chủng cũng bị cấm đến phòng gym khép kín hay tham gia các lớp thể dục trong nhà không đeo khẩu trang và được khuyến khích chỉ tụ tập tối đa hai người. Trung tâm thương mại và rạp chiếu phim cũng được đón thêm khách đã tiêm chủng.
"Chúng tôi đang thực hiện biện pháp quản lý an toàn dựa trên tình trạng tiêm chủng", Đại sứ Ratnam chia sẻ.
Alex Cook, phó giáo sư tại Trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock thuộc NUS, cho biết Singapore hiện có khoảng 10% dân số chưa đủ tuổi tiêm chủng và chưa tới 10% đủ điều kiện nhưng chưa tiêm. Ông nói nhóm đầu tiên có thể bắt đầu được tiêm chủng vào cuối năm nay, khi cơ quan quản lý chấp thuận tiêm vaccine cho trẻ nhỏ.
"Đối với nhóm thứ hai, chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng tiếp cận, đồng thời đã áp nhiều hạn chế hơn với họ để khuyến khích tiêm chủng", ông nói.
Ông Cook thêm rằng một trong những thay đổi đáng chú ý khác trong kế hoạch ứng phó Covid-19 của Singapore là việc cho phép cách ly F0 tại nhà. Bộ Y tế Singapore (MOH) hôm 10/9 thông báo nước này sẽ thúc đẩy chiến lược cách ly các ca nhiễm nCoV thể nhẹ tại nhà.
Theo đó, những người trẻ tuổi đã được tiêm chủng Covid-19 đầy đủ, không có bệnh lý nền, sẽ được phép tự điều trị và phục hồi tại nhà, thay vì phải đến bệnh viện hay cơ sở chữa trị tập trung kể từ ngày 15/9.
"Biện pháp này có thể làm tăng nguy cơ lây lan virus, nhưng cũng giúp giảm bớt gánh nặng cho hệ thống chăm sóc sức khỏe", ông Cook nói. "Chúng tôi cũng có thể sẽ giảm bớt việc truy vết tiếp xúc vì nó không còn mang lại nhiều ý nghĩa nếu quy định cách ly đã bớt nghiêm ngặt hơn".
Thay vì lập bản đồ tất cả người tiếp xúc gần với ca nhiễm, Singapore sẽ tập trung vào xử lý các địa điểm có nguy cơ cao hoặc các cụm dịch lớn, theo Đại sứ Ratnam.
"Bằng cách sử dụng dữ liệu trên TraceTogether, chúng tôi cũng sẽ gửi cảnh báo rủi ro y tế tới những người từng tiếp xúc gần để họ xét nghiệm, tự cách ly và theo dõi tình trạng sức khỏe", ông cho hay.
Để ứng phó với nguy cơ dịch bùng phát mạnh hơn, chính phủ Singapore cũng đã tăng cường các cơ sở chăm sóc sức khỏe cộng đồng, giường cách ly và giường ICU. Tuy nhiên, Trung tâm Quốc gia về Bệnh truyền nhiễm Singapore (NCID) cho biết hầu hết ca nCoV hiện nay tại Singapore đều nhẹ hoặc không có triệu chứng, với tải lượng virus giảm nhanh hơn nhiều so với những ca nhiễm chưa tiêm chủng.
"Chúng tôi không thể loại trừ khả năng phong tỏa, nhưng đó sẽ là biện pháp cuối cùng. Chính phủ Singapore sẽ nỗ lực hết sức để tiếp tục kế hoạch tiến tới cuộc sống bình thường mới giữa Covid-19", ông Ratnam nhấn mạnh.
Thanh Tâm