Công ty tư vấn rủi ro chính trị Mỹ Eurasia Group mới đây công bố 10 rủi ro lớn nhất trong năm 2022, trong đó có chính sách "Không Covid" mà Trung Quốc đã áp dụng trong hai năm qua nhằm quyết tâm đưa ca nhiễm về 0.
"Trung Quốc đang trong tình thế khó khăn nhất vì chính sách 'Không Covid', vốn rất thành công vào năm 2020, giờ đây lại biến thành cuộc chiến chống biến chủng dễ lây lan hơn bằng các đợt phong tỏa lớn hơn, trong khi vaccine chỉ có hiệu quả nhất định", Ian Bremmer và Cliff Kupchan, hai lãnh đạo Eurasia Group, nhận định.
Hai chuyên gia của Eurasia Group cho rằng chiến lược này sẽ không thể khống chế được biến chủng Omicron, có thể gây ra đợt bùng phát lớn hơn và những lần phong tỏa nặng nề hơn ở Trung Quốc.
"Điều này sẽ gây ra gián đoạn kinh tế lớn hơn, các biện pháp can thiệp của giới chức cũng nhiều hơn", hai chuyên gia viết. Chính sách 'Không Covid' cũng có thể gây ra gián đoạn nghiêm trọng hơn với chuỗi cung ứng ở Trung Quốc, làm suy giảm niềm tin của dư luận vào thành quả chống dịch của chính phủ.
Trung Quốc chưa bình luận về nhận định này của Eurasia Group.
Trung Quốc hiện chưa ghi nhận các đợt lây nhiễm cộng đồng lớn do biến chủng Omicron, nhưng nước này đang chật vật ứng phó ổ dịch do biến chủng Delta tại thành phố Tây An. Chính quyền thành phố đã phong tỏa 13 triệu dân gần hai tuần qua, nhưng vẫn chưa dập tắt được hoàn toàn chuỗi lây nhiễm. Vũ Châu, thành phố 1,17 triệu dân thuộc tỉnh Hà Nam, từ hôm qua cũng áp lệnh phong tỏa sau khi phát hiện ba ca nCoV không triệu chứng.
Số ca Covid-19 Trung Quốc thấp hơn so với nhiều quốc gia khác, nhưng ca nhiễm mới trong vài tuần gần đây cao chưa từng thấy kể từ tháng 3/2020. Trung Quốc hiện ghi nhận hơn 100.000 ca nhiễm và hơn 4.600 ca tử vong vì đại dịch.
Ngoài chính sách chống dịch của Trung Quốc, Eurasia Group cũng liệt kê một số rủi ro chính trị thế giới năm 2022 như sự thống trị của giới công nghệ, bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ ở Mỹ hay căng thẳng biên giới Nga - Ukraine.
Ngọc Ánh (Theo Asia Nikkei)