Kể từ tháng 12, thành phố cổ kính, quê hương của đội quân đất nung canh giữ lăng mộ Tần Thủy Hoàng, đã phải vật lộn với đợt bùng phát Covid-19 cộng đồng lớn nhất kể từ đầu đại dịch đến nay.
Trung Quốc bắt đầu áp lệnh phong tỏa Tây An, cấm 13 triệu cư dân ra khỏi nhà, từ ngày 23/12/2021, sau khi ghi nhận gần 150 ca nCoV cộng đồng. Sau gần hai tuần phong tỏa, cụm dịch Tây An đã ghi nhận hơn 1.600 người dương tính với nCoV.
Dù số ca nhiễm thấp hơn đáng kể so với nhiều quốc gia khác, làn sóng lây lan ở Tây An đã đẩy số ca nhiễm của Trung Quốc trong tuần cuối năm 2021 lên mức cao nhất kể từ tháng 3/2020. Tây An, thành phố vốn là điểm du lịch hút khách, đón năm mới với những con đường vắng vẻ, các cửa hàng đóng cửa, các khu dân cư im lìm và một sân bay quạnh hiu.
Đây được đánh giá là lệnh phong tỏa lớn nhất và nghiêm ngặt nhất mà Trung Quốc từng áp dụng trong quá trình thực hiện chiến lược "Không Covid" suốt hai năm qua. Dù người Trung Quốc đã quen với lệnh phong tỏa, nó vẫn tạo ra tình cảnh hỗn loạn chưa từng có ở Tây An, khi người dân nói rằng họ bị thiếu thực phẩm cùng các loại nhu yếu phẩm khác, đồng thời khả năng tiếp cận dịch vụ y tế cũng bị hạn chế.
Nhiều quan chức Tây An đã bị kỷ luật, cách chức khi người dân thất vọng, bức xúc với cách xử lý dịch của chính quyền địa phương. Thực tế này cũng cho thấy những thách thức ngày càng tăng đối với chiến lược "không Covid" của Trung Quốc, vốn chủ yếu dựa vào xét nghiệm hàng loạt, cách ly diện rộng và phong tỏa cục bộ nhằm ngăn virus trỗi dậy.
Hai năm qua, các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt đã góp phần bảo vệ phần lớn Trung Quốc khỏi những đợt sóng tồi tệ nhất của đại dịch, qua đó nhận được ủng hộ mạnh mẽ từ đông đảo người dân. Nhưng khi các ổ dịch cấp tỉnh thành thỉnh thoảng bùng lên, làn sóng bất mãn của người dân với giới chức Tây An đặt ra câu hỏi liệu chiến lược "không Covid" sẽ còn có thể duy trì bao lâu nữa, khi hàng triệu người vẫn tiếp tục bị mắc kẹt trong những đợt phong tỏa dường như vô tận, trong lúc thế giới đang dần mở cửa và chấp nhận sống chung với virus.
Tuần qua, mạng xã hội Trung Quốc tràn ngập lời kêu cứu và tiếng nói giận dữ từ người Tây An. Cư dân đã kéo vào một buổi phát trực tiếp cuộc họp báo của chính quyền thành phố về Covid-19, yêu cầu cung cấp đủ nhu yếu phẩm, khiến các quan chức bối rối và phải khóa tất cả bình luận.
Trên mạng xã hội Weibo, hashtag "mua hàng tạp hóa ở Tây An thật khó khăn" đã được xem 380 triệu lần tính đến ngày 3/1. Nhiều người tỏ ra thất vọng vì đã không tích trữ lương thực từ trước, do tin lời trấn an từ chính quyền địa phương rằng họ vẫn duy trì được nguồn cung lương thực dồi dào và người dân không cần phải hoảng loạn mua sắm.
Trong những ngày đầu phong tỏa, mỗi hộ gia đình được phép đăng ký cho một người ra ngoài mua nhu yếu phẩm hai ngày một lần. Nhưng khi số ca nhiễm tiếp tục tăng, chính quyền Tây An thắt chặt hơn nữa các biện pháp kiểm soát, buộc tất cả người dân phải ở nhà, trừ khi đi xét nghiệm theo yêu cầu của nhân viên y tế.
"Trước đây, tôi nghĩ những người hoảng loạn mua hàng tích trữ thật ngu ngốc. Bây giờ, tôi nhận ra rằng chính mình mới là kẻ ngu ngốc", một tài khoản Weibo bình luận.
Đối mặt với nỗi bức xúc của công chúng, giới chức Tây An cam kết sẽ đảm bảo nguồn nhu yếu phẩm ổn định cho người dân. Truyền thông nhà nước liên tục phát hình ảnh thực phẩm được chuyển đến các khu dân cư. Dù tình trạng thiếu hụt nguồn cung thực phẩm đã giảm bớt ở một số khu vực, cư dân nhiều phường vẫn phàn nàn trên mạng xã hội rằng họ không nhận được nguồn hỗ trợ như vậy tại nơi mình sống.
Đối với không ít người Tây An, cái giá phải trả vì lệnh phong tỏa là quá cao. Tuần trước, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin về việc một số người đã tìm cách đi bộ, vượt quãng đường dài để rời khỏi Tây An khi lệnh phong tỏa chưa có hiệu lực.
Một người đàn ông đã từ sân bay Tây An đi bộ 100 km qua dãy núi Tần Lĩnh, tránh nhiều chốt kiểm soát chống dịch trên đường, trước khi bị phát hiện và đưa đi cách ly hôm 24/12, ngày thứ 8 của hành trình.
Một người khác đạp xe suốt 10 tiếng xuyên đêm trong điều kiện nhiệt độ gần như đóng băng để trở về quê sau khi biết Tây An sẽ phong tỏa vào ngày hôm sau. Anh ta bị đưa vào diện cách ly và bị phạt 200 nhân dân tệ (gần 31,5 USD).
Bất chấp những khó khăn, các quan chức Tây An, thủ phủ tỉnh Thiểm Tây, vẫn nhiều lần cam kết sẽ kiềm chế dịch bệnh bùng phát trong cộng đồng.
Bí thư tỉnh ủy Thiểm Tây Lưu Quốc Trung hôm 2/1 tuyên bố sẽ tiếp tục "nâng cao tinh thần, nâng cao 100% nhận thức về mục tiêu ngăn chặn, kiểm soát và cô lập, ưu tiên các biện pháp chống và kiểm soát dịch tại các phường và hướng tới đưa số ca nhiễm cộng đồng về 0 càng sớm càng tốt".
Nhằm cho thấy quyết tâm của chính quyền, giới chức Thiểm Tây đã cách chức bí thư quận Nhạn Tháp, một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đợt bùng phát vừa qua, cùng hàng loạt quan chức Tây An vì không thể kiểm soát dịch lây lan.
Bất chấp những ý kiến trái chiều và nỗi bức xúc trong dư luận địa phương, các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt ở Tây An dường như đang phát huy tác dụng. Hôm 2/1, số ca nhiễm hàng ngày ở thành phố này lần đầu tiên giảm sau một tuần, xuống còn 122 trường hợp. Số ca dương tính tiếp tục giảm vào ngày 3/1, xuống 90.
Nếu xu hướng này tiếp tục được duy trì, Tây An có thể sẽ ngăn chặn thành công ổ dịch trong vài tuần nữa, giống như các thành phố khác của Trung Quốc. Nhưng khi Covid-19 lây lan "như sóng thần" tại nhiều khu vực trên thế giới vì biến chủng Omicron, đây nhiều khả năng sẽ không phải đợt bùng phát cuối cùng ở Trung Quốc.
Sau Tây An, người dân các tỉnh thành khác của Trung Quốc có nguy cơ hứng chịu lệnh phong tỏa bất cứ lúc nào, dù chúng sẽ tiếp tục gây gián đoạn đáng kể cho cuộc sống thường ngày cũng như nền kinh tế địa phương và đẩy kiên nhẫn của người dân tới giới hạn, theo giới quan sát.
Dù vậy, Trung Quốc dường như vẫn kiên định với mục tiêu "Không Covid". Trong thông điệp khi tới thị sát Tây An hôm 29/12, Phó thủ tướng Trung Quốc Tôn Xuân Lan vẫn chỉ thị hành động quyết đoán hơn, như "tăng cường xét nghiệm PCR, phối hợp tốt hơn và nhanh chóng cách ly những ca nhiễm nguy cơ cao, cũng như chuẩn bị thiết lập thêm cơ sở cách ly" để đối phó ổ dịch "đầy thách thức".
Vũ Hoàng (Theo CNN)