Anh Nguyễn Văn Phúc, sinh năm 1993, là thủ khoa chương trình liên kết 1+1 bậc thạc sĩ, chuyên ngành Tài chính giữa Đại học Massey (New Zealand) và Đại học Kinh tế TP HCM.
Trong 2 năm, anh giành học bổng dành cho sinh viên đạt điểm tốt nghiệp cao nhất ở Đại học Kinh tế TP HCM trong năm đầu của chương trình liên kết bậc thạc sĩ, học bổng sinh viên quốc tế xuất sắc bậc thạc sĩ của Đại học Massey, học bổng tiến sĩ toàn phần của Đại học Massey và học bổng của Institute of Finance Professionals New Zealand.
Anh Phúc chia sẻ kinh nghiệm giành học bổng liên kết New Zealand.
![Anh Phúc hiện đang sống và làm việc tại New Zealand. Ảnh: Nhân vật cung cấp](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2021/04/20/DSC00302-9023-1618902489.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=K5ZEAygHXlvtQ8DLIqVuxg)
Anh Phúc hiện sống và làm việc tại New Zealand. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Thường xuyên cập nhật thông tin
Để không bỏ lỡ học bổng và yêu cầu cụ thể từng loại, bạn cần thường xuyên cập nhật thông tin. Ba nguồn tin hữu ích và miễn phí là website của hai trường (tại Việt Nam và New Zealand), người quản lý chương trình và anh chị khóa trên.
Ngoài ra, trong một số giai đoạn, thời điểm nhất định, các trường có thể hợp tác ngắn hạn với tổ chức, doanh nghiệp để trao học bổng cho sinh viên. Để không bỏ lỡ cơ hội này, bạn nên tham dự hội thảo về chương trình liên kết. Trong những sự kiện đó, ban tổ chức sẽ cung cấp thông tin về học bổng.
Xác định chiến lược học tập
Để giành học bổng liên kết, một trong những yếu tố quyết định là thành tích học tập. Hãy chủ động liên hệ với giảng viên từng môn và hỏi mình cần học như nào để được điểm cao. Lời khuyên từ thầy cô giúp bạn biết cách học phù hợp với từng môn, từ đó nâng cao hiệu quả học tập.
Khi học năm đầu thạc sĩ liên kết ngành Kinh tế tại Đại học Kinh tế TP HCM, để tập trung và hiểu sâu nội dung bài, mình ghi âm bài giảng của thầy cô. Khi nghe lại, mình có thể hình dung tổng thế, nhớ lâu và nhiều cảm hứng học tập hơn.
Ngoài ra, muốn đạt điểm cao, mình quan tâm đến nội dung giảng viên nhấn mạnh, nhắc nhiều lần. Ở phần cuối bài, thầy cô hay tóm gọn hoặc khái quát bài học. Đây là thông tin thường xuất hiện trong đề thi cuối kỳ nên mình ghi chép cẩn thận. Trong quá trình học, mình cũng thường xuyên trao đổi, hỏi giảng viên nếu chưa rõ về bất kỳ nội dung nào của bài học.
Trước kỳ thi, mình lên thư viện số để tải đề thi các năm trước về làm thử. Bình thường khi ôn tập, mình chỉ học theo chương nhưng việc làm đề giúp mình hệ thống và khái quát lại kiến thức, tư duy nhiều hơn.
Sau năm học thạc sĩ đầu tiên tại Việt Nam, mình đạt điểm học tập cao nhất khóa nên được Đại học Kinh tế TP HCM trao học bổng. Cũng chính nhờ thành tích này, Đại học Massey của New Zealand tiếp tục hỗ trợ mình học bổng dành cho sinh viên quốc tế xuất sắc. Như vậy, điểm lợi của chương trình liên kết là với kết quả học tập cao, bạn có thể cùng lúc giành học bổng của cả hai trường tại Việt Nam và New Zealand.
![Anh Phúc trải nghiệm nhảy dù từ độ cao 4.600 m ở đảo Bắc New Zealand. Ảnh: Nhân vật cung cấp](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2021/04/20/FB-IMG-1608152123658-6871-1618904262.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=bMYPS1Y8mebjyjd4Ee8APQ)
Anh Phúc trải nghiệm nhảy dù từ độ cao 4.600 m ở đảo Bắc New Zealand. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Ngoại ngữ
Thông thường, các chương trình liên kết yêu cầu trình độ ngoại ngữ đầu vào 5.5-6.5 IELTS, tùy trường và chương trình cụ thể, sau đó nâng lên một chút trước khi chuyển tiếp qua New Zealand. Với chương trình của mình, trước khi đạt học bổng, mình phải đảm bảo IELTS 6.5 và không kỹ năng nào dưới 6.
Dù mình đạt 7.5, khi sang New Zealand vẫn gặp khó khăn trong việc giao tiếp vì người bản địa nói ngắt chữ, âm sắc nặng và nhiều tiếng lóng. Để theo được chương trình, mình vẫn phải sử dụng cách cũ khi còn ở Việt Nam là thu âm, ghi hình (nếu được phép) bài giảng của giáo viên để nghe lại. Do đó, để đạt yêu cầu ngoại ngữ, bạn cũng nên có chiến lược học tiếng Anh từ sớm, đặc biệt là kỹ năng nói và viết để học tập, giao tiếp được thuận lợi hơn.
Đừng ngần ngại nộp hồ sơ
Nhiều sinh viên cảm thấy ngoại ngữ, thành tích học tập của bản thân chưa tốt sẽ do dự việc nộp hồ sơ vì lo không trúng tuyển, dẫn đến tình trạng "đứt gánh giữa đường". Theo mình, nếu đã đạt các tiêu chí, bạn không nên bỏ qua cơ hội giành một suất học bổng để trang trải học phí, giúp việc học tập tại New Zealand suôn sẻ hơn. Việc không ngần ngại nộp hồ sơ còn giúp bạn rèn sự chủ động tìm kiếm cơ hội và học hỏi được nhiều kinh nghiệm đáng quý.
Thanh Hằng ghi