Hồi đầu tháng 6, giữa lúc người dân tại các nước phát triển như Mỹ và châu Âu nô nức đăng ảnh đi tiêm vaccine Covid-19 lên mạng xã hội, nhiều người tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản nói đùa với nhau rằng họ có lẽ phải chờ đến Giáng sinh mới được tiêm.
Khi Olympic Mùa hè lúc đó sắp được khai mạc tại Tokyo vào ngày 23/7, chiến dịch tiêm chủng của Nhật vẫn diễn ra chậm chạp, dù nước này có khả năng tiếp cận nguồn cung vaccine dồi dào. Kết quả là đến cuối tháng 7, số ca nhiễm nCoV mới ở Tokyo và toàn nước Nhật liên tục lập kỷ lục với biến chủng Delta càn quét. Nước Nhật đứng trước vực thẳm Covid-19, khiến nhiều người không còn mặn mà với Olympic.
Tuy nhiên, tình hình hiện nay hoàn toàn đảo ngược. Số ca nhiễm mới mỗi ngày trên toàn quốc giảm mạnh từ mức kỷ lục gần 26.000, được ghi nhận vào ngày 20/8, xuống còn dưới 200 vài tuần gần đây. Ngày 7/11, lần đầu tiên trong vòng 15 tháng, Nhật Bản không ghi nhận ca tử vong mới nào.
Ngoài những yếu tố như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội, vốn đã trở thành thói quen ăn sâu trong xã hội Nhật Bản, cùng giả thuyết virus có thể đã "tự hủy" do tích lũy quá nhiều đột biến, nhiều học giả nhận định thành tựu tiêm chủng là một trong những nguyên nhân giúp ca nhiễm tại Nhật giảm thẳng đứng.
Không chỉ vượt qua thời kỳ hỗn loạn ban đầu trong chiến dịch tiêm chủng, Nhật giờ đây còn đạt tỷ lệ tiêm vaccine cao hàng đầu thế giới, với khoảng 76% dân số đã được tiêm đầy đủ.
Theo giới quan sát, Olympic chính là sự kiện tạo ra bước ngoặt. Hồi tháng 7, các cuộc biểu tình lớn được tổ chức nhằm yêu cầu giới chức hủy Olympic. Đông đảo người Nhật cảm thấy lo ngại đây sẽ trở thành sự kiện siêu lây nhiễm. Trước nguy cơ Olympic chịu tổn hại lớn, giới chức Nhật quyết tâm hành động để thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng, quân đội cũng được triển khai.
Hồi đầu tháng 7, trước thềm Olympic, Nhật tiêm được khoảng một triệu liều vaccine mỗi ngày. Tính đến cuối tháng đó, tỷ lệ tiêm chủng đã gia tăng đáng kể, với hơn 38% dân số được tiêm ít nhất một mũi.
Bên cạnh bước ngoặt về mặt hậu cần, yếu tố quan trọng gây ngạc nhiên là sự thay đổi thái độ của người Nhật đối với vaccine. Tâm lý ngần ngại vaccine ở Nhật vốn tồn tại hàng thập kỷ nay, sau những sự cố liên quan đến tiêm chủng làm lung lay niềm tin của công chúng. Đây cũng được cho là một trong các nguyên nhân khiến chiến dịch tiêm chủng Covid-19 ở Nhật khởi đầu chậm chạp.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng sự hỗn loạn ban đầu lại giúp ích. "Tình trạng thiếu hụt vaccine xuất hiện từ sớm, dẫn đến tâm lý lo ngại nguồn cung không đủ đáp ứng cầu, đặc biệt trong cộng đồng người cao tuổi", giáo sư Kenji Shibuya, giám đốc nghiên cứu tại Tổ chức Nghiên cứu Chính sách Tokyo, cho biết.
Theo Shibuya, nỗi lo không có vaccine để tiêm đã giúp đẩy mạnh tỷ lệ người dân đi tiêm chủng, nhất là nhóm người cao tuổi. Trước cảnh rất nhiều người cao tuổi ở các nước khác tử vong vì đại dịch, người dân Nhật đã đổ xô đi tiêm trước khi nguồn cung cạn kiệt. Hiện 95% người trên 80 tuổi tại Nhật đã tiêm vaccine Covid-19.
Khởi đầu chậm chạp còn đồng nghĩa với những người trẻ hơn phải chờ đợi, trong lúc chứng kiến hàng trăm triệu dân tại các nước khác được tiêm mà không ghi nhận tác dụng phụ nào đáng kể. Điều này khiến họ cảm thấy yên tâm về mức độ an toàn của vaccine và dần sẵn sàng đi tiêm.
Khác với Mỹ và châu Âu, chương trình tiêm chủng tại Nhật không chịu ảnh hưởng từ chính trị. "Ở đây không có tình trạng chính trị hóa. Tiêm chủng không bị liên hệ với quyền tự do cá nhân. Công chúng không quan tâm đến bất kỳ thuyết âm mưu nào", giáo sư Shibuya cho hay.
Tiêm chủng đóng vai trò vô cùng quan trọng với thành tựu chống dịch của Nhật Bản, nhưng không phải yếu tố duy nhất. Trước khi vaccine được triển khai, tỷ lệ tử vong vì Covid-19 tại Nhật vốn thấp hơn đáng kể so với Mỹ hoặc châu Âu. Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, tỷ lệ tử vong vì Covid-19 trên 100.000 người tại Mỹ và Nhật lần lượt là 233,8 và 14,52.
"Tỷ lệ tử vong tại Nhật thực sự rất thấp. Năm 2020, tuổi thọ của người Nhật thậm chí tăng lên, trong khi những quốc gia khác như Mỹ, Anh, Đức, Pháp đều giảm. Điều này vô cùng đặc biệt", giáo sư Testuo Fukawa, nhà xã hội học thuộc Viện Phúc lợi Tương lai ở Tokyo, cho biết.
Theo Fukawa, tỷ lệ tử vong vì Covid-19 thấp cùng tuổi thọ cao của Nhật Bản có thể liên quan đến tình trạng béo phì. "Người Nhật sống rất lâu, có khả năng nhờ thói quen ăn uống và tỷ lệ béo phì thấp", giáo sư nêu ý kiến. Chỉ 3,6% người Nhật bị xếp vào nhóm béo phì, gần như thấp nhất thế giới.
Tuy nhiên, Fukawa cho rằng xét trên cấp độ dân số, tỷ lệ béo phì không phải yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến tỷ lệ tử vong vì Covid-19. Ông đánh giá Nhật ghi nhận ít người chết hơn đơn giản bởi ít ca nhiễm hơn. Nói cách khác, nguy cơ tử vong vì Covid-19 ở Nhật tương tự châu Âu và Mỹ, nhưng nguy cơ nhiễm virus được cho là thấp hơn rất nhiều, dường như xuất phát từ thói quen của người dân.
Tại Anh, gần như không còn ai đeo khẩu trang trên đường phố, ngay cả trong không gian kín. Còn tại Nhật Bản, mọi người dân đều đeo khẩu trang, thậm chí ở công viên hay bãi biển. Người lái ôtô chỉ có một mình trong xe cũng đeo khẩu trang.
Nước rửa tay cũng được bố trí khắp nơi, từ cửa hàng tiện lợi, nhà vệ sinh công cộng, ga tàu, đến nhà hàng và quán cà phê. Trước khi chạm vào bất cứ ai hay bất cứ vật gì, người dân đều phải rửa tay.
Makoto Shimoaraiso, quan chức cấp cao chính phủ Nhật phụ trách nỗ lực ứng phó Covid-19, cho rằng yếu tố chủ yếu tạo nên thành công của Nhật trong cuộc chiến chống Covid-19 chính là thái độ của người dân.
Sau khi chứng kiến Covid-19 gây tang thương khắp thế giới, người dân Nhật đã gạt bỏ mọi hoài nghi về vaccine và tin tưởng vào thông điệp của chính quyền.
Kiyoshi Goto, một nhân viên về hưu, tuyên bố ông đang rất muốn được tiêm mũi tăng cường, khi nhìn thấy số ca nhiễm gia tăng đáng báo động ở châu Âu. "Tôi muốn tiêm mũi thứ ba, bởi nồng độ kháng thể của chúng tôi có thể suy giảm", người đàn ông 75 tuổi quả quyết.
Ánh Ngọc (Theo BBC/SFGates)