Sáng ngày 18/3/1969, tại Lầu Năm Góc, trong khi dùng bữa sáng, các nhà lãnh đạo quân sự Mỹ nghĩ ra một ý tưởng. Đến đầu giờ chiều, nó trở thành một quyết định.
"Ngày lịch sử. Chiến dịch bữa sáng của K. đã được thông qua lúc 2 giờ chiều. K. rất phấn khích. P. cũng thế", chánh văn phòng Nhà trắng Haldeman viết trong nhật ký của mình. K. là Bộ trưởng Ngoại giao Henry Kissinger, còn P. là President, Tổng thống Nixon. Họ đặt tên cho chiến dịch của mình là "Operation Breakfast" ("Bữa sáng") để nói về thời điểm nó được đưa ra.
Bữa sáng của Nixon
Trong đêm hôm đó, B52 được lệnh xuất kích từ Guam. Những phi công tin rằng mình sẽ ném bom một số địa điểm tại miền nam Việt Nam. Họ không biết rằng mình đang thực hiện một chiến dịch bí mật: một cuộc ném bom rải thảm lên đất Campuchia, nhằm ngăn chặn "ảnh hưởng của Bắc Việt". Nixon ý thức rất rõ sự nghiêm trọng của việc ném bom rải thảm một đất nước không tham chiến, và "Bữa sáng" của ông được thực hiện hoàn toàn trong bóng tối. Quốc hội và người dân Mỹ không hề hay biết.
Làng sát biên Prey Kdei là nơi những quả bom B52 đầu tiên rơi xuống đất Campuchia.
"To lắm", ai cũng nói, rồi dang hết tầm tay để mô tả những quả bom đã rơi xuống ngôi làng này. Họ không thể nhìn thấy máy bay ở độ cao 10 km đang rải thảm xuống làng, nhưng họ biết tên chúng. Đó là "bê năm hai". Họ gọi chúng bằng một cái tên tiếng Việt. Những chữ "bê năm hai" cứ pha trong những câu tiếng Khmer như là một bóng ma của cuộc chiến. "Thỉnh thoảng nằm mơ vẫn thấy tiếng máy bay", ông Mann Ran kể. Cha mẹ ông đã mất trong những trận bom ấy. Người em gái Mann Ran mất một cánh tay, được quân y Bắc Việt cứu sống.
"Bữa sáng" bí mật của Nixon được tiếp nối bằng một loạt các chiến dịch ném bom rải thảm vùng phía đông Campuchia. Chúng cũng được đặt tên theo các bữa ăn: Lunch (Bữa trưa), Dinner (Bữa tối), Dessert (Tráng miệng), Supper (Bữa lót dạ),... tụ lại thành một "Chiến dịch thực đơn" khổng lồ.
Trong vòng 4 năm từ 1969 đến 1973, Mỹ đã thả lên đất Campuchia 2,7 triệu tấn bom, nhiều hơn cả khối lượng bom mà toàn bộ phe Đồng Minh đã thả trong Thế chiến thứ hai, tính cả hai quả bom nguyên tử rơi xuống nước Nhật.
Nixon muốn bí mật sử dụng "Pháo đài bay" để tạo ra lợi thế trên bàn đàm phán Paris và thúc đẩy quá trình Việt Nam hóa chiến tranh. Và như hầu hết những cuộc ném bom rải thảm trong cuộc chiến, nó trở thành những cuộc tàn sát dân thường.
Quyết định sai lầm
"Bữa sáng" năm 1969 có thể coi là một quyết định sai lầm trong sự nghiệp chính trị của Nixon. Sau khi việc ném bom Campuchia bị lộ, tâm lý phản chiến lên cao hơn từ cả người dân và quốc hội. Cũng trong giai đoạn đó, vì lo sợ chiến dịch này bị lộ, Nixon đã tiến hành nghe trộm điện thoại của nhà báo, khởi đầu cho một chuỗi hành động phi pháp nhân danh an ninh quốc gia mà sau này khiến ông trở thành tổng thống Mỹ duy nhất trong lịch sử phải rời ghế giữa nhiệm kỳ.
Nước mắt và tình yêu
46 năm sau, nhiều người vẫn chưa quên nỗi kinh hoàng những ngày ấy. Chỉ nghe đến chữ "bom", bà vợ ông trưởng làng Hin Soun, dù không thực sự hiểu những vị khách đang muốn tìm hiểu gì, chỉ tay ra vườn. Ở đó có một cái ao nước đọng. Đó là một hố bom B52. Họ đã sống bên những cái ao như thế suốt mấy mươi năm qua.
Hơn 40 năm, nước mắt vẫn rơi trên mảnh đất Prey Kdei cằn cỗi này, khi nhớ về những chiếc "bê năm hai" ngày ấy. Nước mắt cứ trào ra trên mắt ông Chan Mith khi người ta hỏi về cha mẹ ông. 5 tuổi, ông mất cả cha lẫn mẹ, một mảnh thi hài để chôn cũng chẳng tìm thấy. Chẳng ai biết Chan Mith, và bao nhiêu đứa trẻ của vùng biên giới với Việt Nam này, đã làm thế nào để qua được những ngày tháng côi cút ấy mà tồn tại. Ông nói rằng đến bây giờ mình vẫn chưa kể hết cho con cái về những cái chết ngày ấy.
Làng Prey Kdei hôm nay vẫn nghèo, chỉ có cát trắng mịt mù và nắng gắt. Không có cả điện, nhà nào "giàu" nhất thì có tấm pin mặt trời để thắp sáng. Một trong những lý do khiến cho cả vùng giáp biên này nghèo là bởi đất đai của họ đầy những quả bom, không làm nông được. Chính phủ Campuchia cũng không đủ ngân sách để giải phóng số lượng bom khổng lồ mà người Mỹ đã ném xuống.
Chính bữa sáng đẫm máu của Nixon, chứ không phải biện pháp tuyên truyền nào, khiến cho những người nông dân chất phác ở phía tây biên giới này chọn phải hành động.
"Một phần vì Quốc vương Sihanouk kêu gọi, một phần vì khổ lắm, ăn bát cơm không ngon, nước mắt nước mũi cứ chảy ra, nghĩ đến bom sắp rơi xuống chẳng biết lúc nào", ông Hin Soun kể về lý do ông tham gia Mặt trận đoàn kết dân tộc Campuchia. Hỏi Hin Soun rằng cầm súng chiến đấu như thế, bây giờ có được đãi ngộ gì không, ông bảo, "không được gì, được mạng sống là cái quý nhất rồi".
Nhưng trong những cơn mưa bom ngày ấy, có cả tình yêu. Ông Chan Mith và bà Mann Phol, hai người đều mất cả cha lẫn mẹ trong những trận bom ấy, đã trở thành vợ chồng. Chàng trai và cô gái mồ côi đều rất nghèo. 20 năm cưới nhau, họ mới dựng được một túp nhà tranh, bây giờ cũng đã xiêu vẹo nhiều. Bà Mann Phal hơn ông Chan Mith đến 10 tuổi, lại mất một cánh tay vì bom, nhưng có lẽ sự đồng cảm về số phận đã đưa họ đến với nhau.
Làng Prey Kdei nghèo, nhưng không đói. Họ trồng sắn, như một ẩn dụ, bởi đó là loài cây của những mảnh đất cằn. Trưởng làng Hin Soun kể mỗi năm ông trồng sắn cũng được chừng 10 triệu riel (50 triệu đồng tiền Việt). Thế là đủ sống. Ở góc sân nhà Chan Mith, ông cũng đã đúc được chục cái cọc bê tông. Ông bảo, kiểu gì cũng có cái nhà sàn kiên cố để lại cho con.
"Bom đạn nhiều thế, sao không bỏ làng mà đi?", chúng tôi hỏi Hin Soun khi ngồi cạnh ông trong một hố bom cạnh ruộng sắn. "Vì yêu quê. Ở làng với nhau, có bom thì cùng chạy, hết bom lại quay về xây làng, gắn bó với nhau rồi", ông bảo. Bây giờ thanh niên trong làng cũng có nhiều người đi làm xa, sang cả Việt Nam, Thái Lan, "nhưng rồi chúng nó cũng quay về thôi, ở đây còn nhiều đất đai, nuôi được hết mọi người", ông nói chắc nịch, như một lời khẳng định chứ không phải ước mơ.
Đức Hoàng