Krauson, Ed Bickowski và Tom Dando, những cựu binh từng tham chiến ở Việt Nam, mới đây có cuộc hội ngộ tại Texas. Mỗi người mang đến nhiều câu chuyện khác nhau để chia sẻ nhưng tất cả đều có chung một ý niệm rằng họ nhiều lúc không muốn nhắc lại những gì đã xảy ra.
"Chúng tôi hầu như ngày nào cũng nghĩ đến những năm tháng chiến tranh Việt Nam", ông Dando nói, nhớ lại thời khắc trở về nước từ chiến trường.
"Khi đặt chân xuống sân bay, người ta ngay lập tức dồn chúng tôi vào một căn phòng nhỏ. Họ nói 'chúng tôi sẽ đưa các bạn tới xe buýt để rời phi trường. Hãy chuẩn bị tinh thần, sẽ có trứng và cà chua ném vào các bạn. Khi các bạn ra khỏi xe, dòng người biểu tình sẽ ùa tới'", ông Krauson, người từng phục vụ trong lực lượng An ninh Không quân Mỹ giai đoạn 1967-1968, thuật lại lời nhà chức trách nói với các binh sĩ khi vừa từ Việt Nam trở về nước.
Bickowski may mắn hơn khi không gặp những cuộc biểu tình vào thời điểm ông về nước năm 1969 nhưng ông không nhận được bất kỳ nghi lễ đón tiếp nào. Tất cả những gì Bickowski nhớ là ông bị "ngã dập mặt" lúc từ máy bay bước ra.
Theo Bickowski, ông và cả ba người bạn lính của mình đều có những mối liên hệ nhất định tới cuộc chiến tranh Việt Nam và cùng cảm thấy thất vọng khi trở về nước mà không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ, quan tâm nào từ chính quyền. Bickowski chỉ mới 20 tuổi vào năm 1967 khi đăng ký tới Việt Nam tham chiến.
Trải nghiệm của Dando lại không giống Bickowski hay Krauson và theo ông lý do là bởi như nhiều cựu binh Mỹ khác, ông một mình trở về quê hương. Trong suốt cuộc chiến tranh Việt Nam, việc những nam nữ quân nhân đơn độc về nước là chuyện hoàn toàn bình thường, ông cho biết thêm.
Dando sau đó theo học tại Đại học Kutztown và tham gia một số phong trào biểu tình phản chiến. Ông Macknis chỉ hai tháng sau khi trở về nhà cũng bắt đầu đi học tại Đại học Mansfield. "Ở ngôi trường của tôi, không có quá nhiều sinh viên biểu tình, khác xa những gì diễn ra ở California thời điểm đó", ông nói. Macknis từng là lính bộ binh ở chiến trường Việt Nam từ năm 1968 đến 1969. Còn Krauson cho hay ông phải mất hàng năm trời mới có thể cảm thấy mình được xã hội đón nhận sau khi trở về nước.
Giấc ngủ không tròn
Dando đến nay vẫn không thể quên cảm giác căng thẳng mà ông phải trải qua khi chiến đấu tại Việt Nam. "Tôi luôn thấy như mình có thể sẽ bị chết bất cứ lúc nào, thậm chí ngay trong từng bước đi", Dando hồi tưởng về ngày đầu tiên tới chiến trường.
"Và nhớ rằng bạn không thể bắt tàu, thuyền, máy bay hay bất cứ phương tiện nào khác để thoát khỏi đó", ông Macknis nói thêm.
Đối với Bickowski, điều ông nhớ nhất là việc ông không thể có nổi một giấc ngủ bình yên đúng nghĩa. "Bạn tưởng rằng mình đang ngủ nhưng lúc nào văng vẳng bên tai cũng là tiếng súng cối", ông miêu tả.
Vì thế, nhiều cựu binh Mỹ từ chiến trường Việt Nam trở về đã mắc hội chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD), theo Standard Speaker.
"Một lần, tôi cùng bạn gái tới Nhà hát Victoria ở thành phố Mahanoy. Khi tiếng còi điểm 19h cất lên, tôi vội vã chui xuống nấp dưới ghế. Bạn gái tôi hỏi 'Anh đang làm gì vậy' và tôi chỉ biết trả lời rằng 'Anh đang tìm tiền rơi'. Nhưng thật sự thì không phải như vậy", Bickowski lấy dẫn chứng để miêu tả về những ám ảnh mà ông cũng như nhiều cựu binh khác phải trải qua.
Bickowski giải thích hành động của ông là một phản ứng tự nhiên khi nghe thấy tiếng còi, hình thành trong quãng thời gian ông ở Việt Nam. Tiếng còi hú tại đây mang ý nghĩa "hãy tìm chỗ trú ẩn đi". "Những binh lính như chúng tôi ai cũng có một vài phản ứng bản năng như vậy. Trong quãng thời gian dài, tôi còn không cho phép bất kỳ ai đi sau lưng mình", ông cho biết thêm.
Theo Dando, nhiều năm kể từ sau khi họ trở về, vẫn rất ít người có thể thấu hiểu sự phiền não của những cựu binh. "Chẳng mấy ai cảm thông với nỗi khổ mà bạn phải trải qua. Người ta cứ nghĩ bạn như một đứa trẻ chỉ biết khóc nhè vậy", Dando kể.
"Nếu được phép nói điều gì với thế hệ ngày nay, tôi muốn họ biết rằng những thứ như hội chứng PTSD là có thật và chúng không tự nhiên biến mất chỉ vì bạn được trở về nhà", Dando nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Dando cũng cho hay ông hiện rất mừng vì đến nay ngày càng có nhiều người biết đến và hiểu về hội chứng mà ông cùng các cựu binh khác đã trải qua.
Trước đây, cả Macknis, Dando, Bickowski hay Krauson đều rất hiếm khi kể chuyện chiến tranh với những người chưa từng tới Việt Nam. "Chúng tôi thường chỉ nói chuyện với nhau bởi giữa chúng tôi có sự thấu hiểu", ông Bickowski nói.
Vũ Hoàng (theo Standard Speaker)