"Xung đột ở Ukraine sẽ diễn ra căng thẳng nhưng chỉ giới hạn ở lãnh thổ Ukraine, với hầu hết xảy ra dọc ranh giới với các khu vực ly khai", Carl Schuster, cựu giám đốc điều hành tại Trung tâm Tình báo Liên quân thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ và hiện là giảng viên Đại học Hawaii Pacific, Mỹ, nói với VnExpress.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm nay tuyên bố mở chiến dịch quân sự ở hai khu vực do phe ly khai ở Ukraine kiểm soát, nằm trong hai tỉnh Donetsk và Lugansk thuộc vùng Donbass. Tổng thống Mỹ Joe Biden và NATO cáo buộc Nga phát động "cuộc tấn công vô cớ, phi lý" gây thiệt hại về người và của cho Ukraine, đồng thời cảnh báo sẽ đáp trả.
Tuy nhiên, chuyên gia Schuster cho rằng "có rất ít hoặc thậm chí không có" khả năng đối đầu quân sự giữa Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Donbass. "Cả Mỹ và NATO đều không muốn chiến tranh với Nga", ông nói.
Quyết định tiến quân vào Ukraine được đưa ra chỉ vài ngày sau khi ông Putin ngày 21/2 duyệt sắc lệnh công nhận độc lập của hai khu vực ly khai, đồng thời ký hiệp ước hợp tác với lãnh đạo hai khu vực này.
Những động thái mới của ông Putin khiến nhiều người lo ngại đây chỉ là những bước khởi đầu cho kế hoạch lớn hơn, nhằm chặn đứng con đường gia nhập NATO và tìm lại ảnh hưởng của Liên Xô.
Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và hàng loạt nước khác đã áp lệnh trừng phạt với Nga, nhắm vào ngân hàng và giới tinh hoa nước này. Song chuyên gia Schuster cho rằng chỉ riêng các biện pháp trừng phạt khó có thể khiến ông Putin thay đổi ý định, nếu xung đột không dẫn đến thương vong lớn cho quân đội Nga.
Trong bài phát biểu bất ngờ trên truyền hình lúc 6h (10h giờ Hà Nội) về quyết định mở chiến dịch quân sự ở đông Ukraine, lãnh đạo Nga nói lực lượng Nga không có kế hoạch chiếm đóng Ukraine mà chỉ "phi quân sự hóa", nhưng Nga sẽ tự vệ nếu đó là lựa chọn duy nhất.
"Cỗ máy chiến tranh của NATO hỗ trợ 'Đức quốc xã mới' ở Ukraine đang di chuyển và áp sát biên giới Nga", Putin cho hay, thêm rằng các hành động của NATO đi ngược đạo đức và Nga không thể phát triển, cảm thấy an toàn hoặc tồn tại với những mối đe dọa thường xuyên từ Ukraine.
Dẫu căng thẳng ở Ukraine đang bị đẩy lên đỉnh điểm, chuyên gia Mỹ vẫn lạc quan về khả năng nối lại đàm phán ngoại giao. Ông cho rằng Putin sẽ nhất trí ngồi vào bàn đàm phán trong hai trường hợp: một là Tổng thống Nga tin đã đạt được các yêu cầu an ninh và hai là cuộc chiến tốn kém về chi phí, nhân lực vượt dự tính.
"Nếu những tổn thất và chi phí của chiến dịch quân sự ảnh hưởng tới vị thế của ông ở trong nước, Putin sẽ tìm kiếm lệnh ngừng bắn và rút quân khỏi các khu vực ở Ukraine", Schuster nhận định, thêm rằng một số cuộc đàm phán có thể bắt đầu vào mùa hè này.
Moskva từ lâu xem Ukraine là vùng đệm của NATO, liên minh được thành lập năm 1949 để chống lại Liên Xô. Putin nói xu hướng mở rộng phạm vi về phía đông châu Âu có thể phạm vào "lằn ranh đỏ" của ông. Lãnh đạo Nga cũng nhiều lần khẳng định một trong những điều kiện tháo ngòi nổ căng thẳng Ukraine là phương Tây phải đảm bảo chắc chắn Kiev không bao giờ gia nhập liên minh.
"Tôi vẫn nghĩ mục tiêu chính của Putin trong cuộc khủng hoảng Ukraine là thách thức NATO và để xem liệu liên minh có chùn bước hay không", tướng về hưu Martin Dempsey, cựu chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, nói.
Giới quan sát cho rằng Nga đang có nhiều đòn bẩy lợi thế trước phương Tây và một chiến dịch quân sự vào thời điểm này được cho là sẽ mang Kiev trở lại vòng ảnh hưởng của Moskva. Chuyên gia Schuster cho rằng những động thái quyết liệt của Putin đủ "thuyết phục" một số thành viên NATO phủ quyết tư cách thành viên của Ukraine.
"Kịch bản lạc quan nhất với Kiev hiện tại là cuộc xung đột kết thúc và quay lại hiện trạng trước khi khủng hoảng leo thang", Schuster nói.
Thanh Tâm