Sau nhiều tuần tập trung quân gần biên giới Ukraine và đấu tranh ngoại giao với phương Tây, Tổng thống Nga Vladimir Putin sáng nay tuyên bố mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở miền đông Ukraine. Kiev đã ban bố tình trạng khẩn cấp và nhiều tiếng nổ đã xuất hiện. Bộ Quốc phòng Nga sau đó tuyên bố tấn công các mục tiêu quân sự của Ukraine và phủ nhận dùng pháo binh tấn công thành phố của nước này.
Các chuyên gia chưa đồng thuận về điều gì đã thúc đẩy Nga thực hiện động thái này, nhưng có một số yếu tố tiềm năng. Dường như ông chủ Điện Kremlin tin rằng Nga đang có ưu thế chiến lược và quyết định đây là thời điểm tốt nhất để mở chiến dịch quân sự nhằm tối đa hóa lợi ích mà Nga có thể đạt được, bình luận viên Zeeshan Aleem từ MSNBC đánh giá.
Theo giới phân tích, nguyên nhân đầu tiên có lẽ bởi Nga đang cảm thấy bị đe dọa bởi đà mở rộng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và muốn vạch rõ "lằn ranh đỏ".
Hồi tháng 12 năm ngoái, Nga gửi một danh sách các yêu cầu an ninh cho Mỹ, kêu gọi NATO ngừng mở rộng về phía đông, chấm dứt hỗ trợ quân sự của phương Tây cho Ukraine và cấm triển khai tên lửa tầm trung ở châu Âu. Moskva đã đe dọa sử dụng vũ lực quân sự nếu các yêu cầu của họ không được đáp ứng.
Điều khiến Nga đặc biệt quan ngại là viễn cảnh Ukraine gia nhập NATO, một khả năng đã được Mỹ đưa ra trong nhiều năm nhưng không có mốc thời gian.
Anatol Lieven, chuyên gia cấp cao về Nga và châu Âu tại Viện Nghiên cứu Lập pháp có Trách nhiệm Quincy, ví khả năng đó giống như việc Mexico tham gia liên minh quân sự với Trung Quốc, một bước phát triển gây báo động mạnh cho Mỹ.
Đây là mối quan tâm của Nga từ rất lâu, trước cả thời kỳ Putin. Moskva lâu nay vẫn cảnh báo rằng chủ nghĩa bành trướng của NATO có thể gây ra chiến tranh.
"Kể từ khi NATO bắt đầu mở rộng vào giữa những năm 90, khi Nga có một chính phủ rất khác dưới thời Boris Yeltsin, các nhà bình luận và quan chức Nga đã phản đối hành động của NATO nhưng cũng cảnh báo rằng nếu xu hướng này tiếp tục đi xa hơn tới Gruzia và Ukraine, xung đột sẽ nổ ra và khả năng chiến tranh bùng phát là rất lớn. Họ đã nhắc lại điều đó hết lần này đến lần khác. Vì vậy, Putin không phải là mấu chốt vấn đề", Lieven cho hay.
Chính sách đối ngoại của Nga nói chung coi việc Ukraine gia nhập NATO là một mối đe dọa lớn và kiềm chế Ukraine về mặt quân sự là một cách tiềm năng để ngăn chặn khả năng này, giới quan sát nhận định.
Các nhà phân tích khu vực cũng chỉ ra rằng Moskva cũng có thể lo ngại về tâm lý chống Nga phát triển ngày càng tăng tại Ukraine trong những năm gần đây, tạo ra mối đe dọa đối với ảnh hưởng của Nga lên các nước láng giềng cũng như ổn định nội bộ của chính Nga.
Putin là một sĩ quan tình báo ở Đông Đức khi Liên Xô tan rã. Trải nghiệm đó có thể đã hình thành nhận thức của ông về các mối đe dọa từ những xu hướng chống Nga tiềm tàng hay từ các phong trào đường phố, những cuộc biểu tình, theo Anne Applebaum, nhà sử học kiêm bình luận viên tại tạp chí Atlantic.
Khi Putin nhìn vào Ukraine, ông dường như thấy một đất nước mà Nga có mối quan hệ lịch sử và văn hóa lâu đời đang chuyển dịch ra ngoài phạm vi ảnh hưởng của Nga.
Trên thực tế, Putin có thể cũng lo ngại về ảnh hưởng của Ukraine đối với Nga, như Peter Dickinson từ chương trình Ukraine Alert thuộc Hội đồng Đại Tây Dương đã viết hồi tháng 12/2021.
Đối với một thế hệ các lãnh đạo Nga từng sống trong thời kỳ Liên Xô tan rã, "sự trỗi dậy của Ukraine ở châu Âu có vẻ đáng ngại", Dickinson nhận xét.
Vì thế, Putin coi hành động can thiệp quân sự là một cơ hội để đưa Ukraine trở lại phạm vi ảnh hưởng của mình, theo Aleem.
Giá năng lượng đang tăng trên khắp thế giới, đặc biệt ở châu Âu, nơi nhiều quốc gia phụ thuộc rất lớn vào khí đốt tự nhiên của Nga. Các nhà phân tích cho rằng các biện pháp trừng phạt chống lại Nga có thể gây ra một cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu tương đương quy mô cuộc khủng hoảng dầu mỏ những năm 1970. Đây là lý do tại sao Đức do dự khi tham gia vào nỗ lực trừng phạt Nga.
Moskva hiểu rõ rằng phương Tây đang bị ràng buộc ở một mức độ nào đó đối với Nga, vậy nên nếu mở một chiến dịch quân sự lúc này, thiệt hại mà Nga phải chịu sẽ được hạn chế.
Dù Mỹ và hàng loạt nước đã bắt đầu áp đặt những biện pháp trừng phạt đối với các ngân hàng và "giới tinh hoa" Nga, giới chức ở Washington đến nay vẫn chưa thể thống nhất về cách chính phủ nên phản ứng với những động thái tiếp theo của Moskva, bởi các lệnh trừng phạt cũng đi kèm với những hệ quả của riêng chúng, Matthew Pauly, phó giáo sư lịch sử tại Đại học bang Michigan, nhận định.
Cách hiệu quả nhất để nhắm vào Nga bằng các lệnh trừng phạt là cắt nguồn cung cấp dầu và khí đốt tự nhiên từ nước này cho phương Tây. Nhưng điều đó có thể khiến giá cả tăng cao và gây tổn thương hơn cho người tiêu dùng. Giá dầu đã chạm mức cao nhất trong 8 năm và là động lực chính của lạm phát. Nó đang gây ra nhiều thiệt hại về mặt chính trị và các lãnh đạo phương Tây sẽ khó lòng ban hành những quyết định cứng rắn hơn với Nga, bình luận viên Christine Romans từ CNN cho hay.
Một yếu tố liên quan khác có thể là Nga đã nhận thấy rằng chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang dồn mọi tập trung vào cuộc đối đầu với Trung Quốc, khiến Washington có ít dư địa hơn để chống lại Moskva.
Dù vậy, liệu Putin có thành công với các mục tiêu của mình hay không hiện vẫn là câu hỏi khó trả lời.
Vũ Hoàng (Theo MSNBC)