Ngày 27/1, các nước thuộc Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) và nhà lãnh đạo doanh nghiệp đã tham gia cuộc họp thường niên được tổ chức trực tuyến. Họ tận dụng cơ hội này để thúc đẩy hợp tác toàn cầu chống Covid-19. Với hơn 100 triệu ca nhiễm, những nước phát triển tài trợ chương trình nghiên cứu vaccine đòi hỏi được ưu tiên khi nguồn cung hạn chế và việc giao hàng đang chậm trễ.
"Châu Âu đã đầu tư hàng tỷ USD giúp phát triển loại vaccine Covid-19 đầu tiên trên thế giới. Bây giờ, các công ty nên phân phối cho chúng tôi. Họ phải hoàn thành nghĩa vụ của mình", Ursula von der Leyen, chủ tịch Ủy ban Châu Âu, kiên quyết.
Ủy ban đang yêu cầu hãng dược AstraZeneca của Anh-Thụy Điển và công ty Pfizer của Mỹ trả lời về sự chậm trễ. Trước đó, hai đơn vị đều cam kết sẽ giao hàng cho châu Âu trong tháng này. Giới chức lo ngại các công ty đã bán một số liều vaccine ngoài luồng cho các bên trả giá cao hơn. Họ yêu cầu được thông tin về tất cả hoạt động xuất khẩu ngoài Liên minh Châu Âu.
Von der Leyen nhấn mạnh điều này trong bài phát biểu của mình. Bà nói: "Chúng tôi sẽ thiết lập cơ chế minh bạch xuất khẩu vaccine nhằm đảm bảo các công ty hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng đã ký kết với EU".
Bà Von der Leyen cũng cho biết châu Âu đã tìm cách đảm bảo nước thu nhập thấp vẫn tiếp cận được với các liều tiêm thông qua sáng kiến phân phối công bằng Covax, do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đồng dẫn đầu. Chương trình sẽ đảm bảo bảo hàng triệu liều vaccine cho các quốc gia đang phát triển. Đức cũng ủng hộ biện pháp kiểm soát xuất khẩu vaccine. Trong bài phát biểu ngày 26/1, Thủ tướng Angela Merkel kêu gọi phân phối công bằng.
![Ursula von der Leyen, chủ tịch Ủy ban Châu Âu. Ảnh: AFP](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2021/01/27/kjtyktyjtyjt-png-1611731400-2253-1611731503.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=0WMLkhd9ps5Kqm4RquNidQ)
Ursula von der Leyen, chủ tịch Ủy ban Châu Âu. Ảnh: AFP
Song những lời hứa hẹn này không làm yên lòng lãnh đạo các nước thu nhập thấp hơn. Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã chỉ trích "chủ nghĩa dân tộc vaccine", cho rằng quốc gia phát triển đã tích trữ sản phẩm với số lượng lớn, gây bất lợi cho những khu vực khác.
"Các nước giàu có trên thế giới đang nắm giữ vaccine. Chúng tôi muốn nói: hãy phân phối vaccine thừa mà các bạn đang tích trữ", ông phát biểu.
Lập luận của Tổng thống Ramaphosa tương đồng với lo ngại ngày càng tăng của nhiều bên, khi các thỏa thuận song phương của nước giàu với công ty sản xuất có thể đẩy giá vaccine lên cao và hạn chế nguồn cung ở một số khu vực. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo về chủ nghĩa dân tộc cực đoan và việc nâng giá từ năm ngoái, trước khi sản phẩm ra mắt.
"Rất dễ hiểu khi các quốc gia muốn bảo vệ công dân mình trước tiên, nhưng nếu có vaccine tiềm năng, chúng ta phải sử dụng một cách hiệu quả", Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu trong Hội đồng Y tế Thế giới tháng 10 năm ngoái. Ông cho biết cách tốt nhất để làm điều này là tiêm chủng cho người dân ở mọi quốc gia, thay vì mọi người dân ở một quốc gia.
"Để tôi nói rõ: chủ nghĩa dân tộc vaccine sẽ kéo dài đại dịch chứ không rút ngắn nó", ông nhận định.
Theo Seth Berkley của Liên minh Vaccine, do sự xuất hiện và lây lan nhanh chóng của các biến thể, nhiều quốc gia có thái độ hoảng loạn, nhu cầu tiêm chủng tăng cao hơn. Ông cho biết Liên minh sẽ bắt đầu cung cấp vaccine vào tháng 2, đặt mục tiêu phân phối 2 tỷ liều vào cuối năm 2021.
Các nhà dịch tễ học của Phòng Thương mại Quốc tế cho rằng ngay cả khi các nước giàu có chủng ngừa cho phần đông dân số, họ vẫn chịu tổn thất khoảng 200 tỷ đến 4,5 nghìn tỷ USD nếu quốc gia nghèo hơn không tiếp cận được vaccine, do sự phụ thuộc lẫn nhau của toàn cầu.
Thục Linh (Theo AFP)