9 người tử vong đều trên 75 tuổi, sống trong viện dưỡng lão và có bệnh mạn tính. Trong đó 3 trường hợp được báo cáo tại Trung tâm theo dõi dược phẩm ở Nancy, 2 ca ở Tours và Montpellier.
Cơ quan An toàn thuốc và Sản phẩm y tế Quốc gia Pháp (ANSM) cho biết: "Dựa trên thông tin chúng tôi hiện có, không có bằng chứng cho thấy vaccine là nguyên nhân gây tử vong". Ngay cả khi không có Covid-19, các cơ sở chăm sóc người già ghi nhận 465 người chết, hơn 1.000 người phải nhập viện mỗi ngày. Ngày càng nhiều người được tiêm phòng. Vì vậy trong nhóm này, xác suất tử vong sau khi tiêm cũng tăng lên, ngay cả khi vaccine không gây bất kỳ tác dụng phụ nào.
Bộ trưởng Y tế Olivier Véran nhận định 9 người này có thể đã chết mà không bị phản ứng với vaccine sau khi tiêm phòng. Ông nói: "Những cư dân ở viện dưỡng lão thường rất yếu, mắc nhiều bệnh tật và uống nhiều thuốc men. Cái chết của họ có thể không liên quan gì đến vaccine Covid-19. Trong quá trình theo dõi vaccine, các cơ quan y tế sẽ tiến hành nghiên cứu để xác định vaccine có liên hệ gì với khả năng gây tử vong, hay tất cả chỉ là một sự trùng hợp".
Đến nay, 71 người tử vong sau khi tiêm vaccine Covid-19 đã được ghi nhận tại Anh, Đức, Na Uy và Đan Mạch. Hầu hết là người trên 75 tuổi, già yếu và mang bệnh nền. Cơ quan Dược phẩm châu Âu khẳng định "vaccine không gây chết người".
Tại Pháp, 139 trường hợp gặp tác dụng phụ không mong muốn hoặc nghiêm trọng, kể từ khi bắt đầu chiến dịch tiêm chủng. Phần lớn là tác dụng phụ nhẹ như sốt, nhức đầu, buồn nôn. 22 trường hợp bị tác dụng phụ nặng hơn, trong đó có 4 ca loạn nhịp tim nhanh.
Hiện hơn 585.000 người ở Pháp đã được tiêm vaccine Pfizer-BioNTech. Chính phủ Pháp đặt mục tiêu tiêm vaccine Covid-19 cho một triệu người, đến ngày 26/1.
Mai Dung (Theo AFP, Connexion)