Ấn Độ bắt đầu mở cửa trở lại sau khi làn sóng Covid-19 thứ hai tàn phá đất nước vào tháng 4 và tháng 5, nhưng một số chuyên gia cảnh báo rằng làn sóng thứ ba có thể tấn công quốc gia này trong vòng 12-16 tuần tới.
Số ca trung bình hàng ngày ở Ấn Độ đã giảm xuống chỉ còn hơn 50.000 trong những ngày gần đây sau khi lên đến đỉnh điểm 400.000 vào tháng 5, phần lớn nhờ các bang đã phong tỏa chặt chẽ.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng nếu Ấn Độ lặp lại những sai lầm tương tự hồi đầu năm, như cho phép tổ chức các phiên chợ, mít tinh và lễ hội tôn giáo đông đúc, làn sóng Covid-19 thứ ba với các biến chủng nguy hiểm hơn là không thể tránh khỏi.
Chandrakant Lahariya, chuyên gia về chính sách công và hệ thống y tế, cho biết Ấn Độ một lần nữa đang ở giai đoạn nhạy cảm và cách giới chức cùng người dân nước này ứng phó với virus sẽ định đoạt làn sóng Covid-19 tiếp theo.
Ông nói rằng điều quan trọng là các bang phải mở cửa lại nền kinh tế dần dần. "Nếu chúng ta vội vàng mở lại và mọi người không tuân theo quy tắc phòng dịch, chúng ta sẽ chỉ giúp virus lây lan nhanh hơn". Ông khuyến cáo rằng các quy tắc an toàn cần được thực hiện theo diện "cục bộ hóa" tới từng khu vực cụ thể. Ví dụ, nếu một khu chợ hay doanh nghiệp không tuân thủ quy tắc phòng dịch, họ sẽ bị phạt.
Biến thể Delta là chủng trội trong làn sóng thứ hai ở Ấn Độ. Các chuyên gia tin rằng nhiều biến thể như vậy có thể xuất hiện trong làn sóng thứ ba, nếu virus vẫn có thể lây lan trong các cộng đồng dễ bị tổn thương.
Chính phủ Ấn Độ đã thông báo rằng biến thể mới, được đặt tên Delta Plus, là một "biến thể đáng lo ngại". Các chuyên gia y tế hiện không có đủ dữ liệu để nhận định nó có thể gây ra làn sóng thứ ba ở Ấn Độ, nhưng cảnh báo kịch bản "có thể thay đổi trong vòng vài tuần".
Nhà dịch tễ học Lalit Kant nói rằng nguy cơ biến chủng nCoV xóa tan mọi thành tựu chống dịch sẽ tồn tại chừng nào virus vẫn tiếp tục lây lan. Bởi vậy, năng lực giải trình tự gene để xác định các biến chủng được coi là một chìa khóa giúp ngăn chặn làn sóng thứ ba.
"Chúng ta cần tăng cường hơn nữa nỗ lực giải trình tự gene để xác định sớm các biến chủng nguy hiểm và áp dụng các biện pháp ngăn chặn", Kant nhấn mạnh.
Cho đến tháng 6, Ấn Độ đã giải trình tự gene 30.000 mẫu, nhưng các chuyên gia tin rằng họ cần phải làm nhiều hơn nữa. Tiến sĩ A Fathahudeen, người đã điều trị cho hàng nghìn bệnh nhân Covid-19, cho biết các loại vaccine hiện tại dường như có hiệu quả với những biến chủng mà thế giới đã biết đến, nhưng không có gì đảm bảo rằng chúng sẽ hiệu quả với biến chủng mới.
Ông tin rằng một làn sóng khác là điều không thể tránh khỏi nhưng "chúng ta có thể trì hoãn và ngăn chặn nó bằng các biện pháp thích hợp như giải trình tự gene, theo dõi các đột biến và thực thi nghiêm ngặt các quy tắc an toàn". "Nếu chúng ta không làm tất cả những điều này, làn sóng thứ ba có thể ập đến nhanh hơn tưởng tượng".
Mức độ nghiêm trọng của làn sóng thứ ba cũng phụ thuộc vào mức độ miễn dịch của người Ấn Độ thông qua tiêm chủng. Cả nước đã tiêm trung bình 3,25 triệu liều mỗi ngày từ 9/6 đến 22/6, nhưng họ cần đạt mức 8,5-9 triệu liều hàng ngày để đạt được mục tiêu tiêm chủng cho toàn bộ dân số đủ điều kiện vào cuối năm 2021. Chỉ hơn 4% người Ấn Độ được tiêm chủng đầy đủ và khoảng 18% đã được tiêm một liều.
Lahariya cho biết nếu tốc độ tiêm chủng không tăng lên, hàng triệu người vẫn dễ bị tổn thương, mặc dù người từng nhiễm nCoV cũng có khả năng miễn dịch.
Khó có thể xác định số người Ấn Độ đã nhiễm nCoV và phát triển kháng thể tự nhiên chống lại virus. Nhiều người ở các thành phố, thị trấn và làng mạc không được xét nghiệm và không có cách nào để biết liệu họ từng nhiễm hay không. Số ca tử vong vì Covid-19 được báo cáo cũng có thể ít hơn nhiều so với thực tế. Lahariya nói rằng số người có khả năng miễn dịch do từng nhiễm nCoV có thể chiếm 40-50% dân số.
Gautam Menon, giáo sư vật lý và sinh học tại Đại học Ashoka, đưa ra con số thậm chí còn cao hơn là khoảng 60-70%. Ông tự tin rằng Ấn Độ sẽ không phải hứng chịu thêm một làn sóng lây nhiễm nào có cường độ như làn sóng thứ hai.
Nhưng ông cảnh báo Ấn Độ không nên chủ quan. "Ngay cả khi một phần đáng kể dân số đã nhiễm nCoV, vẫn còn khoảng 20-30% chưa mắc, bao gồm cả những người cao tuổi hoặc suy giảm miễn dịch. Vì vậy, chúng ta nên tập trung vào việc giám sát để đảm bảo rằng bất kỳ sự gia tăng ca nhiễm nào đều được phát hiện nhanh chóng", ông nói.
Các chuyên gia nhất trí rằng mọi người không thể xem nhẹ nguy cơ vì Ấn Độ vẫn còn một bộ phận dân số dễ bị tổn thương và mối đe dọa từ các biến chủng vẫn còn tiềm ẩn. "Vì vậy, làn sóng thứ ba là không thể tránh khỏi, việc chúng ta có thể làm là trì hoãn và hạn chế tác động của nó", Fathahudeen nói.
"Hãy nghĩ đến những nhân viên y tế đã tham gia trận chiến này hơn một năm. Chúng tôi rất mệt mỏi, xin đừng mất cảnh giác. Tôi không chắc liệu chúng tôi có chống chịu qua được đợt thứ ba hay không", ông nói thêm.
Phương Vũ (Theo BBC)