Đối với một quốc gia khoảng 1,4 tỷ dân như Ấn Độ, chiến dịch tiêm chủng Covid-19 được đánh giá là thách thức khổng lồ, trong bối cảnh vùng dịch lớn thứ hai thế giới đã ghi nhận hơn 29,5 triệu ca nhiễm nCoV và hơn 377.000 người chết.
Chiến dịch có khởi đầu khá suôn sẻ khi vaccine bắt đầu được triển khai từ ngày 16/1, trước hết dành cho lực lượng tuyến đầu và những người trên 60 tuổi. Nhưng đến tháng 5, thời điểm chương trình tiêm chủng được mở rộng cho mọi đối tượng trên 18 tuổi, nguồn cung vaccine lại trở nên khan hiếm, giữa lúc nhu cầu tăng vọt vì làn sóng đại dịch thứ hai thảm khốc.
Tuy nhiên, bất chấp tình trạng thiếu hụt nguồn cung, một số vùng thành thị và dân cư thưa thớt vẫn tiến hành tốt công tác tiêm chủng, theo kết quả phân tích dữ liệu tại 729 địa phương ở Ấn Độ. Một trong số đó là huyện Mahe, thuộc vùng lãnh thổ Puducherry, nằm bên bờ biển phía tây nam đất nước.
Hồi tháng 2, Shivraj Meena được giao nhiệm vụ phụ trách công tác tiêm chủng Covid-19 tại Mahe, địa phương gồm khoảng 31.000 dân. Họ cần tiêm vaccine nhanh chóng khi làn sóng đại dịch thứ hai dường như sắp ập đến. Mặc dù vậy, Meena nhận thấy mọi người không yên tâm về mức độ an toàn của vaccine, đồng thời ngần ngại đến các trung tâm tiêm chủng vì sợ quá đông đúc.
Bên cạnh đó, điều kiện y tế tại huyện nhỏ bé chỉ rộng 9 km2 này khá hạn chế. Vì vậy, Meena đã lập ra một kế hoạch. "Tôi gọi các lãnh đạo chính trị, tôn giáo và già làng đến gặp mặt, nơi tôi giải thích về hiệu quả của vaccine và nói rằng các nhân viên tuyến đầu chỉ gặp những phản ứng không đáng kể sau khi tiêm", ông cho hay.
Meena sau đó thành lập 30 nhóm, bao gồm nhân viên y tế, y tá và giáo viên, đến từng hộ gia đình để tư vấn và giúp người dân đăng ký tiêm chủng. Chiến lược này thu về "quả ngọt", khi hơn 53% dân số Mahe đã được tiêm liều vaccine đầu tiên, trở thành huyện tiêm chủng tốt hàng đầu cả nước. "Bạn chỉ cần xác định vấn đề và tìm ra giải pháp phù hợp", Meena cho biết.
Ngược lại với Mahe là Nam Salmara Mankachar, huyện hẻo lánh tại bang Assam phía đông bắc đất nước, nơi có những ngôi làng phần lớn là người Hồi giáo làm nghề nông, giáp biên giới với Bangladesh. Đây bị coi là địa phương tiêm chủng ì ạch nhất, khi giới chức mới chỉ tiêm được cho 3% trong tổng số nửa triệu cư dân.
"Tôi nghe nói mọi người đã chết sau khi tiêm vaccine", Monowar Islam Mondal, một nông dân chưa tiêm chủng, cho hay, đồng thời cáo buộc có một âm mưu nhằm chống lại cộng đồng Hồi giáo.
Sau chiến dịch vận động gây chia rẽ nhắm vào những người di cư trái phép qua biên giới, bao gồm nhiều người Hồi giáo, đảng Bharatiya Janata (BJP) cầm quyền của Thủ tướng Narendra Modi đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử cấp bang tại Assam gần đây. Tuyên bố của Thủ hiến bang Assam Himanta Biswa Sarma, rằng BJP không cần phiếu bầu của người Hồi giáo, được trích dẫn rộng rãi trên truyền thông.
"BJP không ưa cộng đồng Hồi giáo thiểu số và tuyên bố sẽ đuổi chúng tôi khỏi Assam. Vậy tại sao bây giờ họ lại hào phóng tiêm vaccine miễn phí cho chúng tôi? Chúng tôi cảm thấy sợ hãi và nghi ngờ, nên không muốn tiêm", Mondal nói.
Nhiều người khác trong huyện Nam Salmara Mankachar cũng có cảm giác tương tự. Tuy nhiên, giới chức cho biết đây không phải lý do khiến tỷ lệ tiêm chủng thấp, mà chủ yếu do yếu tố địa lý. Người dân dường như không sẵn lòng di chuyển qua quãng đường dài gập ghềnh từ nhà đến trung tâm tiêm chủng.
Một bang khác vừa tổ chức bầu cử và báo cáo tỷ lệ tiêm chủng thấp là Tamil Nadu ở phía nam. Hầu hết các huyện tại đây mới tiêm vaccine Covid-19 cho 4-6% dân số. Tại Tiruvannamalai, một trong những huyện lớn nhất và cũng nghèo nhất bang, người dân cho biết các chính trị gia không đề cập nhiều tới đại dịch và tiêm chủng trong suốt mùa bầu cử.
"Bây giờ họ lên tiếng về chuyện này, nhưng hồi đó thì im lặng, như thể Covid-19 không tồn tại giữa lúc bầu cử", Saravanan, người bảo trì và sửa chữa cáp truyền hình, cho hay. Công việc của Saravanan đòi hỏi phải vào bên trong nhà người khác, nhưng anh vẫn chưa được tiêm vaccine và cũng không cảm thấy quá cấp thiết.
Những người khác bày tỏ lo sợ vaccine Covid-19, khi nghe tin một diễn viên nổi tiếng tử vong vài ngày sau khi tiêm. "Có một điểm tiêm chủng trong làng, nhưng mọi người sợ bởi diễn viên Vivek tử vong không lâu sau khi tiêm. Dù thế nào thì tôi cũng sẽ tiêm, nhưng vì không ra ngoài nhiều, tôi nghĩ có thể để sau này", một nông dân giấu tên nói.
Bác sĩ Ajitha, phó giám đốc phòng y tế huyện Tiruvannamalai, cho rằng diện tích và quy mô dân số địa phương lớn là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tiêm chủng thấp. "Chúng tôi đang chật vật với tình trạng tụt hậu, ngay cả trước cuộc bầu cử. Thái độ ngần ngại đối với vaccine của bộ phận lớn cư dân vùng nông thôn là thách thức lớn", Ajitha nói.
Trong khi đó tại Nam Delhi, một trong những quận giàu nhất và ít đông đúc nhất thủ đô, 43% trong 1,1 triệu dân đã được tiêm liều vaccine Covid-19 đầu tiên. Tình trạng thiếu nguồn cung vaccine khiến nhiều người phàn nàn rằng việc đăng ký tiêm chủng trực tuyến giống như chơi trò "ai nhanh tay nhất".
Mahima Gulati, cư dân quận Nam Delhi, là một trong số những người may mắn. "Chỉ mất vài phút thôi. Tôi đã đăng ký cho bản thân, anh trai và vài người bạn. Chúng tôi được tiêm tại điểm tiêm chủng của chính phủ chỉ cách nhà tôi 5 phút. Không có đám đông nào. Tất cả đều vô cùng có tổ chức và hệ thống", cô gái 27 tuổi cho biết.
Nam Delhi thậm chí có nhiều trung tâm tiêm chủng hơn cả những quận khác đông dân hơn. "Chúng tôi may mắn có những bệnh viện công và tư lớn, đủ khả năng nhanh chóng thiết lập thật nhiều điểm tiêm chủng. Người dân cũng đủ kiến thức và tìm kiếm vaccine ngay khi chúng được triển khai", Ankita Chakravarty, một quan chức tại quận Nam Delhi, giải thích.
Chakravarty đánh giá lợi thế lớn nhất của Nam Delhi là cơ sở hạ tầng y tế. "Đây không phải yếu tố có thể xây dựng chỉ trong một ngày. Đại dịch đang dạy tất cả chúng ta bài học đó", bà nói.
Ánh Ngọc (Theo BBC)