Trả lời:
Mầm bệnh uốn ván trú ẩn ở mọi nơi như đất, phân động vật, các dụng cụ gỉ sét như đinh, kim, dây thép gai. Chúng xâm nhập vào cơ thể thông qua các vết thương hở, trầy xước, bỏng... Bất kỳ vết thương nào cũng có nguy cơ lây nhiễm uốn ván. Do đó, quan niệm chỉ tiêm ngừa khi bị thương do đinh gỉ, dây thép... là sai lầm.
Hàng năm, Việt Nam vẫn ghi nhận các trường hợp mắc uốn ván. Bệnh nhân thường không chủng ngừa sau khi có vết thương hở hoặc đã tiêm nhưng thời gian quá dài, kháng thể từ lần tiêm chủng uốn ván trước đã giảm, không đủ bảo vệ cơ thể. Các trường hợp này thường nhập viện trong tình trạng nặng, điều trị khó khăn.
Với trường hợp của con bạn, vết thương do nhựa cắt cũng có thể là "cánh cửa" để vi khuẩn uốn ván xâm nhập vào cơ thể. Gia đình nên cho cháu tiêm ngừa uốn ván càng sớm càng tốt, không nên có tâm lý chủ quan, tự chăm sóc vết thương nhỏ, dằm, gai đâm.
Uốn ván là bệnh nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao song có thể phòng ngừa bằng vaccine. Để phòng bệnh cho con, các gia đình nên cho trẻ tiêm ngừa sớm, đúng, đủ phác đồ. Hiệu quả phòng bệnh của vaccine được chứng minh lên đến 95% nếu tiêm đủ liều, đúng lịch.
Nếu trước đó chưa chủng ngừa, trẻ có thể cần 3 mũi vaccine, trong đó mũi 2 cách mũi 1 một tháng, mũi 3 cách mũi 2 sáu tháng và nhắc lại mỗi 5-10 năm. Nếu đã tiêm dự phòng uốn ván đầy đủ, trẻ chỉ cần nhắc lại một liều vaccine khi có vết thương lớn, không cần tiêm huyết thanh kháng độc tố uốn ván hoặc globulin miễn dịch uốn ván (TIG).
Bác sĩ Phạm Hồng Thuyết
Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC