Huy là công nhân xí nghiệp ở Bình Dương, thường cùng các thanh niên trong xóm trọ tổ chức nhậu vào dịp cuối tuần. Đến cuối tuần trước (ngày 8/12), Huy xô xát với hàng xóm sau chầu rượu, bị cắn vào cẳng tay phải, vết thương chảy máu, in hằn dấu răng và dính đất cát, nước bọt.
Huy được sơ cứu, rửa vết thương, tuy nhiên vẫn không an tâm. Người hàng xóm xin lỗi, đưa anh tới VNVC để tiêm vaccine.
"Đây là lần đầu tiên tôi bị bạn nhậu cắn đến chảy máu, còn trước đây ít bị thương nên không nhớ rõ mũi tiêm cuối cùng vào thời điểm nào, vì vậy bác sĩ nói tôi phải chủng ngừa lại từ đầu với ba mũi cơ bản", anh Huy cho biết.
Đại diện VNVC cho biết cũng ghi nhận một vài trường hợp khác gặp tai nạn hy hữu trong sinh hoạt, phải chủng ngừa uốn ván. Anh Cao Trọng Tài (36 tuổi, ở TP HCM) là tài xế xe ôm công nghệ, bị sụp hố ga khi đang chờ khách, vết thương gần đầu gối sâu, chảy nhiều máu khiến anh đi lại khó khăn.
Lo nhiễm uốn ván, anh đi thẳng tới trạm y tế để chích ngừa. "Nhiều trạm báo hết vaccine nên người nhà đưa tôi đến VNVC để chích càng sớm càng tốt", anh nói.
Còn ông Trần Văn Trí (49 tuổi, ở huyện Hóc Môn, TP HCM) bị trượt tay khi đang chặt cây, con dao cắt vào mu bàn tay gây chảy máu. Ông cho biết không coi thường vết thương nhỏ do từng chứng kiến hàng xóm qua đời do nhiễm uốn ván từ vết thương do đá vào chân chống xe. Do đó, ông tới VNVC chủng ngừa chỉ 4 giờ sau khi bị thương.
Bác sĩ Hoa Tuấn Ngọc, Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết nỗi lo nhiễm uốn ván từ những vết thương nhỏ có cơ sở khoa học. Nha bào uốn ván tồn tại trong môi trường tự nhiên, lây nhiễm vào cơ thể con người thông qua các vết thương hở, không phân biệt vết thương lớn hay nhỏ. Mầm bệnh vẫn có thể hoạt động sau 5 năm tồn tại trong đất, kháng nhiều chất khử khuẩn, không chết khi bị đun sôi trong 20 phút.
Khi xâm nhập vào cơ thể, uốn ván phát triển thành ổ nhiễm trùng, gây ra các cơn co cứng cơ kèm theo đau, ví dụ co cứng cơ hàm, cơ mặt, cơ lưng... Nếu cơ hô hấp bị ảnh hưởng, gây ngưng thở, bệnh nhân có thể tử vong nhanh chóng.
Bệnh nhân nhiễm uốn ván dễ bộc phát các cơn co giật toàn thân khi bị kích thích bởi va chạm, ánh sáng chói, tiếng ồn... Tỷ lệ tử vong do uốn ván dao động từ 25-90%. Trẻ sơ sinh bị nhiễm uốn ván rốn từ kỳ sinh nở, tỷ lệ tử vong lên hơn 95%.
Sở Y tế Hà Nội thống kê 25 trường hợp mắc uốn ván tính đến ngày 2/12, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, 3 người đã tử vong. Ngành y tế ghi nhận nhiều trường hợp mắc uốn ván từ những vết thương trong sinh hoạt thường ngày và không được tiêm ngừa như bị que nhọn đâm vào mông, rạch mụn ở ngón chân hoặc tự ý thực hiện các thủ thuật y tế như cắt trĩ tại nhà, tự cắt dây rốn sau sinh tại nhà...
Do đó, các chuyên gia nhấn mạnh biện pháp tiêm chủng để phòng ngừa uốn ván. Người lớn nên dự phòng bệnh bằng cách tiêm ba liều cơ bản, sau đó tiêm nhắc mỗi 10 năm một lần. Trường hợp có vết thương lớn sau khi chủng ngừa đầy đủ trong 5-10 năm, chỉ cần một mũi tiêm, không cần huyết thanh.
Nếu khoảng cách từ liều tiêm cuối cùng đã quá 10 năm, người dân phải tiêm nhắc một mũi dù vết thương nhỏ, sạch. Đối với vết thương lớn, nguy cơ mắc bệnh cao, người dân cần một mũi vaccine, kết hợp huyết thanh kháng độc tố uốn ván.
Bác sĩ Ngọc cho biết thêm người làm việc ở môi trường dễ nhiễm bẩn như công nhân xây dựng, nhân viên vệ sinh môi trường, điều dưỡng, bác sĩ, nông dân chăn nuôi gia súc... nên tiêm phòng uốn ván sớm do đây là nhóm nguy cơ cao mắc bệnh. Nếu có vết thương, mọi người cần xử trí đúng, gồm: loại bỏ bụi bẩn, rửa bằng nước và cồn sát khuẩn, tránh băng kín vết thương, tạo môi trường yếm khí cho nha bào uốn ván sinh sôi và xâm nhập.
Nhật Linh
*Tên nhân vật Huy được thay đổi.