"Đôi khi thấy bạn bè đăng ảnh đi du lịch 'chữa lành' lên mạng xã hội, cũng khiến cho cơn FOMO của tôi trỗi dậy. Nhưng mà xem lại thực tại, tôi thấy mình cần tiền đầy túi hơn nên lại tìm cách bình tĩnh trở lại. Vậy là cảm giác cần được chữa lành lại không trở thành sự ưu tiên hàng đầu của tôi khi phải cân nhắc lựa chọn. Tuy nhiên, không phải bạn trẻ nào cũng làm được như vậy, nên dần hình thành một trào lưu chữa lành.
Các bạn quên mất rằng, có một công việc để nuôi sống mình, một cơ thể lành lặn, được sống trong một đất nước hòa bình, đã là một đặc ân to lớn đến nhường nào. Những phiền muộn còn lại chỉ như là hạt cát ngoài sa mạc mà thôi. Cứ đứng lên mà đi tiếp, bạn sẽ biết mình mạnh mẽ đến nhường nào, mà không cần phụ thuộc vào những thú vui bên ngoài để chữa lành nữa. Cách chữa lành tốt nhất cần đến từ trong chính con người bạn".
Đó là chia sẻ của độc giả Lynhule khi những hoạt động chữa lành (healing) ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt trong giới trẻ. Trên mạng xã hội TikTok, hashtag "chualanh" và "healing" liên tục nằm trong top 100 từ khóa được tìm kiếm và sử dụng nhiều nhất. Hàng trăm hội nhóm về chữa lành được lập trong vài năm gần đây thu hút rất đông thành viên tham gia, hưởng ứng. Nhiều bạn trẻ sẵn sàng chi hàng chục triệu đồng mỗi tháng cho các chuyến du lịch, các khóa thiền, các lớp học trải nghiệm dưới cái mác "chữa lành".
Nhấn mạnh những tác động tiêu cực từ mạng xã hội khiến tâm lý người trẻ bị ảnh hưởng, đẩy mạnh trào lưu chữa lành, bạn đọc Conyeubome bình luận: "Lúc nào cũng đổ tại cuộc sống thế này, thế kia nên tâm hồn của các bạn trẻ mới đầy vết xước. Nếu thật sự xung quanh bạn toàn những thứ tiêu cực thì tốt nhất bạn nên tránh xa nó ra hoặc nếu dũng cảm thì hãy đối đầu với nó, thay vì cứ than vãn tiêu cực.
Phần lớn người trẻ hiện tại quá lạm dụng hai từ 'chữa lành'. Nhiều người 'đu' theo trào lưu chỉ vì thấy bạn bè trên Facebook đua nhau đi chữa lành. Đi chữa lành tìm lại phút giây bình yên nhưng nhiều người cứ phải khoe cho cả mạng xã hội nghe thấy để thể hiện mình 'bắt trend', rồi lại hô hào người khác hãy như mình.
>> Ảo giác bình yên khi vợ nghiện đi chữa lành
Phải chăng thế hệ trẻ bây giờ quá sung sướng nên mức độ chịu đựng của họ đối với áp lực cuộc sống quá kém và hay đổ tại? Các bạn thích nghĩ cho bản thân nhiều hơn là những người xung quanh bởi vì tôn chỉ của rất nhiều người là 'hãy yêu bản thân mình'. Điều đó đúng nhưng không đủ trong một thế giới mà bạn không chỉ sống một mình và cho riêng mình".
Đồng quan điểm, độc giả Vân chỉ ra sai lầm của nhiều người trẻ khi chạy theo trào lưu chữa lành: "Nhiều người trẻ không biết là họ chẳng cần phải chữa lành gì cả. Cái họ cần là ít 'bắt trend' lại, ít thể hiện mình trên mạng xã hội, giảm mua sắm, chi tiêu những thứ vô bổ...
Nhiều người trẻ suốt ngày lên mạng xã hội, nhìn thấy có trào lưu gì mới cũng phải bắt chước ngay. Họ sẵn sàng chi một đống tiền vào mấy thứ vô bổ rồi sau đó lại than thở áp lực vì lương không đủ sống. Lúc nào các bạn cũng đòi phải sống thực với mình, rồi đẩy cái tôi của mình lên tận trời, bất chấp những người xung quanh.
Nhiều người muốn giàu nhanh, ghen tỵ khi nhìn xung quanh, lên Facebook thấy ai cũng thành công, đi du lịch, chụp hình sống ảo sang chảnh. Nhưng họ làm bao nhiêu lại tiêu hết bấy nhiêu, thậm chí tiêu trước trả nợ sau. Nhiều người muốn có sức khỏe và thân hình đẹp nhưng lại lười tập thể dục. Thật là một nghịch lý. Cơ thể chúng ta đa phần không cần chữa lành, chỉ cần bạn đừng nạp những thứ độc hại vào cơ thể là nó sẽ trở về nguyên vẹn thôi".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.
- 'Người 40 tuổi tiết kiệm từng đồng, nhiều Gen Z vay tiền chi tiêu tới bến'
- Gen Z như búp măng non trong 'thời buổi khó sống'
- Khó chiều những nhân viên Gen Z hay hờn dỗi, dễ nhảy việc
- Đồng nghiệp Gen Z kiếm tiền giỏi, tiêu xài lắm
- Tôi không thích lên mặt 'dạy đời' lớp trẻ
- 'Thật không may vì Gen Z vào đời đúng thời kinh tế khó khăn'