"Cách đây hai năm, vợ tôi tham gia một nhóm được gọi là 'Chữa lành tâm hồn'. Tôi theo dõi và cảm thấy những người này toàn tự huyễn hoặc bản thân theo kiểu đa cấp. Sau đó, tôi đã phải can thiệp và nghiêm cấm vợ dùng Facebook và theo dõi những thông tin vô bổ, có tính chất lừa đảo tương tự. Đúng là nhiều người rảnh rỗi sinh nông nổi, tìm đến các hình thức chữa lành như một ảo giác bình yên. Nếu ngày ấy tôi không can thiệp kịp thời thì chẳng biết về lâu dài vợ tôi còn lang thang ở tầng mây thứ mấy nữa".
Đó là chia sẻ của độc giả Văn Tài trước thực trạng nhiều người trẻ đổ xô đi chữa lành. Khái niệm chữa lành trở nên thông dụng từ đầu năm 2021 khi trải qua những mất mát vì dịch Covid-19 để lại. Chữa lành giúp hồi phục hồi, làm liền lại những thương tổn về cảm xúc, tinh thần, tâm trí, cơ thể... Tuy nhiên, ngày nay, nhiều người lạm dụng chữa lành một cách quá mức theo kiểu thương mại hóa. Nhiều người đã lợi dụng để kiếm tiền từ việc chữa lành.
Nhấn mạnh sai làm của nhiều bạn trẻ khi phó mặc cuộc đời cho những "chuyên gia chữa lành" tự xưng, bạn đọc Zany nhận định: "Healing (hay chữa lành) vốn là điều tốt, nhưng dường như càng ngày các bạn trẻ càng làm sai ý nghĩa của từ này. Tôi thấy nhiều bạn chỉ chạy theo trào lưu chữa lành, rồi mải mê chụp choẹt để đăng lên Facebook, chứ thực sự không biết có thực sự chữa lành được gì hay không? Thậm chí, nhiều bạn không nhận ra rằng ngay từ đầu mình đã chẳng có gì để mà phải chữa".
>> Người đang hạnh phúc không cần chứng minh trên mạng xã hội
Cảnh báo những hệ lụy tiêu cực từ trào lưu chữa lành có thể mang lại, độc giả Cass nêu ý kiến: "Tôi thấy giới trẻ ngày nay quá lợi dụng thuật ngữ 'chữa lành' trong khi chỉ hiểu sơ sơ về nó như 'làm gì đó để mang lại cảm giác bình yên'. Theo tôi tìm hiểu, chữa lành không dễ dàng là chỉ tham gia một khóa học hay đọc một cuốn sách, hoặc chỉ cần đi một chuyến du lịch là 'lành' hẳn ra.
Đó là một quá trình đẩy bạn vào sự hoài nghi về những giá trị cốt lõi của bản thân, đi qua hàng ngàn những suy nghĩ, nhìn nhận về chính mình trong các tình huống trong cuộc sống (cả trong quá khứ lẫn hiện tại), là quá trình đòi hỏi sự can đảm dám nhìn thẳng vào các sai lầm của quá khứ và chấp nhận chúng, là sự can đảm dám vượt qua bóng tối của tâm hồn mình, chấp nhận nó như một phần của bản thân và rút ra bài học để tiếp tục tiến lên.
Chỉ khi vượt qua được những điều đó thì chúng ta mới thực sự được 'chữa lành' và sống hết mình với bản thân và đối với cuộc đời này. Quá trình này có khi sống hết một đời người tôi còn chưa biết là có thể làm được hay không? Ấy vậy mà thuật ngữ 'chữa lành' ngày nay lại đang bị xem nhẹ".
Cùng chung suy nghĩ, bạn đọc Thịnh trần kết lại: "Mỗi tháng bỏ ra hơn chục triệu đồng để đi du lịch chữa lành, vị chi mỗi năm tốn hơn trăm triệu chỉ để làm chuyện vô nghĩa. Tôi không hiểu như vậy thì chữa lành cái gì? Thay vì vậy, sao các bạn không bớt du lịch lại, mà bỏ tiền đầu tư cho bản thân: học thêm ngoại ngữ, tập yoga, chơi thể thao, đầu tư chứng khoán, mua vàng, hay lo cho cha mẹ, người thân... Cứ sống kiểu 'mong manh dễ vỡ' rồi bám víu vào các hoạt động chữa lành, chắc chắn bạn sẽ không thể thấy mình khá lên".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.
- Gen Z như búp măng non trong 'thời buổi khó sống'
- Khó chiều những nhân viên Gen Z hay hờn dỗi, dễ nhảy việc
- Tôi không thích lên mặt 'dạy đời' lớp trẻ
- 'Thật không may vì Gen Z vào đời đúng thời kinh tế khó khăn'
- Ảo tưởng 'thời xưa dễ mua nhà' của những Gen Z luôn nghĩ mình khổ
- Tôn trọng người trẻ sống YOLO