Vừa rồi tôi tình cờ tìm được bài kiểm tra 15 phút môn Giáo dục công dân năm lớp 11, thấy câu hỏi "phân biệt giữa luật hình sự và tố tụng hình sự". Tôi viết câu trả lời đúng hết.
Nhưng thực tế, mãi đến khi đi học văn bằng hai đại học ngành luật, tôi mới hiểu về câu hỏi này. Ngày xưa viết đúng câu trả lời hết nhưng chỉ là học vẹt thôi.
Vì thế, tôi nghĩ môn Giáo dục công dân nên dạy về các phép lịch sự cơ bản; một số kỹ năng thoát hiểm, cấp cứu; bảo vệ môi trường, vật nuôi; tuân thủ một số luật gần gũi trong cuộc sống như luật giao thông (đi đúng đường); nêu ra một số hành vi tưởng vô hại nhưng hóa ra là tội hình sự (gây thương tích, xúi giục tự tử, bôi nhọ trên mạng...) chứ không nên học kiến trúc thượng tầng hạ tầng, điểm khác nhau giữa các bộ luật...
Về các môn tự nhiên, tôi thấy các môn như Toán, Lý, Hóa có thể tham khảo giáo trình các nước phát triển để dạy cơ bản. Các môn Địa, Văn, Sử, Giáo dục công dân thì tự làm sách. Ngoại ngữ thì mua hẳn chương trình nước ngoài luôn. Nếu cứ loay hoay hai, ba năm đổi sách giáo khoa một lần thì rất bất cập.
Trong hàng triệu học sinh phổ thông, chúng ta chỉ cần 0,1% trong đó trở thành nhà khoa học, nhà phát minh, 10% trở thành chuyên gia, còn lại làm nhân viên, làm thợ...
Thay vì tập trung đào tạo cho 0,1% thì ta đi đào tạo 100% theo kiểu nhà phát minh. Vừa lãng phí nguồn lực, gây áp lực nặng nề để rồi 99,9% không nhớ gì về đạo hàm, tích phân.
Cái cần làm là chọn 0,1% hay 10% rồi đào tạo chuyên sâu, chứ không cần đào tạo 100% rồi chọn 10%.
Sharon
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.