Tác phẩm của Vũ Đình Long tái ngộ khán giả Hà Nội nhân kỷ niệm 100 năm sân khấu kịch nói. Đạo diễn Bùi Như Lai - người phục dựng kịch - cho biết nghiên cứu tác phẩm nhiều năm qua. Vở ra mắt năm 1921, mới chỉ được dựng lại một lần vào năm 1923 ở Vinh (Nghệ An). Bùi Như Lai cho rằng việc để Chén thuốc độc "ngủ yên" suốt 100 năm có phần trách nhiệm của những người làm nghề như anh. Trong 20 ngày, êkíp - gồm nghệ sĩ từ nhiều nhà hát - chung tay dựng lại vở, tái hiện mốc quan trọng của kịch nói.
Sự trở lại của tác phẩm gây chú ý với giới văn học - nghệ thuật. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nói giá trị của Chén thuốc độc nằm ở tính tiên phong. Trước đó, Việt Nam không có kịch nói, chỉ có kịch hát (tuồng, chèo, cải lương). Tháng 4/1920, vở Người bệnh tưởng của Moliere do Nguyễn Văn Vĩnh dịch được công diễn ở Hà Nội, tạo tiếng vang. Ông Vũ Đình Long lúc ấy băn khoăn về việc người Việt mặc quần áo đóng giả người Pháp, diễn kịch Pháp cho người Việt xem.
Theo các tài liệu nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên thu thập được, tháng 9/1921, kịch bản Chén thuốc độc ra đời, được in trên hai số của tạp chí Hữu Thanh. Chỉ trong vòng một tháng, ban kịch dựng vở thành công. Tạp chí mô tả buổi diễn khi ấy náo nhiệt, khiến khán giả thích thú, bất ngờ. Ông Nguyễn Đình Kao - người vào vai thầy thông Thu - được khen đóng tự nhiên. Sau buổi công diễn, ban kịch còn biểu diễn thêm một số buổi ở Hải Phòng, Nam Định. Một dịch giả Pháp - ông G. Cordier - đã dịch Chén thuốc độc sang tiếng Pháp, in trong tập kỷ yếu của Hội Trí Tri (một hội học thuật ở Việt Nam thời bấy giờ).
Ông Phạm Xuân Nguyên nhận xét: "Ở tuổi 25, Vũ Đình Long đã có cái nhìn sâu sắc về đời sống xã hội đương thời. Ông lên án mạnh mẽ mặt trái của thú chơi cô đầu, hầu đồng, xem bói, nghiện ngập rượu chè, đồng thời bàn về trách nhiệm của mỗi cá nhân với hạnh phúc gia đình. Tính châm biếm, đả kích, tình huống kịch đều đặc sắc. Sau 100 năm, những thông điệp ấy vẫn còn nguyên giá trị. Có thể nói, với Chén thuốc độc ông Vũ Đình Long đã góp công lớn xây dựng nền móng kịch nói, là người vén tấm màn nhung của sân khấu kịch".
Việc công diễn Chén thuốc độc mở ra xu hướng thưởng thức mới của khán giả thời đó, họ thích xem kịch liên quan đến đất nước hơn kịch Tây. Sau đó, phong trào phóng tác tác phẩm nước ngoài nở rộ. Ông Vũ Đình Long đã Việt hóa vở L’Aventurière của Émile Augier thành Công tôn nữ Ngọc Dung (1947), Horace của Pierre Corneille thành Tổ quốc trên hết, Le légataire universel của Jean-François Regnard thành Gia tài. Ông quan niệm Việt hóa là cố gắng giữ nhiều cái hay cái đẹp của kịch bản gốc, biến tác phẩm của họ thành vở kịch Việt Nam gần gũi. Các kịch bản thuần Việt cũng ra đời.
Phục dựng vở kinh điển, Bùi Như Lai cho biết anh đưa vào tinh thần hiện đại bằng cách đẩy cao mâu thuẫn, cao trào. Bi kịch của gia đình thầy thông Thu - một trí thức trung lưu thời Âu hóa, sa vào cảnh bần hàn, nợ nần vì nhiều thói hư tật xấu, được khắc họa đậm nét hơn. Biên kịch Hoàng Thanh Du nhận xét đạo diễn Bùi Như Lai đã tạo thêm đất diễn, khiến các nhân vật từ 100 năm trước hiện lên sinh động. Mỗi nghệ sĩ đều làm chủ sân khấu dù kịch bản gồm nhiều câu thoại cổ, dài, khó nắm bắt.
Trong vai thầy thông Thu, nghệ sĩ Trịnh Mai Nguyên diễn tả nhiều cung bậc cảm xúc của một trí thức lỡ sa ngã. Phần đầu vở, nhân vật xuất hiện với bộ dạng lè nhè, nát rượu, vung tiền như rác. Khi đối diện cảnh nợ nần, thầy thông Thu tỉnh ngộ, xót xa. Nhân vật giữ chí khí của một kẻ sĩ, định uống thuốc độc tự tử. Vai mẹ thầy thông Thu của nghệ sĩ Lê Khanh có nhiều đất diễn hơn so với vở kịch gốc. Nhân vật xuất hiện từ đầu đến gần cuối trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê vì cuồng tín. Cô em gái do Việt Hoa đóng tạo thiện cảm trong cảnh cô đơn khi thất tình, không được gia đình quan tâm. Vở kịch tạo tiếng cười qua một số nhân vật như anh chàng nói ngọng - người yêu em gái thầy thông Thu, hai tên môi giới cô đầu.
Đạo diễn cho biết cái khó của êkíp là không có tư liệu, hình ảnh gì khác ngoài tập kịch bản gốc. Họ tự sáng tạo phục trang, sân khấu. Ngoài ra, thay vì đả kích mạnh mẽ việc nghe ả đào, hầu đồng như kịch bản gốc, Bùi Như Lai lên án một số cá nhân làm biến tướng các nét văn hóa này.
Anh nói: "Tôi nghĩ việc cải biên như vậy phù hợp tinh thần thời đại, khi ca trù, tín ngưỡng thờ mẫu đã được công nhận là nét đẹp văn hóa phi vật thể cần gìn giữ". Ngoài ra, anh kết hợp âm nhạc truyền thống Việt Nam với giao hưởng phương Tây trong một số phân đoạn, thể hiện sự giao thoa văn hóa trong bối cảnh vở kịch.
Theo nhà văn Trương Quý, điều đáng tiếc là nhân vật người ở - thằng Quýt - không xuất hiện. Trong kịch bản gốc, Vũ Đình Long từng ghi chú: "Nhân vật sắm vai này phải cử động thật khéo, không những để cho vui trò, cho buồn cười mà cốt phải có điệu bộ làm cho lời nói của các vai khác nổi bật". Ngoài ra, đạo diễn dành đất cho các màn hát chầu văn, lên đồng nhiều.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên hụt hẫng vì phần kết tác phẩm bị thay đổi. Theo vở kịch gốc, khi thầy thông Thu định uống thuốc độc tự tử, ông bất ngờ nhận được điện gửi tiền của người em mất tung tích lâu ngày. Cả gia đình nhờ vậy thoát nợ nần, tỉnh ngộ, làm lại cuộc đời. Ông Nguyên nói: "Đây là cái kết nhuốm màu cổ tích, phản ánh đúng tinh thần hướng về những điều tốt đẹp của người Việt. Tuy nhiên, trong bản phục dựng, điều kỳ diệu không xảy ra, chỉ có thầy Xuân - bạn thầy Thu - đến giảng giải đạo lý".
Hà Thu