- Vào vai ông Khang, anh đón nhận phản ứng thế nào từ khán giả?
- Sáu năm rồi tôi mới đóng phim truyền hình vì bận công tác ở Nhà hát Kịch Việt Nam, lại học thêm đạo diễn. Trước đây, tôi thường nhập vai phản diện, bị khán giả ghét. Đóng ông Khang, tôi rất vui khi nhiều người nhắn tin khen vai diễn hay, đặt biệt danh "ông bố quốc dân". Ông Khang là nhân vật rất chân thật, đời thường, ông sống tình cảm, yêu mẹ, thương vợ nhưng không tránh khỏi những lúc thiên vị đấng sinh thành, từ đó dẫn đến nhiều bi kịch.
- Ngoài đời, anh là người bố, người chồng thế nào?
- Trong gia đình, tôi cố gắng giữ sự điềm tĩnh, trầm ổn, nói không với bạo lực. Trong phim, ông Khang tát vợ trước mặt mẹ, các con. Tôi nghĩ người đàn ông nên kiềm chế, khéo léo hơn.
Mỗi cặp vợ chồng nên đưa ra những quy tắc dựa trên sự đồng thuận. Chẳng hạn, khi mới lấy nhau, tôi nói với vợ: "Khi anh đi diễn về muộn hoặc uống rượu, chúng ta sẽ không nói chuyện, không gây hấn với nhau". Thỉnh thoảng, vợ tôi thắc mắc: "Bọn anh làm gì mà ngồi nhậu đến 4, 5 giờ sáng được". Thế là tôi đưa cô ấy đi cùng vài lần. Cô ấy biết chúng tôi hay dông dài chuyện nghề nên từ đó yên tâm.
Với con cái, tôi để các cháu tự do phát triển, không áp đặt. Ví dụ, khi con trai lớn thi đại học, gia đình muốn cháu học ngành dược nhưng gần kỳ thi, cháu lại chuyển sang ngành kiến trúc. Tôi ủng hộ vì muốn con học được cách chịu trách nhiệm với mỗi quyết định của mình.
- Anh làm thế nào để cân bằng mối quan hệ mẹ chồng, nàng dâu?
- Đó là một việc cực kỳ khó với mỗi gia đình. Nhiều người đàn ông thành đạt, giỏi giang nhưng cũng chẳng "tề gia" được, dẫn đến nhiều bi kịch. Tôi nghĩ người đàn ông phải ở giữa, chủ động kết nối. Giống như chiếc trụ bập bênh, người chồng không nên nghiêng về bất cứ bên nào, dẫn đến mất cân bằng.
Vợ tôi là người gốc Quảng Ngãi, học ở TP HCM. Khi đến với nhau, chúng tôi cũng gặp nhiều trục trặc vì khoảng cách xa xôi, khiến hai gia đình lo lắng. Lúc về làm dâu, vợ tôi cũng bỡ ngỡ vì khác biệt văn hóa vùng miền. Tôi ở giữa giải thích với vợ những lễ giáo miền Bắc, đồng thời nói với mẹ về tập tục miền Trung. Vợ tôi có ưu điểm là thẳng thắn, chân thành, vậy nên sau khi chung sống một thời gian với gia đình chồng, cô ấy được mọi người thấu hiểu.
- Anh lấy cảm xúc từ đâu để nhập vai?
- Tôi nghĩ đến mẹ mình, bởi đó là ví dụ sinh động, gần gũi nhất. Bà có nét tương đồng bà Dần trong phim, đều là những phụ nữ hy sinh hết mình vì gia đình. Khi đang là hiệu phó của một trường cấp hai ở Thanh Hóa, mẹ tôi bỏ nghề, theo chồng ra Hà Nội, mở cửa hàng bán cháo, đồ ăn vặt. Bà bán hàng trước cổng Đại học Sư phạm, ngày ngày nhìn giáo viên đi dạy, sinh viên lên giảng đường, vô cùng tủi thân, chạnh lòng. Bà không bao giờ nói với chúng tôi về nỗi buồn ấy nhưng các con đều cảm nhận được, rất thương bà. Bố tôi - nhà thơ Trịnh Thanh Sơn - từng đưa chuyện này vào thơ, ông viết: "Nhà chỉ có một quán thu nhưng ba quán chi", "ba quán chi" ấy là ông chồng và hai đứa con đang ở tuổi ăn, tuổi học.
Tôi nhớ nhất hai lần bà ốm "thập tử nhất sinh", đều vì nhiễm trùng máu. Lần đầu tiên bà cấp cứu, tôi mới học lớp hai. Lần thứ hai, tôi khi đó là sinh viên, ôm mẹ trên xích lô từ nhà ra viện, còn bố lóc cóc đạp xe theo sau. Cảm xúc trên đường đi lúc ấy thực sự kinh khủng, tràn ngập sự sợ hãi, mất mát.
- Anh chịu ảnh hưởng thế nào từ mẹ trong đời sống?
- Tôi nhận được từ mẹ bài học về tình thân. Bà luôn tâm niệm: hãy yêu thương, quan tâm mọi người hết mình mà không cần được đáp trả. Khi lấy bố, mẹ xác định người thân của bố sẽ là gia đình của mình. Bà quan tâm ông bà nội, các chú, thành viên trong họ như ruột thịt nên rất được lòng mọi người.
Khi bố tôi qua đời năm 2007, bà suy sụp đến 4-5 năm, lại trải qua hai lần tai biến nên sức khỏe yếu đi nhiều. Giờ tinh thần bà ổn định hơn. Mỗi cuối tuần trước giãn cách, bà vẫn tự chọn mua từng món ăn, mang sang nhà tôi để nấu nướng cho con, cháu.
- Trong 30 năm sự nghiệp, những vai diễn nào trên phim ảnh và sân khấu khiến anh tâm đắc?
- Với sân khấu, tôi có nhiều vai đáng nhớ, điển hình như Chủ tịch Khang trong vở kịch đề tài hậu chiến - Đi tìm điều không mất. Lúc ấy, tôi mới ngoài 20 tuổi nhưng hóa thân ông chủ tịch huyện trung niên, đóng cùng các nghệ sĩ như Quế Hằng, Đình Chiến, Phú Đôn, được mọi người khen nhập vai tốt. Bốn năm trước, tôi đóng vai chính vở Lão hà tiện của Molière. Nhân vật xuất hiện xuyên suốt, thoại nhiều đi kèm các động tác hình thể, di chuyển liên tục. Tôi có ba bộ đồ diễn để thay trong lúc chuyển cảnh vì mồ hôi ra ướt đẫm. Tập và biểu diễn xong vai đó, tôi gầy đi 10 kg. Với phim truyền hình, tôi thích vai phản diện - nhà báo Hoàng Tân trong series Khi đàn chim trở về.
- Anh có dự định gì trong thời gian tới?
- Hiện tại, công việc ở Nhà hát Kịch Việt Nam của tôi "đóng băng" vì dịch. Chúng tôi đã tập xong hai vở mới nhưng vẫn chưa thể tổng duyệt, ra mắt. Tôi chỉ mong cuộc sống trở lại bình thường, có nhiều thời gian tiếp tục cống hiến cho sân khấu.
Hà Thu