Các nghệ sĩ tổ chức tọa đàm Làm gì để giữ "lửa" khi sống chung với Covid-19, dự kiến phát sóng hôm 26/10 trên fanpage Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM. Ngoài ba gương mặt gạo cội, sự kiện còn có sự tham gia của nghệ sĩ Ca Lê Hồng, Thành Hội, Trịnh Kim Chi, Mỹ Uyên, tác giả Trần Văn Hưng, tác giả Nguyễn Anh Kiệt, đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn...
Các nghệ sĩ thảo luận về cách sân khấu kịch thích ứng an toàn với đại dịch. Theo bà "bầu" Kim Cương, mỗi sân khấu phải là một thương hiệu, phong cách, mang lại những tác phẩm mang tính đối thoại, phản biện nhưng vẫn đầy chất phóng khoáng của người Sài Gòn. Bà nói: "Đam mê nghệ sĩ đều sẵn có trong máu, chạm đúng quỹ đạo sẽ bừng sáng". Thành Lộc cho rằng ba mũi nhọn cần tập trung là kịch bản, công tác đạo diễn và tiếp cận khán giả. Anh nói: "Điều công chúng mong mỏi nhất lúc này là sân khấu có thể mang đến những khác biệt gì với người xem".
Các nghệ sĩ cũng bàn về những yêu cầu kiểm soát an toàn dịch bệnh, trong đó có việc giới hạn số khán giả khi TP HCM cho phép sàn diễn sáng đèn. Nghệ sĩ Trần Minh Ngọc mong sân khấu tư nhân được cơ quan quản lý quan tâm, hỗ trợ trong việc đặt hàng sáng tác, quảng bá, dàn dựng tác phẩm... Nghệ sĩ Trần Ngọc Giàu - chủ tịch Hội sân khấu TP HCM - cho rằng chiếu sản phẩm online là giải pháp tình thế, giúp khán giả chọn được các vở thích hợp trước khi thưởng thức trực tiếp.
Nhân 100 năm sân khấu kịch nói Việt Nam (1921 - 2021), nhiều vở kịch được công diễn để mừng sự kiện. Vở Chén thuốc độc - tác phẩm kịch nói đầu tiên của Việt Nam - diễn ra tối 21/10, do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam dàn dựng. Vở Người tốt nhà số 5 tái ngộ khán giả tối 22/10 tại Nhà hát Kịch Việt Nam. Nhà hát Tuổi trẻ diễn vở Ai là thủ phạm tối 24/10, Nhà hát kịch Hà Nội ra mắt vở Phải có ba đồng tối 26/10.
Tam Kỳ