Bệnh nhân Covid-19 ở Hà Nội từng xét nghiệm kháng thể âm tính, sau khi xuất hiện triệu chứng và xét nghiệm lại bằng RT-PCR thì dương tính. Giữa hai lần xét nghiệm, anh này di chuyển và tiếp xúc rất nhiều người. Điều này cho thấy mối nguy khi những người có âm tính giả chủ quan không cách ly đủ 14 ngày.
Bác sĩ Phạm Quang Thái, Phó trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cho biết nguyên tắc của xét nghiệm nhanh nCoV là tìm kháng thể mà cơ thể tạo ra để chống kháng nguyên nhất định. Lượng kháng thể cao, xét nghiệm sẽ báo dương tính. Kháng thể cao hoặc do cơ thể sinh ra khi mắc bệnh hoặc có miễn dịch tự nhiên. Lúc này cần xét nghiệm thêm bằng phương pháp RT-PCR để khẳng định.
"Không dùng test nhanh kháng thể để khẳng định, vì bản chất của test là dùng để phát hiện kháng thể của người đã bị nhiễm và thường là khỏi rồi, chứ không phải phát hiện người mới nhiễm", bác sĩ nhấn mạnh.
Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Huyết học - Truyền máu Trung ương, cũng khẳng định phương pháp xét nghiệm chính xác nhất là sử dụng kỹ thuật RT-PCR, còn xét nghiệm nhanh chỉ giúp phát hiện kháng thể của nCoV. Đây cũng là lý do đầu tiên khiến test nhanh không phù hợp để phát hiện người nhiễm.
"Dùng xét nghiệm nhanh phát hiện kháng thể mà đi tìm kháng nguyên là không đúng. Nếu dương tính, test nhanh không phản ánh việc người đó còn kháng nguyên trong cơ thể. Và nếu trước đó nhiễm thì hậu quả gây lây lan virus đã xảy ra rồi", ông nói.
Ngoài ra, test nhanh không phù hợp khi xét nghiệm sớm vì luôn âm tính. Kết quả âm tính cũng không phản ánh liệu người đó có virus trong cơ thể hay không. Người nhận được kết quả âm tính test nhanh cho rằng không bị nhiễm virus, không còn mang virus, gây tâm lý chủ quan.
"Nếu người có virus trong cơ thể thì sẽ làm lây lan cho cộng đồng, là vấn đề nguy hiểm nhất. Nếu họ chưa nhiễm, có thể không phòng hộ đầy đủ, rồi nhiễm", giáo sư Anh Trí cho biết.
Giáo sư Trí nhấn mạnh test nhanh không có giá trị sàng lọc để phát hiện nCoV trong cơ thể người về từ vùng dịch. Ông đề nghị các tỉnh, thành phố tuân thủ đúng hướng dẫn của Bộ Y tế về sử dụng xét nghiệm sàng lọc người nhiễm và nghi nhiễm.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Nghiêm Luật, Nguyên Trưởng Khoa Hóa sinh, Đại học Y Hà Nội, chuyên gia về xét nghiệm, cho biết thêm xét nghiệm kháng thể không xác nhận sự hiện diện của nCoV trong cơ thể, chúng chỉ cho biết bệnh nhân đang hoặc đã từng bị nhiễm bệnh. "Do đó, không quá ngạc nhiên khi nhiều trường hợp sau khi xét nghiệm kháng thể cho kết quả âm tính, sau đó xét nghiệm lại bằng RT-PCR cho kết quả dương tính", ông Luật nói.
Hiện tại, xét nghiệm RT-PCR vẫn là chủ đạo, phát hiện xem hầu họng có virus hay không. Tuy nhiên, xét nghiệm phân tử RT-PCR lại không cho biết một người có miễn dịch do nhiễm nCoV trong quá khứ hay là chưa từng bị phơi nhiễm. Kết hợp giữa xét nghiệm phân tử RT-PCR và xét nghiệm kháng thể có thể cho biết sự tiến triển qua các giai đoạn của bệnh một cách cụ thể hơn.
Do đó, tùy từng trường hợp để sử dụng xét nghiệm phù hợp, như tình trạng bệnh nhân, yếu tố dịch tễ... để có phương pháp xét nghiệm phù hợp, tránh gây lãng phí và không bỏ sót ca nhiễm.
Các chuyên gia khuyến cáo, những người xét nghiệm sớm trước ngày thứ 14, nếu kết quả âm tính cũng không nên chủ quan tự phá vỡ các quy tắc cách ly. Thời gian ủ bệnh của hầu hết bệnh nhân là dưới 14 ngày. Tỷ lệ rất nhỏ thời gian này có thể dài hơn, do virus sau khi xâm nhập vào cơ thể sẽ âm thầm nhân lên đến khi đạt tải lượng nhất định mới phát tán ra đường hô hấp và gây triệu chứng.
Do đó, các trường hợp về từ vùng dịch phải cách ly tuyệt đối 14 ngày để đảm bảo an toàn. Cán bộ y tế cũng cần lấy mẫu toàn bộ các trường hợp có dấu hiệu, triệu chứng và xét nghiệm cùng với những người về từ những ổ dịch đã xác định.
Ngày 6/8, một nhân viên xe buýt ở Hà Nội được Bộ Y tế ghi nhận là "bệnh nhân 714". Người này từ Đà Nẵng về và trước đó, khi xét nghiệm kháng thể kết quả âm tính, song sau đó lại dương tính. Ngoài ra, hơn 70.000 người được test nhanh và âm tính, "vẫn còn xác suất tồn tại người nhiễm bệnh chưa được phát hiện", ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nói.
Lãnh đạo thành phố yêu cầu các cơ quan chức năng tiếp tục rà soát toàn bộ số người về từ Đà Nẵng, Quảng Nam... để cách ly y tế tại nhà. Tất cả các trường hợp về từ Đà Nẵng từ 15/7 đến nay, dù đã test nhanh cũng phải làm xét nghiệm PCR để khẳng định, tránh để lọt ca bệnh ra cộng đồng.
Thùy An - Lê Chi