R21, còn được gọi là vaccine sốt rét Matrix-M, được phát triển bởi Đại học Oxford, Anh, và sản xuất bởi Viện Huyết thanh của Ấn Độ (SII). Theo Đại học Oxford, dữ liệu nghiên cứu ở giai đoạn 2 được công bố vào tháng 9/2022 cho thấy vaccine R21/Matrix-M đạt hiệu quả cao sau liều nhắc lại thứ 4, một năm sau khi đã tiêm 3 liều cơ bản. Nhà khoa học Adrian Hill, tại Viện Jenner, Đại học Oxford, cho hay dữ liệu thử nghiệm chưa được công bố của giai đoạn 3 chỉ ra hiệu quả của vaccine tương tự giai đoạn 2.
Hồi tháng 4, Ghana đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới phê duyệt R21, được kỳ vọng có thể cứu hàng triệu người khỏi căn bệnh do muỗi. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm thuộc Cộng hòa Ghana (FDA Ghana) đã đánh giá dữ liệu thử nghiệm của R21 và phê duyệt vaccine để sử dụng cho trẻ em từ 5 đến 36 tháng tuổi, là nhóm có nguy cơ tử vong do sốt rét cao nhất. Cứ mỗi phút trên toàn thế giới có một trẻ tử vong do sốt rét và riêng ở Ghana đã có 5,3 triệu ca mắc và 12.500 ca tử vong vào năm 2021.
Giống như nước láng giềng Tây Phi, Nigeria cũng cấp phép cho vaccine sốt rét mới R21/Matrix-M. Bệnh sốt rét chiếm 60% số lượt khám ngoại trú tại các cơ sở y tế của nước này; chiếm 30% số ca tử vong ở trẻ em; 11% ca tử vong ở thai phụ và 25% ca tử vong ở trẻ sơ sinh. Nigeria chiếm 27% số ca bệnh sốt rét toàn cầu.
Cơ quan Quản lý và Kiểm soát thực phẩm và Dược phẩm quốc gia Nigeria (NAFDAC) cho biết dự kiến sớm nhận được ít nhất 100.000 liều vaccine quyên góp.
Khi muỗi anopheles mang ký sinh trùng sốt rét đốt một người, nó sẽ truyền ký sinh trùng qua dòng máu, từ đó ký sinh trùng sẽ thay đổi hình dạng qua các giai đoạn trong vòng đời. Sự phức tạp trong vòng đời của ký sinh trùng sốt rét khiến việc phát triển vaccine phòng bệnh bị cản trở suốt nhiều năm. Vaccine R21/Matrix-M nhắm vào plasmodium 'sporozoite', là dạng đầu tiên của ký sinh trùng sốt rét xâm nhập vào cơ thể con người.
Kết quả chính thức về thử nghiệm giai đoạn 3 dự kiến được công bố vào cuối năm nay.
Đại học Oxford đã thỏa thuận với Viện Huyết thanh Ấn Độ để sản xuất tới 200 triệu liều R21/Matrix-M mỗi năm. Viện Huyết thanh Ấn Độ cũng công bố một thỏa thuận chuyển giao công nghệ để sản xuất vaccine ở Ghana.
Hải My (Theo Gavi, Premium Times)