Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây gây xôn xao dư luận phương Tây vì lời đe dọa không bảo vệ thành viên NATO trong trường hợp bị tấn công. Tại cuộc vận động tranh cử tại Conway, bang Nam Carolina ngày 10/2, ông Trump đã kể lại cuộc trò chuyện với "lãnh đạo một quốc gia lớn" tại hội nghị của NATO khi ông còn tại chức.
Khi lãnh đạo đó đặt câu hỏi liệu Mỹ có bảo vệ nước này nếu họ không đóng góp đủ ngân sách cho liên minh và bị Nga tấn công hay không, ông Trump đã đưa ra câu trả lời thẳng thừng. "Tôi sẽ không bảo vệ các vị. Trên thực tế, tôi sẽ khuyến khích Nga làm bất cứ thứ gì mà họ muốn. Các vị phải trả tiền trước", cựu tổng thống Mỹ kể.
Câu chuyện của ông Trump đã phủ bóng lên Hội nghị An ninh Munich cuối tuần qua. Đây là cuộc họp quan trọng quy tụ các chính trị gia, quan chức quốc phòng và nhà ngoại giao chủ chốt của phương Tây diễn ra thường niên.
Các lãnh đạo châu Âu ngày càng lo lắng về tương lai NATO, nhất là với kịch bản ông Trump đánh bại Tổng thống Joe Biden trong cuộc bầu cử tháng 11 và trở lại Nhà Trắng. Cựu tổng thống Mỹ hiện là người dẫn đầu vòng đua tranh đề cử của đảng Cộng hòa với nền tảng ủng hộ mạnh mẽ.
Khi còn đương nhiệm, ông Trump nhiều lần phàn nàn về mức chi thấp cho ngân sách quốc phòng của các thành viên châu Âu trong NATO. Ông thường xuyên cho rằng Mỹ phải chịu gánh nặng chi phí cho NATO nhiều hơn các nước thành viên khác. Ông nêu ý tưởng yêu cầu châu Âu "hoàn trả chi phí bảo vệ" của Mỹ và kêu gọi người châu Âu hành động nhiều hơn để bảo vệ an ninh của chính họ.
Không chỉ lo ngại mất "chiếc ô an ninh" của Mỹ nếu ông Trump trở lại Nhà Trắng, giới chức châu Âu còn bất an về nguồn viện trợ của Mỹ dành cho Ukraine. Gói viện trợ 60 tỷ USD cho Kiev mà Thượng viện Mỹ đã phê duyệt vẫn mắc kẹt ở Hạ viện, nơi đảng Cộng hòa kiểm soát. Lãnh đạo Ukraine và phương Tây cho biết gói viện trợ này rất quan trọng, khi lực lượng của Kiev gặp nhiều khó khăn trong cuộc chiến với Nga.
Để hóa giải nguy cơ, các lãnh đạo châu Âu đang tìm cách tiếp cận với giới lập pháp, doanh nhân và nhà nghiên cứu Mỹ, trong nỗ lực tìm kiếm những người có thể tác động đến cựu tổng thống Mỹ và đồng minh, nhằm lôi kéo ủng hộ của ông với NATO và Ukraine.
"Người châu Âu chúng ta phải quan tâm nhiều hơn đến an ninh của chính mình ở cả hiện tại và tương lai", Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói tại hội nghị Munich với sự tham dự của hàng chục nhà lập pháp Mỹ. Tuyên bố này của Thủ tướng Scholz được coi là phù hợp với quan điểm của ông Trump về việc châu Âu phải tự gánh vác trọng trách an ninh của mình và giảm phụ thuộc vào Mỹ.
Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Stoere cho rằng một liên minh NATO vững mạnh có lợi cho Mỹ. "Việc có một liên minh NATO gồm những thành viên mạnh mẽ có thể củng cố ảnh hưởng của Mỹ. Đó chính là lợi ích của họ", ông nói tại Munich.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tháng trước cũng có bình luận tương tự. Ông tin rằng Mỹ vẫn tiếp tục là đồng minh trung thành của liên minh nếu ông Trump tái đắc cử, vì điều đó có lợi cho Washington.
Trong chuyến thăm Mỹ cuối tháng trước, ông Stoltenberg cũng đã phát biểu tại Heritage Foundation, tổ chức nghiên cứu ủng hộ ông Trump ở Washington, và thăm nhà máy của tập đoàn sản xuất vũ khí Lockheed Martin ở Alabama, nơi chế tạo tên lửa chống tăng Javelin.
Phát biểu tại Munich cuối tuần qua, ông Stoltenberg nhấn mạnh "phần lớn số tiền được viện trợ cho Ukraine cuối cùng lại trở về Mỹ, bởi họ sẽ mua các loại vũ khí như tên lửa Javelin từ nhà sản xuất Mỹ".
Tổng thư ký NATO cũng tìm cách đề cao vai trò của liên minh trong quan hệ với Mỹ. "Mỹ hiện chiếm 25% GDP toàn cầu. Cùng với các thành viên NATO, chúng tôi nắm giữ khoảng 50% GDP toàn cầu và 50% năng lực quân sự của thế giới. Do đó, chúng tôi vẫn an toàn miễn là còn sát cánh bên nhau", ông nói.
Giới quan sát nhận định những động thái và bình luận của lãnh đạo NATO và châu Âu nhằm thuyết phục ông Trump thay đổi quan điểm về tầm quan trọng của liên minh.
Họ cũng đang âm thầm tìm cách giải quyết những phàn nàn của cựu tổng thống về các thành viên NATO ở châu Âu, dù đưa ra những tuyên bố công khai rằng điều đó là để bảo vệ chính họ trước mối đe dọa từ Nga, theo các nhà phân tích.
Tổng thư ký NATO tháng trước cho biết ngày càng nhiều thành viên liên minh đang tăng phần đóng góp tài chính của họ. "Thông điệp từ Mỹ rằng các đồng minh châu Âu phải tăng cường đóng góp đã được thấu hiểu và đang đi đúng hướng", ông Stoltenberg nói.
Ngày càng nhiều nước châu Âu rằng họ sẽ phải chịu trách nhiệm nhiều hơn cho an ninh của mình trong những năm tới, bất kể ai chiến thắng cuộc bầu cử sắp tới tại Mỹ.
"Tôi nghĩ theo thời gian, Mỹ sẽ giảm dần quan điểm rằng họ phải gánh vác an ninh cho cả châu Âu", Ngoại trưởng Latvia Krisjanis Karins cho hay.
Frank Gardner, nhà phân tích của BBC, cho rằng nhiều lãnh đạo NATO có lẽ sẽ cảm thấy biết ơn trước những lời đe dọa của ông Trump. Năm 2018, ông Trump thậm chí từng dọa rút Mỹ khỏi liên minh khi phẫn nộ vì các nước châu Âu không hoàn thành mục tiêu chi 2% GDP cho ngân sách quốc phòng.
Lời đe dọa này của tổng thống Mỹ khi đó đã khiến nhiều lãnh đạo quân sự NATO cảm thấy lo lắng, bởi nếu Mỹ rút lui, NATO khó lòng tiếp tục tồn tại. Lời đe dọa gây chấn động của ông Trump cùng với cuộc chiến của Nga ở Ukraine được coi là động lực chính thúc đẩy khiến nhiều nước châu Âu cam kết tăng chi tiêu quốc phòng.
18 trong 31 thành viên NATO dự kiến đạt mục tiêu chi ít nhất 2% GDP cho ngân sách quốc phòng năm nay, tăng từ 11 thành viên trong năm 2023. Đức và Pháp, hai nền kinh tế lớn nhất châu Âu, nằm trong nhóm này.
Những quốc gia có ngân sách quốc phòng thấp nhất tính theo GDP là Tây Ban Nha, Bỉ và Luxemburg. Các thành viên NATO dành tỷ lệ ngân sách nhiều nhất cho quốc phòng ở châu Âu là những nước láng giềng của Nga như Ba Lan.
Tổng thống Andrzej Duda của Ba Lan, quốc gia đã chi gần 4% GDP cho quốc phòng, nói rằng những lời phàn nàn của ông Trump có lý. "Các nước láng giềng giàu có của Ba Lan muốn người đóng thuế ở Mỹ trả tiền cho sự an toàn của họ. Nếu là tổng thống Mỹ, tôi cũng sẽ đưa ra bình luận tương tự", ông Duda nói.
Mỹ đã chi khoảng 3,5% GDP cho quốc phòng trong năm 2023, theo ước tính của NATO. Không chỉ là nước chi nhiều cho ngân sách quốc phòng, Mỹ còn là siêu cường sở hữu kho vũ khí hạt nhân và đóng vai trò dẫn dắt liên minh NATO.
Những nỗ lực thuyết phục ông Trump của giới lãnh đạo châu Âu sẽ có hiệu quả như thế nào hiện vẫn là câu hỏi lớn, song không có nhiều dấu hiệu cho thấy cựu tổng thống sẽ sớm thay đổi quan điểm của mình trong vấn đề này, khi ông vẫn thúc đẩy khẩu hiệu "nước Mỹ trên hết".
Thượng nghị sĩ Cộng hòa J.D. Vance, đồng minh ủng hộ ông Trump nhiệt thành, hoan nghênh động thái tăng ngân sách quốc phòng của châu Âu và không cho rằng ông Trump sẽ rút Mỹ khỏi NATO nếu tái đắc cử. Tuy nhiên, ông cho biết Mỹ sẽ xoay trục nhiều hơn sang châu Á, nên châu Âu sẽ phải tăng cường nhiều hơn năng lực quân sự của họ.
"Vấn đề không chỉ là chi tiền. Quân đội Đức có thể triển khai bao nhiêu lữ đoàn sẵn sàng chiến đấu ngay lập tức? Phải chăng là một?", ông nói. "Việc dựa quá nhiều vào chiếc ô an ninh của Mỹ đã khiến năng lực quân sự châu Âu suy giảm".
Thanh Tâm (Theo Reuters, BBC)