Ngân sách quốc phòng đang tăng lên trên khắp châu Âu kể từ khi Nga phát động chiến sự ở Ukraine. Năm ngoái, chi tiêu quốc phòng ở châu Âu tăng 13%, lên 345 tỷ USD, tốc độ nhanh nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh, theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI).
Tuy nhiên, phần lớn số tiền này được đổ vào các công ty quốc phòng Mỹ, bên cung cấp vũ khí chủ yếu cho châu Âu. Những giao dịch vũ khí này là một trong những trụ cột cho mối quan hệ đồng minh xuyên Đại Tây Dương.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron muốn thay đổi điều đó. Sự phụ thuộc về quốc phòng của châu Âu vào Mỹ, nước cung cấp từ chiến đấu cơ F-35 tới hệ thống phòng không Patriot, dựa trên niềm tin rằng các quốc gia ở lục địa này sẽ không phải xếp hàng chờ nhận thiết bị của Washington. Tuy nhiên, ông Macron cảnh báo ưu tiên của Washington có thể thay đổi khi Mỹ xoay trục sang Thái Bình Dương và sau cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới.
Lãnh đạo Pháp nói trong cuộc họp gần đây của bộ trưởng quốc phòng châu Âu rằng với chính sách nhập khẩu vũ khí hiện nay, "chúng ta đang tự tạo ra vấn đề cho chính mình trong tương lai".
Thúc đẩy tăng chi tiêu quốc phòng ở châu Âu là một trong những chủ đề hàng đầu trong chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh NATO tại Litva ngày 11-12/7. Các thành viên đã nhất trí thiết lập 2% GDP là mức chi tiêu quốc phòng tối thiểu.
Hiện tại, chỉ có 10 thành viên châu Âu của NATO đạt ngưỡng 2%, theo Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ông hy vọng tỷ lệ đó "sẽ tăng đáng kể trong năm tới".
Tuy nhiên, bất kỳ nỗ lực nào để thay đổi bản đồ mua sắm quân sự của châu Âu có thể đối mặt với trở ngại lớn. Nhiều quốc gia, đặc biệt ở Đông Âu, coi mua vũ khí đắt tiền của Mỹ là cái giá mà lục địa phải trả cho đảm bảo an ninh từ Washington. Họ nói nỗ lực thay đổi có nguy cơ làm suy yếu NATO, vốn không thể hoạt động mà thiếu những khí tài quan trọng từ Mỹ như vận tải cơ, máy bay không người lái hay thiết bị trinh sát trên không.
Xung đột Ukraine đã cho thấy phương Tây không thể nhanh chóng tăng sản lượng quốc phòng nếu nhu cầu vũ khí tăng đột ngột. Ngân sách của các nước châu Âu dành cho lĩnh vực công nghiệp quốc phòng tương đối ít, khiến lĩnh vực này bị phân mảnh và thiếu định hướng, dẫn tới sản lượng vũ khí thấp.
Trong thời kỳ khủng hoảng, các nước châu Âu thường phải tìm kiếm sự giúp đỡ ở bên kia bờ Đại Tây Dương. Mỹ đã cung cấp hệ thống tên lửa, pháo và nhiều vũ khí khác cho Ukraine trong cuộc chiến với Nga. Hiện tại, chi tiêu quốc phòng của châu Âu chỉ bằng khoảng 40% ngân sách 877 tỷ USD của Mỹ, theo SIPRI.
"Chiến sự Ukraine là lời cảnh tỉnh cho châu Âu về năng lực quốc phòng", Eric Beranger, giám đốc điều hành nhà cung cấp tên lửa lớn nhất châu Âu MBDA, nói. "Bạn cần bổ sung kho vũ khí cũng như tăng khả năng và tốc độ giao hàng".
Châu Âu hiện chia rẽ về cách củng cố hệ thống phòng không của mình. Một liên minh đa quốc gia do Đức dẫn đầu đã thông báo kế hoạch chi hàng tỷ USD cho chương trình mua tên lửa Patriot từ Mỹ cũng như hệ thống phòng không IRIS-T của Đức. Cả hai có thể đánh chặn tên lửa tầm trung, trong khi liên minh quan tâm tới hệ thống Arrow 3 của Israel để thực hiện nhiệm vụ đánh chặn tên lửa tầm xa.
Thông báo này khiến ông Macron bất ngờ. Trong nhiều năm, công ty MBDA của Anh, Pháp và Italy đã sản xuất SAMP/T, hệ thống có thể ngăn mối đe dọa từ trên không và được xem là đối thủ đáng gờm với Patriot. Pháp và Italy gần đây đã chuyển SAMP/T cho Ukraine.
Nếu châu Âu không đầu tư vào ngành công nghiệp quốc phòng, lục địa sẽ không có quyền tự chủ chiến lược hay khả năng định hình chính sách đối ngoại và quốc phòng riêng, theo ông Macron.
"Ukraine cho thấy chúng tôi chỉ có thể cung cấp cho Kiev những gì mình tự sản xuất", ông Macron nói.
Tư lệnh lục quân Pháp Pierre Schill cho biết quyền tự chủ chiến lược có liên quan chặt chẽ tới khả năng kiểm soát chuỗi cung ứng quân sự. "Mua thiết bị công nghệ cao từ nước khác đồng nghĩa đặt mình dưới sự kiểm soát của họ", ông nói.
Tổng thống Macron không đơn độc với lập trường này. Một số quan chức châu Âu cũng lo ngại mua công nghệ của Mỹ có thể đi kèm với các quy định ràng buộc về cách sử dụng. "Pháp cũng mạnh trong nhiều lĩnh vực. Mỹ không phải là đáp án đầu tiên cho mọi câu hỏi về mua sắm", Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace nói.
"Mỗi lần chúng ta mua tên lửa hoặc radar từ bên ngoài, ngành công nghiệp quốc phòng của châu Âu lại thêm suy yếu", Christophe Salomon, phó chủ tịch Thales, nhà sản xuất hệ thống radar cho SAMP/T, nói.
BAE Systems, công ty quốc phòng lớn nhất châu Âu, đã tạo ra 132.000 việc làm ở Anh và góp hơn 14 tỷ USD hay 0,4% cho GDP, theo nghiên cứu của nhóm Oxford Economics ở Anh.
Frank St. John, giám đốc điều hành công ty quốc phòng Mỹ Lockheed Martin, nói rằng công ty sẽ chế tạo một phần hệ thống Patriot ở Ba Lan, trong khi 3/4 việc sản xuất F-35 ở châu Âu. "Mỗi khi bán thiết bị cho châu Âu, chúng tôi cũng tạo ra việc làm ở đây", ông nói.
St. John thêm rằng một ưu điểm khác của hệ thống phòng không Patriot của Mỹ là năng lực chiến đấu được chứng minh và mức độ sẵn có của khí tài.
Nhóm do MBDA dẫn đầu đang phát triển thế hệ SAMP/T mới, nhưng các hệ thống này phải mất thêm 2 năm nữa để hoàn thành. Một tập đoàn khác của châu Âu cũng đang nỗ lực phát triển hệ thống phòng không riêng. Cả hai muốn chế tạo những tổ hợp tiên tiến có thể đánh chặn tất cả các loại tên lửa siêu vượt âm, vũ khí mà Nga và Trung Quốc đang phát triển.
Một lĩnh vực hợp tác khác là xe tăng. Ralf Ketzel, giám đốc điều hành chi nhánh ở Đức của KNDS, nhà sản xuất thiết giáp lớn nhất châu Âu, nói rằng lục địa hiện có thể tự cung cấp thiết giáp trên đất liền. Xe tăng Leopard 2 của công ty này đã trở thành mẫu xe tăng nổi tiếng của châu Âu và đang được sử dụng ở 17 quốc gia. Đức đã gửi hàng chục chiếc Leopard 2 đến Ukraine.
KNDS được thành lập năm 2015 sau khi hợp nhất các công ty vũ khí Đức và Pháp. Công nhân tại nhà máy ở ngoại ô Munich gần đây đang lắp ráp và nâng cấp xe tăng Leopard cùng các phương tiện chiến đấu bọc thép khác cho lực lượng Anh, Đan Mạch, Na Uy, Litva, Hungary và Đức.
"Không cần phải phụ thuộc vào Mỹ", Ketzel nói.
Thanh Tâm (Theo WSJ)