Một cuộc thăm dò tổ chức ngày 15/12/2020 của Viện Lãnh đạo Điều hành Yale, cho thấy 70% giám đốc điều hành của các công ty lớn ủng hộ yêu cầu tiêm phòng bắt buộc đối với nhân viên. "Tôi nghĩ nhân viên cần phải tiêm phòng vì lợi ích của công ty", ông Scott Kirby, giám đốc điều hành của United Airlines, cho biết trong một hội nghị với các nhà đầu tư vào tháng 1.
Một số ngành, chẳng hạn như y tế, có thể yêu cầu nhân viên phải tiêm vaccine. Trong khi các ngành khác, tiêm phòng là một lựa chọn cá nhân và nhân viên sẽ nhận nhiều ưu đãi nếu chủng ngừa. Họ có thể được cho phiếu quà tặng, số khác được lo chi phí di chuyển đến địa điểm tiêm. Có những công ty cho nhân viên tiền để đi tiêm vaccine.
Chuỗi cửa hàng Aldi cho phép người lao động nghỉ bốn giờ có lương để tiêm phòng. McDonald cũng áp dụng cách này đối với nhân viên ở cả nhà hàng lẫn trụ sở.
Nhân viên của American Airlines sẽ được thưởng 50 USD và thêm một ngày nghỉ phép cho năm 2021 với điều kiện họ đã tiêm đủ vaccine. Tập đoàn Vận tải Hành khách Đường sắt Quốc gia Mỹ (Amtrak) thưởng tiền tương đương với hai giờ làm và cho phép nhân viên đi tiêm trong giờ làm việc. Chuỗi cửa hàng Trader Joe cũng áp dụng ưu đãi như vậy.
Hãng Uber cung cấp 10 triệu mã giảm giá hoặc miễn phí cho người cao tuổi, nhân viên thiết yếu và những người khác tại Mỹ, châu Âu và châu Á, nhằm hỗ trợ họ di chuyển đến nơi tiêm chủng.
Chuỗi cửa hàng thực phẩm Publix gửi những phiếu quà tặng trị giá 125 USD cho nhân viên được chứng nhận đã tiêm phòng. Siêu thị Target thông báo vào tháng 2 rằng các nhân viên tại Mỹ sẽ được tài trợ 15 USD cho mỗi lần di chuyển đến điểm tiêm chủng và về nhà. Ngoài ra, người lao động cũng được nhận khoản tiền tương đương với thù lao của bốn giờ làm việc.
Ở Kroger, 100 USD sẽ về tay những nhân viên có chứng nhận tiêm chủng. Những người không tiêm vaccine vì lý do tôn giáo hoặc sức khỏe có thể tham gia khóa học về an toàn và y tế để nhận khoản tiền trên.
"Chúng tôi mong tất cả khách hàng và nhân viên sẽ tiêm vaccine để hạn chế sự lây lan của virus. Công ty sẽ làm tất cả những gì có thể để đảm bảo họ có thể tiếp cận vaccine", tiến sĩ Marc Watkins, giám đốc y tế của Kroger, cho biết.
Tặng quà, tiền có thể đem lại hiệu quả, nhưng theo khoa học, việc tạo động lực cho mọi người tiêm vaccine lại có phần phức tạp. Hengchen Dai, giáo sư chuyên ngành quản trị tại Đại học California, Los Angeles, chỉ ra cách rẻ hơn, giúp thuyết phục người dân đi tiêm phòng. Trong một nghiên cứu, nhóm của giáo sư Dai nhận thấy những tin nhắn có thể thúc đẩy lượt người tiêm phòng cúm. "Tin nhắn hiệu quả nhất là các lời nhắc người nhận đi tiêm vaccine theo lịch đã đặt trước cho họ, giống như lời thông báo trang trọng từ nhà cung cấp dịch vụ y tế", bà Dai nói.
Jon Bogard, thành viên nhóm nghiên cứu, cho rằng các nhà hoạch định chính sách nên cẩn thận với các chiến dịch trao thưởng bởi chúng như "con dao hai lưỡi". Chúng rất tốn kém và nếu được quảng bá rầm rộ, mọi người có thể hiểu lầm vaccine có nhiều rủi ro. Theo Bogard, cách hiệu quả hơn là tặng nhãn dán hay huy hiệu để người đi tiêm có cảm giác tự hào vì đã đóng góp cho cộng đồng.
Mai Dung (Theo CNN, NYT)