Những ngày cuối tuần, dù đã hơn 19h tối, Nguyễn Xuân Bách, 22 tuổi, sinh viên năm cuối khoa Hóa, Đại học Nagoya, Nhật Bản, vẫn miệt mài trong phòng thí nghiệm. Xác định nghiên cứu y sinh là hướng đi, chàng trai quê Hải Phòng thường dành 7-10 tiếng ở phòng thí nghiệm, tự nhủ không được chểnh mảng ngay cả khi được cấp học bổng.
7 đại học đã đồng ý cấp học bổng tiến sĩ cho Bách, trong đó 6 trường gồm British Columbia (Canada), Harvard, Duke và ba viện Cornell, Rockefeller, Trung tâm ung thư Memorial Sloan Kettering (Mỹ) đề nghị mức toàn phần, 500.000-672.000 USD trong 5-6 năm (khoảng 11,5-15,5 tỷ đồng). Đại học Oxford đề nghị học bổng nhưng Bách đã có sự lựa chọn nên từ chối.
Theo bảng xếp hạng Times Higher Education, Đại học Oxford xếp số 1 thế giới, Đại học Harvard thứ 3, Cornell 19, hai trường này cùng thuộc nhóm Ivy League, Đại học Duke hạng 20 và British Columbia hạng 34. "Kết quả này khiến em rất bất ngờ, vượt ngoài sự mong đợi", Bách nói.
Vốn học giỏi Toán, đến năm lớp 8 Bách nhận ra mình hào hứng với Hóa hơn. Em thấy Hóa gần gũi, ứng dụng cao khi có thể giải thích nhiều hiện tượng trong cuộc sống. Để được học chuyên sâu và nắm bắt cơ hội tham gia các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, Bách thi vào lớp chuyên Hóa trường THPT chuyên Trần Phú, TP Hải Phòng, đỗ á khoa và 10 điểm chuyên.
Với Bách, việc học không khó khăn, dù làm đề tại nhà hay ở đội tuyển. "Chắc do em tìm thấy niềm vui và thấy Hóa rất thực tế nên không thấy mệt khi học", Bách nói. Chàng trai khẳng định mình với hàng loạt thành tích như hai giải nhì học sinh giỏi Hóa quốc gia, tham dự chọn đội tuyển Olympia Hóa quốc tế năm 2016 và 2017, huy chương bạc Olympic Hóa học Duyên hải Bắc bộ 2015.
Sau những năm tìm hiểu về khoa học cơ bản, Bách xác định theo đuổi nghiên cứu. Tuy nhiên, em gặp khó khăn khi các cơ sở đào tạo và tài liệu học thuật tại Việt Nam chưa phát triển mạnh. Được gia đình ủng hộ, nam sinh du học, trở thành sinh viên khoa Hóa, Đại học Nagoya.
Học đến năm hai, Bách nhận ra hàng loạt nghiên cứu về Hóa đã được phát hiện, không còn nhiều đất để "khai phá" nữa. Trong khi Sinh học còn quá nhiều thứ bỏ ngỏ nên Bách nhanh chóng chuyển hướng sang nghiên cứu Y sinh. "Với nền tảng Hóa học sẵn có, em không mất nhiều thời gian hay khó khăn để chuyển hướng", Bách nói.
Tiếp cận khoa học cơ bản theo định hướng nghiên cứu y sinh, Bách như "cá gặp nước". Hàng ngày, chàng trai thường ngủ trước 10h tối và thức dậy khoảng 5h sáng, dành thời gian chạy bộ, học bài và đọc sách báo vào sáng sớm vì cảm thấy dễ tiếp thu hơn. Cả buổi chiều Bách ở phòng thí nghiệm, trở về nhà lúc 7h tối.
Trước kia Bách chỉ biết thuốc này chữa bệnh này nhưng không hiểu cơ chế hoạt động. Sau khi tìm hiểu về y sinh, em phần nào giải đáp được. Chẳng hạn, nhiều người chỉ biết kháng sinh diệt vi khuẩn nhưng không thể lý giải tại sao, dẫn đến dùng tràn lan và khiến cơ thể kháng thuốc. Nam sinh lý giải, có loại kháng sinh tiêu diệt thành tế bào của vi khuẩn, loại khác lại ức chế quá trình chuyển hóa của chúng. Khi hiểu được cơ chế, các ngành khoa học y sinh sẽ giúp tạo ra nhiều thuốc đặc trị, giảm tối đa tác dụng phụ cho bệnh nhân.
Lựa chọn được hướng đi, Bách tiếp tục lên kế hoạch chinh phục học bổng tiến sĩ. Đợt tuyển sinh tiến sĩ thường bắt đầu vào tháng 12, đa số sinh viên chuẩn bị hồ sơ trước 4-6 tháng nhưng Bách dành hơn một năm. "Những lĩnh vực em quan tâm chỉ có các đại học hàng đầu thế giới đào tạo do đảm bảo cơ sở vật chất và đội ngũ giáo sư chuyên môn cao. Tỷ lệ cạnh tranh vào các trường vì thế rất gắt gao, em cần chuẩn bị dài hơn hơn", Bách lý giải.
Chàng trai đánh giá, phần táo bạo nhất trong bài luận là dám đưa ra những điểm yếu của ngành y sinh, trong đó có hạn chế về việc sử dụng công nghệ, sự đầu tư chưa thỏa đáng từ các doanh nghiệp lớn và đề xuất ý tưởng giải quyết. Để có đủ thông tin, Bách đã đọc báo khoa học, các công bố quốc tế, nghiên cứu y sinh... trong thời gian rất dài, trung bình mỗi ngày 3-4 tiếng. "Ngoài điểm học tập 3,94/4, em nghĩ đây là yếu tố giúp hồ sơ của mình trở nên khác biệt và ghi điểm với hội đồng tuyển sinh các trường", Bách khẳng định.
Là một trong ba giáo viên viết thư giới thiệu cho Bách, bà Young-Jai You, Viện Y khoa Southwestern, Đại học Texas (Mỹ), cho biết Bách là học trò trong lớp Hóa sinh khi bà công tác tại Đại học Nagoya. Sau một kỳ học, Bách liên lạc với giáo sư Young You và xin làm việc trong phòng thí nghiệm sinh học của bà. "Tôi rất vui khi nhận Bách vì em ấy là một trong những sinh viên giỏi nhất lớp, luôn hăng say học tập", giáo sư Young You chia sẻ.
Trong thời gian tiếp xúc và hướng dẫn Bách, giáo sư đánh giá học trò "cực kỳ nhạy bén và thông minh, luôn năng động và chăm chỉ". "Bách còn biết xây dựng kế hoạch, rất chỉn chu, rất giỏi trong việc xử lý sự cố. Với những phẩm chất này, tôi tin em sẽ thành công trên mọi lĩnh vực mình theo đuổi", bà nói.
Được 7 trường hàng đầu thế giới cấp học bổng, Bách mất hơn một tháng suy nghĩ, cuối cùng chọn Đại học Duke. Em giải thích, Duke là nơi hoàn thành mảnh ghép cuối cùng cho dự án giải mã bộ gen loài người đầu tiên trên thế giới, giành hai giải Nobel Hóa học năm 2012 và 2015. Bề dày thành tích về y sinh cùng cộng đồng cựu sinh viên rộng lớn của Duke rất phù hợp với định hướng của Bách.
Nhìn lại hành trình đã qua, Bách tự đánh giá những gì đạt được phần lớn đến từ kỹ năng xây dựng kế hoạch và mục tiêu rõ ràng cho từng việc, tăng cường trao đổi kiến thức, kinh nghiệm với bạn bè. Trước kia, em nghĩ việc chia sẻ thông tin có thể khiến người khác hoàn thành nghiên cứu trước mình. Đến khi được nhiều anh chị và giảng viên tận tình giúp đỡ, Bách hiểu khoa học cần chia sẻ, hợp tác thì mới thành công.
Tháng 8 này, chàng trai quê Hải Phòng sẽ đến Mỹ nhập học Đại học Duke. Bách sẽ cùng PGS Kenichi Yokoyama nghiên cứu về cơ chế của quá trình chuyển hóa các hợp chất Molybdenum, một loại nguyên tố vi lượng quan trọng của con người và các sinh vật. Sự thiếu hụt Molybdenum dẫn đến các bệnh hiếm gặp về não và gây tử vong sớm ở trẻ sơ sinh. "Hiện, bệnh này vẫn chưa có thuốc chữa nên em hy vọng nghiên cứu của mình có thể mở ra hướng đi mới cho y học trong việc ngăn chặn, chữa trị sự thiếu hụt Molybdenum", Bách nói.
Thanh Hằng