Buổi sáng đầu tháng 3, Đỗ Trường Huy, 18 tuổi, học sinh lớp 12D trường THPT Chí Linh, tham dự tiết học Toán online. Em theo dõi slide bài giảng, thi thoảng cúi xuống ghi nhanh lý thuyết cần nhớ. Được cô gọi phát biểu về cách giải một bài hình không gian, Huy tự tin trình bày.
Nhìn cách chàng trai dõng dạc phát biểu, nhiều người khó có thể tin Huy từng không thể phát âm chuẩn tiếng Việt hay nói một câu trọn vẹn mà không bị lắp, ngọng. "Cách đây 10 năm, ước mơ của em chỉ là có thể nói tiếng Việt một cách bình thường như bao người, dù bố mẹ, người thân và em đều sinh ra, lớn lên ở Việt Nam", Huy kể.
Khi Huy lên 3-4 tuổi, gia đình bắt đầu nhận thấy bất thường. Trong khi những đứa trẻ khác đã hoạt bát nô đùa, nói chuyện ríu rít, Huy chỉ nói được từ "chào". Sau thời gian ngắn thấy Huy đi lớp nhưng không cải thiện, bố mẹ đưa em đi Hà Nội khám. "Huy bị chứng rối loạn ngôn ngữ", kết luận của bác sĩ như sét đánh ngang tai với cả gia đình. Mẹ ôm em khóc mãi, còn bố thẫn thờ lặng im.
Suốt bậc tiểu học, Huy chật vật với môn Tiếng Việt vì nói lắp, ngọng và khó khăn khi nghe - đọc - hiểu. Em thường xuyên nhận điểm kém năm lớp 1 vì không thể đánh vần tròn vành rõ chữ như các bạn. "Lúc đó, em còn không thể phân biệt được ăn và anh, lẫn lộn mọi tiếng có vẻ giống nhau và phải mất rất lâu mới nói xong một câu", Huy nhớ lại. Lúc ấy, dù điểm viết không quá tệ, Huy vẫn nhận kết quả học lực trung bình vì bị điểm 4 môn Tiếng Việt.
Tật nói lắp, ngọng khiến Huy thường xuyên bị nhóm bạn trêu chọc. Mỗi lần như thế, Huy chỉ im lặng vì hiểu "khẩu chiến" với những người đó là bất khả thi. Với nhiều người tiểu học là bức tranh tươi đẹp khi thoải mái chơi đùa, vô lo vô nghĩ. Nhưng trong ký ức của Huy, khoảng thời gian đó như những cơn ác mộng kéo dài, đến giờ vẫn để lại trong em ít nhiều ám ảnh. Lúc đó, gia đình là nơi bình yên nhất, khiến Huy cảm thấy an toàn khi giao tiếp.
"Nếu không thay đổi, mình sẽ mãi như này", Huy luôn tự nhủ. Ở nhà, em luyện nói cùng bà và bố mẹ, rèn cách phát âm. Lên cấp hai, Huy đã ít lắp hơn nhưng còn ngọng nhiều cặp âm tiết. Em tự mày mò trên mạng, tìm những bài tập luyện nói để học theo, mong một ngày có thể tự tin nói to, dõng dạc và mượt mà hơn. Mỗi ngày, em đều dành thời gian luyện nói và duy trì trong nhiều năm.
Vì gặp vấn đề ngôn ngữ, Huy thường quan tâm đến các hoạt động giao tiếp, tranh biện. Trong mắt chàng trai sinh năm 2003, việc ai đó có thể đứng trước đám đông thuyết trình hoặc trình bày quan điểm cá nhân thật sự rất "ngầu" và em luôn muốn một ngày làm được điều đó. Khi trở thành học sinh trường THPT Chí Linh, Huy quan tâm đến chương trình Trường Teen, sân chơi tranh biện dành cho học sinh cấp ba. Rủ bạn bè cùng tham gia vòng tuyển chọn, tuy không lọt vào vòng ghi hình, Huy có cơ hội gặp gỡ và làm quen với các bạn trong Câu lạc bộ tranh biện của trường THPT chuyên Nguyễn Trãi, Hải Dương.
Một suy nghĩ táo bạo xuất hiện trong đầu: "Tại sao mình không lập ra một CLB tranh biện tại trường nhỉ?". Được ban giám hiệu đồng ý thành lập câu lạc bộ, Huy cùng với ba người bạn đồng hành bắt đầu kế hoạch truyền thông bằng cách đến từng lớp trong giờ sinh hoạt, giới thiệu về tranh biện và lợi ích mà hoạt động này mang lại. Trong mùa hè năm lớp 10, em thành lập fanpage trên Facebook để thu hút sự quan tâm rồi bắt đầu đăng bài tuyển thành viên.
Đầu năm lớp 11, khi fanpage gần đạt mốc 1.000 likes, Huy xin ban giám hiệu cho giới thiệu về câu lạc bộ trong buổi chào cờ đầu tuần. Khoảnh khắc đứng trước hàng trăm bạn bè và thầy cô, nam sinh hồi hộp, tay ướt nhẹp mồ hôi. Khi cất lời, em lại nói lắp vì quá run. Cả trường cười ồ. Ký ức về những ngày bị trêu chọc, cô lập lại hiện hữu trước mắt em. Huy nhắm mắt, hít một hơi thật sâu và không cho phép mình sợ hãi nữa.
"Chào mọi người, em là Trường Huy, học sinh lớp 11D", Huy dõng dạc bắt đầu lại. Cứ như thế, em hoàn thành bài phát biểu trong những tràng pháo tay của bạn bè. Đến giờ, với Huy, cơ hội đứng nói trước toàn trường vẫn là một trong những khoảnh khắc hạnh phúc nhất. "Nếu hỏi thành quả sau nhiều năm luyện nói là gì, em sẽ không ngần ngại nói về trải nghiệm phát biểu trong buổi chào cờ hôm đó", Huy nói.
Hiện, câu lạc bộ tranh biện do Huy thành lập có gần 40 thành viên, là nhóm duy nhất hoạt động về lĩnh vực này tại thành phố Chí Linh. Nam sinh thường tổ chức các buổi tranh biện nhóm, mô hình giống Trường Teen, cho các thành viên luyện tập. Trong thời gian tạm dừng đến trường vì Covid-19, câu lạc bộ vẫn duy trì sinh hoạt trực tuyến, mỗi tuần 5 buổi. Ngoài hoạt động câu lạc bộ, Huy còn duy trì điểm trung bình học tập 9,2, riêng Toán 9,9, đạt giải ba trong hai kỳ thi Olympic tiếng Anh, học sinh giỏi môn Ngữ Văn và học sinh "3 tốt" cấp tỉnh.
Khi đã tự tin hơn, Huy đăng ký dự thi Đường lên đỉnh Olympia, vốn là ước mơ từ thuở nhỏ. Dù không được vào vòng thi tháng, Huy đã có nhiều trải nghiệm đáng nhớ khi trở thành học sinh thứ ba của trường THPT Chí Linh tham dự sân chơi này. Quá trình ôn luyện và đến với Olympia cũng giúp Huy thêm kiên trì và tự tin vào khả năng của mình.
Cô Hoàng Thị Thu Phương, giáo viên chủ nhiệm và dạy Văn bậc THPT của Huy, nhận xét học trò kiên trì và quyết tâm. Huy có khả năng học tập ấn tượng, thường đứng đầu khối, là lớp trưởng gương mẫu, luôn có những ý tưởng mới lạ và sở hữu tài lẻ vẽ đẹp. "Bây giờ, mỗi khi phát biểu trước lớp, phần đầu Huy vẫn thường bị rối và nói chưa trôi chảy. Sau đó em sẽ bắt nhịp được và nói tự tin hơn. Chứng kiến em từng bước vượt qua giới hạn bản thân, tôi rất tự hào", cô giáo kể.
Hành trình "đi tìm giọng nói" được Huy kể lại trong bài luận gửi Đại học VinUni, đặt tên là "Dáng hình âm thanh" theo nhan đề một bộ phim hoạt hình nổi tiếng của Nhật Bản. Với em, thành công không chỉ phải là những danh hiệu, giải thưởng mà chính là vượt qua chính mình, đạt được ước mơ "nói một cách bình thường". Hiểu được điều đó, Huy nhận ra: "Giọng nói hay nhất không nhất thiết phải mượt mà, hay như ca sĩ mà chỉ cần được cất lên từ trái tim tự tin, nhiệt huyết của chính mình.
Nhờ bài luận ấn tượng, dù không có bất kỳ chứng chỉ quốc tế, Huy vẫn giành học bổng 100% ngành Quản trị Kinh doanh của Đại học VinUni, trị giá 3,3 tỷ đồng. Niềm vui đến với em trong những ngày đầu tháng 2, khi bố làm xa nhà còn mẹ trong khu cách ly tập trung. "Việc giành học bổng cho thấy cố gắng của em một lần nữa được ghi nhận. Nhiều lúc em đã nghĩ mọi việc quá sức mình, nhưng rồi em lại tự hỏi Tại sao mình không thử để biết giới hạn bản thân ở đâu", Huy nói.
Là người trực tiếp phỏng vấn Trường Huy, tiến sĩ Jenny Kyunghwa Chung, giảng viên cao cấp, Viện Kinh doanh và Quản trị, Đại học VinUni, nhìn nhận em có "dáng dấp" của một nhà lãnh đạo tương lai, sở hữu bản lĩnh vượt khó và biết nghĩ lớn. "Khi nói chuyện với Huy, tôi thấy em hoàn toàn làm chủ được giao tiếp, trình bày thuyết phục và thấu đáo", cô Jenny chia sẻ.
Dù đã đỗ đại học, nam sinh vẫn xác định nghiêm túc học để thi tốt nghiệp THPT đạt kết quả cao. Huy cho rằng tiếng Anh vẫn là điểm yếu của mình nên sẽ tập trung cải thiện kỹ năng nghe, nói.
Khi được hỏi có tiếc nuối hay muốn thay đổi điều gì trong quá khứ, Huy lắc đầu. Em cho rằng mọi thứ đã trải qua đều góp phần tạo nên em ngày hôm nay. Đó cũng là suy nghĩ được em thể hiện trong bài luận ứng tuyển VinUni: "If you want to fly, you have to give up everything that weighs you down" (Nếu muốn bay lên, hãy buông bỏ những thứ đang kìm hãm bạn).
Với Huy, sự kìm hãm là những lời trêu học, cười nhạo, sự cô lập và định kiến xã hội về giọng nói của mình. "Khi vượt qua được những thứ tiêu cực đó, em cảm nhận được mình thực sự tốt lên, làm được những điều ao ước bấy lâu. Trải qua những thách thức, em hiểu mình sẽ không bao giờ thất bại cho đến lúc bỏ cuộc", Huy nói.
Thanh Hằng