Khúc mắc trong lòng những người con khi bị bố mẹ đối xử bất công và chia tài sản không đồng đều nhận được nhiều quan tâm. Độc giả nhatha151288 chia sẻ:
Ngày xưa khi tôi lấy chồng, lúc ấy làm công nhân, lương ba cọc ba đồng, lấy chồng cũng nghèo, dành dùm tiền phụ hai nhà lo làm đám cưới. Đám cưới xong nhà tôi còn dư được hơn 20 triệu đồng tiền mừng.
Ngày đón dâu trong túi tôi còn chưa được 500 nghìn, tôi ước gì má có thể trích trong số tiền mừng đó cho tôi một, hai triệu bỏ túi phòng thân. Nhưng không, chắc có lẽ là má tôi nghĩ tôi có tiền. Cũng không sao, tôi ổn nếu như không có chuyện sau khi cưới khoảng một tuần tôi thấy đứa em đeo chiếc nhẫn một chỉ vàng 24k, nó khoe: "Má mua cho em để dành phòng thân". Nghe xong tôi thấy buốt trong lòng, nghèn nghẹn nuốt nước mắt vào trong, cười mừng cho em nó.
Nghĩ đời thật đắng. Đây chỉ là chuyện nhỏ trong muôn vàng đều bất công mà chỉ có người trong cuộc mới hiểu, nói ra thì mang tiếng ganh tỵ, giành ăn các kiểu, nên nhiều khi im lặng cho qua, tự nói với lòng phải cố gắng.
Độc giả HangLe: Chồng tôi có một chị gái và một em gái. Khi chồng tôi bắt đầu kiếm được tiền là phải gửi hết về quê để nuôi em ăn học. Tới lúc em gái ra Hà Nội học đại học thì một tay chồng lo, đến lúc cưới vợ thì vẫn còn nuôi em.
Sau khi ra trường thì cô em gái nay làm mai nghỉ, không có ý chí phấn đấu gì cả. Đợt tết về quê, sau đó dịch Covid-19 thì nghỉ làm ở nhà bố mẹ nuôi cho đến nay.
Chị chồng thì cũng đem gia đình về ở hẳn với bố mẹ 5 năm rồi.
Trong cuộc sống mỗi khi thiếu thốn, đau ốm, lễ tết... đều gọi bảo chồng tôi gửi tiền về. Chưa bao giờ xin cô con gái vì bảo họ làm không có tiền (trong khi họ làm được bao nhiêu xài hết, ăn chơi, đua đòi với bạn bè toàn nhà giàu). Đất ở quê đã chia đều làm 3 miếng bằng nhau. Vậy có bình đẳng không?
Độc giả Le MinhHai gợi ý những ai đang phải nai lưng gánh vác gia đình nên tự biết tách bạch để lo cho bản thân:
Tôi đã gặp những người chịu bất công giống như vậy lúc đã già: Tâm tính họ khi đó bắt đầu thay đổi thay vì trước kia chỉ nhìn thấy họ lo lắng cho các anh chị em mình một cách vô điều kiện thì về già sau 80 tuổi họ thù hận vô cớ và âm thầm hờn tủi anh chị em của họ.
Người được nhận sự chăm sóc đùm bọc thì vô tư từ nhỏ tới lớn nên coi đó là nghĩa vụ của anh chị mình. Thành ra ai đó đang trong trạng thái nai lưng ra lo cho gia đình thì nên suy nghĩ lại và tách bạch: Phần phụ gia đình vượt qua khốn khó xong thì tự lo cho phần riêng tư. Nếu anh chị có bản lĩnh, có khả năng, bước ra ngoài tự bươn chải.
Đừng nói là làm cho gia đình và nhờ mình tài sản mới sinh sôi nảy nở. Gia đình chỉ nghĩ đơn giản là của cải đó tự nhiên vận hành mà sinh sôi nảy nở thôi. Ai quản lý cũng được, dễ mà.
Trong khi đó, độc giả Anna Nguyen đưa lời khuyên:
Con người ta thường rất cảm tính, nhất là khi bố mẹ đã già thường thiếu sự minh mẫn hoặc đôi khi hợp đứa này, thích đứa kia. Ngoài ra do quan niệm cổ hủ, tài sản phải cho con trưởng, con thứ đôi khi chả được gì, lại gánh bao nhiêu phiền phức khác. Vì thế tài sản hay bất cứ thứ gì không thể có được sự công bằng, chính điều này gây sự ấm ức, thậm chí anh em thù hằn chia rẽ.
Chồng tôi từng như vậy, chồng tôi luôn tỵ với bác cả về đất đai và nhiều thứ khác. Tôi quan niệm rằng tiền của ông bà, ông bà cho ai đấy là quyền của ông bà và là con nên tôn trọng. Chồng tôi được nuôi ăn học đã được rồi. Của thì tự mình làm ra mới quý, mới đáng trân trọng, và tôi chưa bao giờ màng đến mấy miếng đất ở quê. Vì thế mà giờ vợ chồng tôi có đất Hà Nội và vài nơi khác nữa.
Hãy quên tài sản đó đi, tự mình nỗ lực phấn đấu vài năm sau chưa biết ai hơn ai.
Còn về phần trách nhiệm, hãy nói với ông bà con chỉ làm được thế này, chỉ lo được như thế, ông bà muốn hơn hãy nhờ anh cả vì con còn gia đình còn nuôi con cái con nữa. Nước mắt chảy xuôi, bớt ấm ức đời thanh thản hơn, dễ sống hơn, kiếm được nhiều hơn.
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Hữu Nghị tổng hợp