Tôi từng thắc mắc vì sao nhiều gia đình rất thích sinh con gái đầu? Và rồi câu trả lời mà tôi nghe được nhiều nhất là: "Để có người chăm em, lo nhà cửa, đi làm nuôi em ăn học, phụng dưỡng cha mẹ lúc về già". Ngẫm lại, tôi thấy nó đúng với cuộc đời mình thật.
Tôi bắt đầu làm việc nhà từ rất nhỏ. Lúc 4 tuổi, tôi đã được giao chăm đứa em một tuổi, đến 6 tuổi đã phải đi làm kiếm tiền, lên lớp 8 đã thành trụ cột gia đình để nuôi em thay bố mẹ... Có thể, ai đó sẽ nói "thời đó ai cũng vậy", nhưng thật ra trong chỉ có mình tôi phải chịu khổ như vậy thôi, chứ em trai tôi rất sướng, chẳng phải làm gì.
Lúc ấy, còn trẻ con nên tôi rất vô tư, lại được người lớn dạy dỗ rằng "làm chị phải biết thương em" nên cũng cứ làm một cách vô thức, chẳng thắc mắc gì. Vì cái gọi là "tình ruột thịt" đó mà tôi đã chăm em trai mình đến lúc nó trưởng thành. Trong khi đó, em tôi chỉ lo đúng hai việc là ăn và học.
Thế nhưng đến khi tôi lập gia đình, toàn bộ gia tài bố mẹ lại để hết cho con trai. Tôi gần như lấy chồng với hai bàn tay trắng. Chuyện sẽ chẳng có gì để bận tâm cho đến khi cha mẹ già yếu lại gọi con gái về "báo hiếu" thay vì nhờ cậy đứa con trai được thừa hưởng hết tài sản của mình.
>> Con gái chăm cha mẹ già nhưng nhà đất thừa kế lại để cho con trai
Tất nhiên, tôi vẫn tự nguyện báo hiếu cha mẹ mà không một lời oán than, nhưng cái nếp nghĩ con trai lo thờ cúng đã ăn sâu vào máu của người Việt đã đảm bảo cho vị thế độc tôn và quyền lợi tuyệt đối của nam giới trong gia đình. Mẹ tôi chì chiết: "Sao mày không xây lại nhà thờ để giao cho em trai lo thờ cúng?".
Tôi chỉ biết cười chua chát: "Cả đời mẹ quá sung sướng khi đẻ bốn đứa con rồi giao hết vào tay con nuôi dưỡng, gia tài mẹ cũng cho con trai hưởng hết rồi phá sạch, mẹ giờ đến từng bữa ăn, giấc ngủ cũng có người lo, vậy mà mẹ vẫn muốn con làm 'nô lệ' cho cái thói 'trọng nam khinh nữ' truyền đời đó của ông bà hay sao?".
Còn nhà chồng tôi có chín anh em nhưng cuối cùng cũng chỉ có mình vợ chồng tôi đứng ra chăm nuôi cha mẹ già, vì ai nấy cũng đều than nghèo kể khổ, viện cớ trốn hết. Vất vả nuôi cha mẹ già một mình nhưng tài sản từ nhỏ tới lớn, cha mẹ đều dồn hết cho con cả, mấy đứa khác tị nạnh nên không chịu nuôi cha mẹ. Cuối cùng, vợ chồng tôi chẳng lấy của cải bên nào mà vẫn gánh còng lưng cha mẹ hai bên.
Tôi và chồng có học thức và có của ăn của để nhất so với các anh chị em gia đình hai bên nội, ngoại. Bố tôi và mẹ chồng cũng đều ra đi trong vòng tay tôi. Hiện, mẹ tôi cũng đang do một tay tôi chăm sóc những năm tháng cuối đời. Nhiều lúc, tôi thấy cuộc đời mình bạc bẽo, trái tim mình chai sạn, nhưng rồi tôi vẫn cố gắng làm tròn trách nhiệm, còn buồn tủi thì tôi giữ cho riêng mình.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.
- Ba con gái làm loạn vì bố di chúc đất cho con trai
- Tôi ủng hộ cha mẹ chia thừa kế cho chị dâu
- Đề nghị bố mẹ chia đất thừa kế ngay vì sợ anh em tương tàn
- Bất lực khuyên bố mẹ chồng sớm sang tên nhà thừa kế
- Chú tôi đòi độc chiếm căn nhà thừa kế vì di chúc mập mờ
- Sáu nguyên tắc chia thừa kế giúp tôi 'dẹp loạn' con cái