Sau khi Pfizer từ Mỹ và đối tác BioNTech từ Đức công bố vaccine Covid-19 có hiệu quả đến 90%, giới chuyên gia đặt ra câu hỏi liệu sản phẩm có thể bảo vệ những người nhiễm bệnh không biểu hiện triệu chứng hay không. Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên với Guardian, Uğur Şahin bày tỏ sự lạc quan của mình.
"Nếu câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta có thể đẩy lùi đại dịch bằng vaccine, câu trả lời của tôi là có. Ngay cả việc vaccine giúp ngăn ngừa các ca có biểu hiện triệu chứng thôi thì cũng có tác dụng đáng kể", ông cho biết hôm 12/11.
Trước đó, ông từng rất thận trọng khi nói về khả năng kích hoạt phản ứng miễn dịch của vaccine. "Có thể các virus không được vaccine nhắm đến vẫn tìm đường xâm nhập được tế bào, tiếp tục gây bệnh cho người. Giờ đây, chúng tôi biết rằng sản phẩm có thể đánh bại mầm bệnh này", ông khẳng định.
Dù chưa thể rút ra kết luận chính thức về vaccine từ thử nghiệm hiện tại, nhà khoa học 55 tuổi tin rằng sản phẩm đủ khả năng ngăn chặn sự lây truyền của virus, thay vì chỉ bảo vệ một người dùng đơn thuần.
Theo Şahin, vaccine tấn công nCoV theo nhiều cách khác nhau. "Nó cản trở virus tiếp cận với các tế bào. Ngay cả khi mầm bệnh tìm cách xâm nhập, tế bào T vẫn có thể ‘đánh phủ đầu’ và loại bỏ chúng. Sản phẩm của chúng tôi huấn luyện tốt hệ miễn dịch, hoàn thiện hai lớp phòng thủ. Giờ đây, chúng tôi biết rằng virus không thể tự bảo vệ khỏi cơ chế đó", ông giải thích.
Để giải đáp một số câu hỏi phức tạp về hiệu quả của vaccine có thể tốn vài tuần, thậm chí vài tháng. Việc xác định liệu sản phẩm có ngăn chặn được các ca nhiễm không triệu chứng cũng mất khoảng một năm.
Dự kiến, trong ba tuần tới, các nhà khoa học sẽ thông báo về mức độ bảo vệ của sản phẩm trên từng nhóm tuổi riêng biệt.
Giáo sư Şahin kỳ vọng người dùng các nước được tiêm đủ hai mũi vaccine, mỗi mũi cách nhau ba tuần. Miễn dịch với Covid-19 sẽ kéo dài ít nhất một năm. "Chúng tôi chỉ có manh mối gián tiếp về thời gian miễn nhiễm sau tiêm chủng. Các nghiên cứu cho thấy bệnh nhân Covid-19 có hệ miễn dịch tốt vẫn duy trì kháng thể sau khi khỏi bệnh khoảng 6 tháng. Chúng tôi cho rằng vaccine bảo vệ ít nhất một năm", ông nói.
Vaccine của Pfizer/BioNTech được điều chế dựa trên phân tử di truyền RNA, có khả năng kích thích tế bào người tạo ra protein virus. Sau đó, hệ miễn dịch tiếp xúc với protein và sinh ra kháng thể, các tế bào miễn dịch nhận biết và tiêu diệt mầm bệnh. Trong khi phát triển vaccine thông thường, các nhà khoa học lấy thông tin di truyền từ virus và nuôi cấy nó trong tế bào người, phương pháp RNA chỉ yêu cầu mã di truyền của virus. Do đó, quá trình sản xuất có thể rút ngắn còn một phần ba.
Thế mạnh của Pfizer trong điều chế vaccine cùng những hành động nhanh chóng của cơ quan quản lý đã giúp đẩy nhanh quá trình phát triển thành 10 tháng, thay vì nhiều năm. "Chúng ta sẽ không mất thời gian để chờ đợi. Tưởng tượng bạn muốn đi từ đầu này đến đầu kia của London trong cảnh tắc đường. Bạn sẽ mất nửa ngày. Dự án của chúng tôi như việc đi trên một con phố vắng tanh", giáo sư Şahin nói.
Thục Linh (Theo Guardian)