Glenn Deshields là một nhà hoạt động xã hội ở Austin, miêu tả phản ứng sau tiêm vaccine BNT162b2 của Pfizer là "nôn nao nghiêm trọng". Sau tiêm, anh đặt lịch xét nghiệm kháng thể với bác sĩ cá nhân, kết quả dương tính. Vì vậy, anh tự tin rằng mình không nằm trong nhóm thử nghiệm sử dụng giả dược. Trong thử nghiệm giai đoạn ba, Pfizer chia các tình nguyện viên thành hai nhóm gồm một nhóm tiêm vaccine và một nhóm dùng giả dược. Người tham gia thử nghiệm không biết mình thuộc nhóm nào.
Thông tin vaccine Pfizer đạt 90% hiệu quả khiến Glenn Deshields vô cùng vui mừng.
"Một trong những ký ức đáng nhớ nhất của ông tôi là tiếng chuông vang lên báo hiệu Thế chiến Thứ nhất kết thúc. Đó là cuộc chiến kinh hoàng, những điều khủng khiếp xảy ra và mọi người vui mừng khi nó đã lùi xa. Trong tâm trí tôi, vaccine Pfizer cũng như tiếng chuông đó. Tạ ơn Chúa rằng dịch bệnh sẽ kết thúc một ngày nào đó", Glenn Deshields chia sẻ.
Bryan, một kỹ sư đến từ Rome, Georgia, cũng có cảm giác tương tự. Anh tự hào khi nghe tin tức về hiệu quả vaccine, bày tỏ tham gia thử nghiệm là "điều nhỏ bé nhất tôi có thể làm để giúp đỡ cộng đồng khi nhiều người Mỹ đã nhiễm virus".
Bryan tin rằng mình được tiêm giả dược. Anh không có phản ứng miễn dịch, không gặp tác dụng phụ và nhiễm nCoV ngay sau khi con gái mắc bệnh vào tháng trước. Virus cuối cùng lây cho các thành viên khác trong gia đình, nhưng tất cả đều đã khỏi hẳn.
Vaccine Covid-19 của hãng dược Pfizer và BioNTech đạt hiệu quả 90% trở thành một trong những tin tức tích cực nhất trong tuần thứ hai của tháng 11, đặc biệt khi dịch bệnh đang leo thang tại nhiều nước. Bên cạnh giới chuyên gia, những tình nguyện viên như Glenn, Bryan... tham gia thử nghiệm cũng tự hào khi trở thành một phần của dự án mang lại niềm hy vọng cho nhân loại.
Kể từ tháng 7, hơn 43.500 người từ 6 quốc gia đã đăng ký tiêm thử vaccine Pfizer. Một trong số đó là Carrie, phóng viên 45 tuổi, đến từ Missouri, Mỹ. Cô coi việc trở thành tình nguyện viên vaccine là "nghĩa vụ công dân".
"Có rất nhiều người đã mắc bệnh và tuyệt vọng. Tôi nghĩ mình có thể làm điều gì đó để khiến mọi người bớt đau khổ hay mất đi các thành viên trong gia đình, giúp chúng ta thoát khỏi đại dịch và trở lại quốc sống bình thường. Đây là ý tưởng đã thôi thúc tôi. Tôi không muốn ai khác bị bệnh", Carrie tự hào nói.
Carrie được tiêm mũi vaccine đầu tiên hồi tháng 9, mũi thứ hai vào tháng 10. Thử nghiệm thực hiện bằng phương pháp "mù đôi", cả cô và nhân viên y tế đều không biết mình đã tiêm vaccine hay giả dược. Song, Carrie khá chắc chắn mình được nhận vaccine.
Cô trải nghiệm các tác dụng phụ thường thấy sau khi tiêm chủng, bao gồm đau đầu, sốt và nhức khắp cơ thể. Cảm giác tương tự một trận cúm sau mũi đầu tiên, nghiêm trọng hơn sau mũi thứ hai.
Đại diện Pfizer cho biết tình nguyện viên vaccine có thể bị "sốt trong thời gian ngắn, chủ yếu ở mức độ nhẹ đến trung bình". Song nhiều người tham gia thử nghiệm trải qua các triệu chứng nghiêm trọng hơn cảnh báo. Một tình nguyện viên đã thức cả đêm sau mũi tiêm đầu tiên bởi cơn đau vùng bắp tay. Các triệu chứng như giống cúm nặng sớm ập đến vào khoảng 1h sáng. Biểu hiện dữ dội đến mức anh nghiến nứt một phần răng của mình.
Dù vậy, anh vẫn ủng hộ vaccine, cho biết nếu biết trước về triệu chứng, anh sẽ đăng ký tiêm thử vào cuối tuần để có hai ngày nghỉ ngơi. Anh nhận định việc nhiễm virus có thể còn tệ hơn điều này rất nhiều.
Pfizer sau đó cho biết vaccine của hãng để lại phản ứng phụ tương tự với mắc Covid-19 nhẹ, chẳng hạn đau cơ, ớn lạnh và đau đầu. Trong các thử nghiệm lâm sàng, một số công ty dược đã ngừng tiêm liều cao nhất sau khi nhận báo cáo về triệu chứng nghiêm trọng hơn.
John Bell, giáo sư y khoa, Đại học Oxford, cho biết các nhà khoa học đã tạo ra loại vaccine vượt quá kỳ vọng. Tuy nhiên, ông cảnh báo giới chức các nước cần đảm bảo sản phẩm sẽ được phân phối suôn sẻ và công bằng đến những nhóm dễ bị tổn thương, người có nguy cơ mắc Covid-19.
Bộ trưởng Y tế Anh cho biết Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) và lực lượng quân đội đã sẵn sàng phân phối vaccine kể từ đầu tháng 12. Nhóm ưu tiên là nhân viên chăm sóc sức khỏe và người cao tuổi ở các viện dưỡng lão. Ông thừa nhận việc triển khai chương trình tiêm chủng đại trà là "thách thức to lớn".
Vaccine Pfizer cần được trữ đông ở nhiệt độ -70 độ C. Như vậy nó không thể sử dụng trong các ca phẫu thuật thông thường hoặc bày bán ở hiệu thuốc. Sản phẩm phải được vận chuyển bằng xe tải lạnh, đựng trong các kiện hàng chứa đá khô để tránh bị hỏng.
Vaccine điều chế dựa trên phân tử di truyền RNA, có khả năng kích thích tế bào người tạo ra protein virus. Sau đó, hệ miễn dịch tiếp xúc với protein và sinh ra kháng thể, các tế bào miễn dịch nhận biết và tiêu diệt mầm bệnh.
Tháng 7, Pfizer và BioNTech bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vaccine BNT162b2 giai đoạn cuối. Một nửa trong số tình nguyện viên được tiêm vaccine, còn lại dùng giả dược là nước muối. Sau đó, họ trở về sinh sống trong cộng đồng nơi dịch bệnh đang lây lan. Các nhà khoa học tính toán số lượng người mắc bệnh để xác định liệu vaccine có hiệu quả hay không.
Đến nay, thế giới ghi nhận tổng cộng 11 "ứng viên" tiềm năng đang trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối. Ngoài Pfizer, Moderna cũng sử dụng công nghệ RNA để phát triển vaccine.
Thục Linh (Theo PA, Sun, Daily Mail)