Tonga, quốc đảo Thái Bình Dương cách New Zealand khoảng 2.000 km, hôm 15/1 hứng sóng thần cao khoảng 1,2 m ở đảo chính Tongatapu ngay sau khi núi lửa ngầm Hunga Tonga-Hunga Ha'apai phun trào. Trước đó một ngày, đợt phun trào dữ dội khác cũng xảy ra, khiến chính phủ Tonga phát cảnh báo sóng thần trên toàn quốc.
Núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha'apai đặc biệt thế nào?
Nhà nghiên cứu núi lửa Richard Arculus, giáo sư danh dự tại Đại học Quốc gia Australia, cho biết xét về cách phân loại, Hunga Tonga-Hunga Ha'apai là một núi lửa ngầm dưới biển. Tuy nhiên, nó đặc biệt ở chỗ miệng núi lửa lại nhô lên khỏi mặt nước.
Miệng núi lửa trở thành một hố lớn nằm giữa hai đảo đất Hunga Tonga và Hunga Ha'apai. Theo cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), hai đảo "trẻ" này cũng được hình thành từ hoạt động phun trào núi lửa.
Giáo sư Arculus cho biết núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha'apai đã hoạt động khá tích cực trong 15 năm qua.
Vụ phun trào đáng chú ý nhất gần đây diễn ra vào năm 2015, khi những đám tro bụi bắn lên từ Hunga Tonga-Hunga Ha'apai buộc một số hãng hàng không phải hủy các chuyến bay đến và đi từ Tonga. Tại thời điểm đó, nhà khí tượng học Peter Lechner thuộc Cơ quan Hàng không Dân dụng New Zealand cho biết tro núi lửa đã được đẩy lên độ cao hơn 9.000 m.
Vụ phun trào này còn hình thành nên một đảo mới ước tính dài 2 km, rộng 1 km và cao 100 m. Tuy nhiên, hòn đảo này sớm bị nước biển bào mòn và dần biến mất trong vài năm qua.
Lechner cho biết thêm rằng núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha'apai từng phun trào vào các năm 2009, 1988, 1937 và 1912.
Lý do núi lửa tạo ra sóng thần
Đợt phun trào cuối tuần trước được giáo sư Arculus mô tả là "cú nổ lớn khai thông miệng núi". Hình ảnh vệ tinh cho thấy vụ nổ ở miệng núi lửa ngay trên bề mặt biển đã tạo "luồng sóng xung kích" cực kỳ dữ dội lan ra theo chiều ngang.
Vụ nổ cực lớn này tạo ra một khoảng trống khổng lồ bên trong miệng núi lửa, khiến nước biển ồ ạt tràn vào. Nước biển bị dồn vào khoảng trống khổng lồ này sau đó dội ngược trở lại, tạo thành sóng thần tiến vào bờ.
Để làm nổi bật mức độ dữ dội của vụ phun trào núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha'apai, Arculus cho biết nó "mạnh hơn gấp nhiều lần so với vụ ở đảo Trắng" (hay còn được gọi là đảo Whakaari) tại New Zealand. Núi lửa đảo Trắng phun trào hồi tháng 12/2019, khiến 22 du khách thiệt mạng.
Hiện chưa có thông tin chính thức về thương vong và thiệt hại do sóng thần tại Tonga, bởi thông tin liên lạc ở đây gần như bị cắt đứt hoàn toàn. Tuy nhiên, giới khoa học cho biết vụ phun trào núi lửa đã làm rung chuyển Trái Đất trong vài phút, với tiếng nổ vang xa gần 10.000 km tới tận Mỹ, được Đài Theo dõi Núi lửa Alaska ghi nhận.
Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, vụ phun trào có sức mạnh tương đương trận động đất 5,8 độ ở trên mặt đất.
Hàng loạt quốc gia ở hai bờ Thái Bình Dương đã phát cảnh báo sóng thần, trong đó có Mỹ, New Zealand, Canada. Cơ quan Khí tượng Nhật Bản cho biết sóng thần đã xuất hiện tại nước này vào đêm 15 rạng sáng 16/1, vài giờ sau vụ phun trào núi lửa ở Tonga, nhưng không gây thiệt hại.
Điều gì xảy ra tiếp theo?
Grace Legge, nhà khí tượng học cấp cao tại Cục Khí tượng Australia, cảnh báo tình hình vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, bởi hiện tượng núi lửa ngầm phun trào khó dự đoán hơn nhiều so với các hình thái thời tiết trong khí quyển hoặc động đất. "Chúng ta vẫn chưa thoát khỏi mối đe dọa", Legge đánh giá.
Giáo sư Arculus bày tỏ đồng tình khi cho biết núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha'apai có khả năng tiếp tục hoạt động trong những tháng tới, nhưng rất khó dự báo chính xác thời điểm vụ phun trào dữ dội tiếp theo.
Tuy nhiên, người dân ở các khu vực xung quanh như Australia hay New Zealand nhiều khả năng sẽ bắt gặp hiện tượng "đá dung nham" trôi nổi dạt vào bờ biển trong nhiều tháng tới.
Ánh Ngọc (Theo ABC)