Cơ quan Khí tượng Quốc gia Mỹ hôm qua thông báo Đài theo dõi Núi lửa Alaskia đã ghi nhận tiếng nổ từ vụ phun trào tại Tonga hôm 15/1 "ở cách núi lửa gần 10.000 km". Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ cho biết vụ núi lửa phun trào có sức mạnh tương đương trận động đất 5,8 độ ở trên mặt đất.
Trạm khí tượng Fife ở Scotland cũng cho biết vụ phun trào khiến đồ thị khí áp tăng vọt. "Thật đáng kinh ngạc khi nghĩ đến sức mạnh có thể tạo sóng xung kích di chuyển vòng quanh thế giới", cơ quan này đăng trên Twitter.
Marco Brenna, giảng viên cao cấp tại Trường Địa lý Đại học Otago của New Zealand, cho biết vụ núi lửa phun tại Tonga có tác động "tương đối nhẹ", nhưng nhấn mạnh có thể xảy ra một vụ nổ khác với ảnh hưởng lớn hơn nhiều. Trung tâm Tư vấn về Núi lửa Darwin sáng nay phát hiện thêm một vụ phun trào ở Tonga.
Sau đợt phun trào ngày 14/1, núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha'apai tiếp tục phun trào lúc 17h26 hôm 15/1. Chỉ 4 phút sau, sóng thần cao khoảng 1,2 m ập vào thủ đô Nuku'alofa của Tonga.
Chính phủ Tonga chưa đưa ra thông báo nào về thương vong và quy mô thiệt hại, nhưng hình ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy nước đã nhấn chìm nhiều tuyến đường ven biển, tràn vào nhà cửa và cuốn trôi xe cộ. Khắp đảo chính Tongatapu ghi nhận nhiều khu vực mất điện, liên lạc bị gián đoạn.
Hàng loạt quốc gia ở hai bờ Thái Bình Dương đã phát cảnh báo sóng thần, trong đó có Mỹ, New Zealand, Canada. Cơ quan Khí tượng Nhật Bản cũng cho biết sóng thần đã đến nước này đêm 15 rạng ngày 16/1, vài giờ sau vụ phun trào núi lửa lớn ở Tonga.
Dean Veverka, lãnh đạo Southern Cross Cable Network, mạng cáp viễn thông xuyên Thái Bình Dương, cho biết có thể mất tới hai tuần để khôi phục cáp Internet ở Tonga, sau khi vụ phun trào núi lửa dẫn tới sóng thần đã khiến quốc đảo này gần như không thể liên lạc.
Vũ Anh (Theo AFP)