Ngày 18/9, UBND tỉnh Bến Tre có văn bản cho phép Công ty TNHH BOT cầu Rạch Miễu thu phí qua cầu trở lại. Tỉnh cũng yêu cầu đơn vị sẵn sàng các biện pháp phòng chống dịch trước khi hoạt động. Hôm qua, công ty này có công văn gửi tỉnh về việc hỗ trợ thu phí theo hướng dẫn Tổng cục Đường bộ.
Công trình BOT cầu Rạch Miễu có tổng vốn đầu tư 1.187 tỉ đồng, đưa vào hoạt động tháng 1/2009. Sau hơn 12 năm thu phí, đến tháng 7/2021, doanh nghiệp đã hết thời gian thu phí theo hợp đồng.
Trong khi đó, từ tháng 6/2016, dự án xây dựng 4 đoạn tuyến (3 đoạn nâng cấp quốc lộ 60, một đoạn xây mới tuyến tránh Mỏ Cày) tổng chiều dài hơn 22,3 km, tính từ chân cầu Rạch Miễu, bờ Bến Tre đến đường dẫn cầu Cổ Chiên, đi Trà Vinh. Dự án có tổng vốn 1.752 tỉ đồng, thời gian thu phí dự kiến 7 năm 7 tháng.
Từ tháng 7/2021, dự án bắt đầu thu phí hoàn vốn thì Covid-19 bùng phát, hai tỉnh Bến Tre và Tiền Giang áp dụng biện pháp giãn cách xã hội, gây gián đoạn việc thu phí đến nay.
Trước khi chưa có dịch, mỗi ngày có khoảng 18.000 lượt phương tiện có trả phí qua Trạm BOT cầu Rạch Miễu, ngày lễ, tết tăng lên 22.000 lượt. Ước tính mỗi năm, lượng xe qua cầu tăng 20-25%.
Cầu Rạch Miễu dài hơn 8,3 km bao gồm cả đường dẫn, mặt cầu rộng 12-15 m, khánh thành năm 2009. Tình trạng kẹt xe tại cầu bắt đầu xảy ra sau khi từ sau khi cầu Cổ Chiên trên quốc lộ 60 nối Bến Tre - Trà Vinh đưa vào sử dụng 6 năm trước. Nguyên nhân là người dân Trà Vinh, Vĩnh Long... cũng qua cầu này về TP HCM để rút ngắn khoảng cách khiến lưu lượng xe trên tuyến này tăng đột biến.
UBND tỉnh Bến Tre và Bộ Giao thông Vận tải đã lên phương án xây cầu Rạch Miễu 2 với thiết kế dây văng, rộng bốn làn xe. Thủ tướng đã phê duyệt đầu tư xây dựng cầu với kinh phí hơn 5.100 tỷ đồng từ ngân sách.
Trong 5 năm chờ cầu mới hoàn thành, Bến Tre đã xây bến phà tạm tại bến đò Song Thuận (Châu Thành), cách cầu Rạch Miễu 10 km, đưa vào hoạt động trước Tết năm rồi.
Đến nay, Bến Tre có hơn 1.800 ca cộng đồng, 48 ca tử vong.
Hoàng Nam