Thời gian khởi công cầu Rạch Miễu 2 vào cuối năm này đã được địa phương thống nhất với Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư - Bộ Giao thông Vận tải), ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, ngày 18/5.
Theo lãnh đạo tỉnh Bến Tre, trong tháng sau các đơn vị liên quan sẽ tổ chức phê duyệt dự án đầu tư, tuyển chọn tư vấn thiết kế, lập khung chính sách giải phóng mặt bằng và đấu thầu lựa chọn nhà thầu.
Dự án này đã được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư với kinh phí 5.170 tỷ đồng từ ngân sách. Trong đó, chi phí xây dựng hơn 3.000 tỷ đồng, tiền đền bù giải tỏa và tái định cư hơn 1.000 tỷ đồng, còn lại các chi phí khác.
Công trình cách cầu hiện hữu 3,8 km về phía thượng lưu. Cầu có kết cấu dây văng, dài 17,5 km. Trong đó, đoạn Tiền Giang dài 7,93 km, phía Bến Tre dài 9,68 km. Nhịp chính qua sông Tiền dài 1.954 m, rộng 17,5 m, bốn làn xe. Phần vượt sông Mỹ Tho dài 456 m, rộng 20,5 m, gồm 4 cầu: Xoài Hột, Ba Lai, Tam Sơn và Sông Mã.
Phía bờ Tiền Giang, cầu nằm ở vị trí giao quốc lộ 1 với đường tỉnh 870, điểm cuối kết nối với quốc lộ 60 tại đường dẫn cầu Hàm Luông, Bến Tre. Trên tuyến xây dựng 11 vị trí nút giao giao thông và 10 vị trí đường chui dưới cầu.
Việc xây cầu mới nhằm giảm tải cho cầu hiện nay. Hiện mỗi ngày có khoảng 18.000 - 20.000 lượt ôtô qua cầu Rạch Miễu, vượt gấp ba lần thiết kế. Cuối năm ngoái, tỉnh Bến Tre đã làm bến phà tạm để "chia lửa" với cầu, nhưng tình trạng kẹt xe ở cầu vẫn diễn ra thường xuyên, nhất là dịp cuối tuần, lễ, Tết.
Cầu Rạch Miễu dài hơn 8,3 km bao gồm cả đường dẫn, mặt cầu rộng 12-15 m, khánh thành năm 2009. Tình trạng kẹt xe tại cầu bắt đầu xảy ra sau khi từ sau khi cầu Cổ Chiên trên quốc lộ 60 nối Bến Tre - Trà Vinh đưa vào sử dụng 6 năm trước. Nguyên nhân là người dân Trà Vinh, Vĩnh Long... cũng qua cầu này về TP HCM để rút ngắn khoảng cách khiến lưu lượng xe trên tuyến này tăng đột biến.
Hoàng Nam