Tuần trước, Brazil trở thành quốc gia thứ hai vượt mốc 400.000 ca tử vong vì Covid-19, chỉ sau Mỹ. Vùng dịch lớn thứ ba thế giới hiện ghi nhận gần 14,9 triệu ca nhiễm, thấp hơn so với con số hơn 20,6 triệu tại Ấn Độ. Tuy nhiên, tổng số người chết của Brazil gần gấp đôi "điểm nóng" Covid-19 đang được cả thế giới hướng đến.
Hồi tháng 3, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã yêu cầu các tổ chức quốc tế giúp đỡ. Một nhóm thống đốc bang cũng đề nghị Liên Hợp Quốc cung cấp viện trợ nhân đạo. Đại sứ Brazil tại Liên minh châu Âu (EU) tháng trước khẩn thiết cầu xin hỗ trợ trong "cuộc đua với thời gian để cứu nhiều sinh mạng tại Brazil", nơi đã chôn cất khoảng 140.000 nạn nhân Covid-19 trong hai tháng qua.
Tuy nhiên, thứ Brazil nhận được sau lời cầu cứu này chủ yếu là những cái "nhún vai" và lời chỉ trích, trong khi Mỹ, Anh và nhiều nước khác tuyên bố sẽ "làm tất cả những gì có thể" để giúp Ấn Độ. Thái độ của Tổng thống Bolsonaro với cộng đồng quốc tế cũng như chiến lược chống dịch mà ông này áp dụng được cho là đã khiến Brazil đối mặt với phản ứng thờ ơ này.
"Những gì đang xảy ra tại Brazil là một thảm kịch đáng lẽ đã được ngăn chặn. Các quyết định chính trị sai lầm đã dẫn đến bi kịch này", một thành viên Nghị viện châu Âu nói với đại sứ Brazil tại EU trong phiên điều trần tháng trước.
"Thay vì tuyên chiến với virus, Bolsonaro lại tuyên chiến với khoa học, y học, lẽ thường và những mạng sống", một người khác phát biểu. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cũng không đề cập nhiều về Brazil, trong khi liên tục đăng bài lên Twitter kêu gọi hỗ trợ Ấn Độ.
Sự đối lập trong cách xử lý của cộng đồng quốc tế trước hai cuộc khủng hoảng cho thấy những thất bại ngoại giao chồng chất của Brazil đã gây tổn hại công tác phòng chống Covid-19 tại nước này đến mức nào, bình luận viên Terrence McCoy của Washington Post nhận định.
"Hình tượng mà Brazil đã dành nhiều thập kỷ xây dựng, như một quốc gia tập trung vào vấn đề môi trường, hòa nhã và đa phương, đã bị xô đổ bởi một chính quyền Tổng thống xúc phạm rất nhiều nước trên thế giới, ngay tại những thời điểm Brazil đang cần họ giúp đỡ nhất", McCoy đánh giá.
Bolsonaro, tổng thống cực hữu theo chủ nghĩa dân tộc và có tư tương chống chủ nghĩa đa phương, từng hưởng ứng một bình luận trên mạng xã hội chê bai ngoại hình của Đệ nhất phu nhân Pháp Brigitte Macron, hành động mà Tổng thống Emmanuel Macron cho rằng "vô cùng thiếu tôn trọng" vợ ông.
Chánh văn phòng của Bolsonaro sau đó còn cáo buộc Macron "có mưu đồ thực dân và đế quốc", khi G7 nhất trí hỗ trợ xử lý thảm họa cháy rừng ở Amazon hồi tháng 8/2019 theo đề xuất của Tổng thống Pháp.
Trong cuộc bầu cử tại Mỹ năm ngoái, Bolsonaro ủng hộ những tuyên bố gian lận vô căn cứ của cựu tổng thống Donald Trump. Ông cũng là lãnh đạo cuối cùng trong nhóm G20 chúc mừng chiến thắng của Tổng thống Joe Biden.
Suốt nhiều tháng, các thành viên nội các của Bolsonaro còn liên tục công kích Trung Quốc, mỉa mai vaccine của nước này. Bộ trưởng Tài chính Brazil thậm chí còn tuyên bố rằng Trung Quốc "tạo ra virus".
Ngoài đường lối ngoại giao bị đánh giá sai lầm, chính phủ liên bang Brazil còn bị cho là đã ứng phó Covid-19 một cách phản khoa học, hạ thấp mức độ nghiêm trọng của đại dịch.
Khi đại dịch bùng phát, Bolsonaro kêu gọi người dân sống như bình thường, dẫn đến tình trạng dân chúng vi phạm các biện pháp hạn chế vốn được chính quyền các bang triển khai. Hậu quả là Covid-19 đã trở thành thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất trong lịch sử Brazil. Quốc gia từng tự hào vì sự thân thiện giờ đây hầu như không còn bạn bè.
"Cả thế giới đang cố gắng giúp Ấn Độ, nhưng Bolsonaro đã trở thành một vấn đề quốc tế, đến mức không ai sẵn lòng giúp ông ấy. Không ai nói gì về việc hỗ trợ đáng kể cho Brazil", Mauricio Santoro, nhà khoa học chính trị tại Đại học bang Rio de Janeiro, nêu ý kiến.
Khi được hỏi tại sao Mỹ không khẩn trương giúp đỡ Brazil như với Ấn Độ, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cung cấp danh sách các khoản viện trợ trị giá hơn 20 triệu USD của Washington cho Brasilia. Tuy nhiên, các khoản hỗ trợ này chủ yếu được thực hiện vào mùa xuân năm ngoái, dưới thời Trump, trước đợt bùng phát tồi tệ nhất ở Brazil, bao gồm 1.000 máy thở và 2 triệu viên thuốc hydroxychloroquine.
Nhiều quốc gia khác cũng không quay lưng hoàn toàn với Brazil. Đức đã gửi các máy thở sau khi hệ thống y tế tại thành phố Manaus sụp đổ. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng bắt đầu chuyển vaccine Covid-19 cho Brazil thông qua chương trình Covax, sáng kiến phân phối vaccine toàn cầu.
EU cùng các quốc gia thành viên đã tài trợ cho Brazil khoảng 28 triệu USD kể từ khi bắt đầu đại dịch, theo một phát ngôn viên của liên minh. Đáp lại lời kêu gọi của quốc gia Nam Mỹ hồi tháng 3, EU cũng gửi "80.000 đơn vị thuốc vô cùng cần thiết".
Tuy nhiên, bình luận viên McCoy cho rằng việc thiếu những hỗ trợ đáng kể hơn, hoặc sự thể hiện tình đoàn kết quốc tế giữa lúc Brazil chìm trong những tháng tuyệt vọng nhất, đã chứng minh cái giá phải trả vì chính sách ngoại giao đối đầu của Bolsonaro, cũng như thái độ coi thường các biện pháp phòng dịch được giới lãnh đạo toàn cầu công nhận.
"Ngay cả khi Trump làm tổng thống, Mỹ vẫn có thể giải quyết tình hình bởi họ không phụ thuộc quá nhiều vào thế giới, có thể tự sản xuất vaccine. Nhưng đối với Brazil, hành vi đảo ngược chính sách ngoại giao truyền thống là vô cùng liều lĩnh bởi Brazil phụ thuộc vào cộng đồng quốc tế", Oliver Stuenkel, giáo sư quan hệ quốc tế tại Quỹ Getulio Vargas ở Sao Paulo, cho biết.
Bình luận viên McCoy chỉ ra sai lầm lớn của chính quyền Bolsonaro là gây hấn với Trung Quốc, trong khi Brazil phụ thuộc vào nguyên liệu sản xuất vaccine từ nước này.
Tháng 4/2020, cựu bộ trưởng giáo dục Brazil Abraham Weintraub đã có những lời lẽ phân biệt chủng tộc với Trung Quốc, làm dấy lên chỉ trích từ cả Bắc Kinh lẫn Tòa án Tối cao Brazil. Nghị sĩ Eduardo Bolsonaro, con trai Tổng thống Brazil, cũng đổ lỗi cho Trung Quốc về đại dịch và cáo buộc nước này sử dụng 5G để tiến hành hoạt động gián điệp.
Bắc Kinh từng cảnh báo "những hậu quả tiêu cực" nếu các phát ngôn tương tự tiếp tục được đưa ra. Hồi tháng 1, lô nguyên liệu vaccine từ Trung Quốc gửi đến Brazil bị trì hoãn nghiêm trọng, khiến một số người suy đoán đây là động thái răn đe từ Bắc Kinh. Tuy nhiên, điều này dường như không ngăn được phát ngôn từ Bộ trưởng Tài chính Brazil Paulo Guedes cuối tháng trước.
"Người Trung Quốc đã phát minh ra virus. Vaccine của họ cũng kém hiệu quả hơn Mỹ", Guedes nói. Đáp lại, phía Bắc Kinh lưu ý Trung Quốc "là nhà cung cấp vaccine và nguyên liệu vaccine chủ yếu cho Brazil tính đến thời điểm này".
Michael Shifter, chủ tịch nhóm cố vấn Đối thoại Liên Mỹ có trụ sở tại Washington, cho biết những người đang phải trả giá cho thái độ đối đầu ngoại giao của Tổng thống Bolsonaro lại là những người dân bình thường của Brazil.
"Người dân Brazil đang phải hứng chịu hậu quả và chết dần. Bi kịch nằm ở đó", Shifter nói.
Ánh Ngọc (Theo Washington Post)